Từ sáng 26/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Quốc hội cũng đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trong phiên thảo luận ngày 26/7, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Giáo dục đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã tham gia phần thảo luận của đại biểu.
-
Bộ trưởng Y tế và Công Thương sẽ giải trình sáng nay
Kết thúc ngày làm việc hôm qua, đã có 44 đại biểu nêu ý kiến, 2 đại biểu tranh luận và 2 Bộ trưởng tham gia giải trình. Sáng nay thứ bảy 27/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ tham gia giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm.
-
Đại biểu muốn xử lý dứt điểm mùi hôi từ bãi rác
Mở đầu phiên thảo luận sáng 27/10, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng tính bền vững của tăng trưởng không vững chắc khi tăng trưởng phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI. Tăng trưởng dựa vào nhu cầu thế giới tốt, nhưng nguồn lực để sản xuất nhưng lại nhập từ bên ngoài. Do đó, giá trị gia tăng từ sản xuất trong nước là không cao.
Ông cũng nêu quan ngại về lạm phát, chỉ số CPI. Ngân sách ít nhiều bị ảnh hưởng cân đối thu chi, áp lực dồn đẩy sang năm sau để kiềm chế lạm phát. Vì thế, Chính phủ cần có kế hoạch tốt.
Một vấn đề nữa là ô nhiễm môi trường, xử lý rác... Khoảng cách giữa bãi rác và khu dân cư ngày càng rút ngắn, bài rác quá tải, gây bức xúc trong dân. Nước bẩn tràn ra khi mùa mưa, mùi hôi thối bốc ra trong dân... Vấn đề tồn tại từ lâu nhưng không được chỉ đạo đến nơi đến chốn. Ông đề nghị Chính phủ xử lý dứt điểm.
Ông cũng nêu mối lo ngại về việc đòi nợ thuê, chế tài xử lý chưa rõ, khiến dân bức xúc, bất an.
Tình hình an ninh trật tự phức tạp, nhất là tệ nạn ma túy tràn lan, nhiều hệ lụy. 70% tội phạm xuất phát từ ma túy. Nhiều loại ma túy mới xuất hiện, cực độc, gây tác động lớn... Phương tiện trang bị cho cơ quan chức năng để phát hiện các loại này còn hạn chế.
-
Xử lý dự án yếu kém đến đâu rồi?
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nêu vấn đề cách đây 1 năm, Quốc hội ban hành nghị quyết về xử lý nợ xấu. Do đó, công tác xử lý đã có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào quỹ đạo. Tuy nhiên hiện còn hiều xung đột về quy định thi hành án dân sự đang là rào cản cho Nghị quyết này. Đề nghị Quốc hội quan tâm chấn chỉnh.
Gần đây, đồng bào ở miền núi phía Bắc đang phải đối mặt nhiều thiên tai, cơn lũ dữ. Thay mặt cử tri Đà Nẵng, chúng tôi đề nghị Chính phủ sớm đưa đồng bào về chỗ an toàn, để an cư lạc nghiệp.
Chúng tôi cũng quan tâm hiệu quả của quá trình cổ phần hóa. Sau khi cổ phần hóa liệu một số doanh nghiệp có hoạt động hiệu quả hay không. Ngoài ra, tiến độ xử lý một số công trình chậm tiến độ, yếu kém đến đâu rồi? Ảnh: Duy Ngọc.
-
70% chi thường xuyên là dành cho cả dân chứ không phải chỉ cho bộ máy
ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nói hiện người dân nhận thức không đúng và đủ về chi tiêu cho bộ máy, khiến họ nghĩ bộ máy là gánh nặng với dân. Thực tế, chi cho bộ máy hành chính chỉ khoảng 10% chi thường xuyên. Sự cần thiết tinh giản bộ máy ta nói không đầy đủ, làm cho người dân đang nhận thức bộ máy là một gánh nặng cho ngân sách. Chúng ta cần phải truyền thông cho người dân hiểu đúng.
70% chi thường xuyên cho 13 mục tiêu trong đó bộ máy hành chính, đảng đoàn thể… chỉ chiếm 10%. Trong khi đó, chi thường xuyên bao gồm cả chi cho sự nghiệp y tế và giáo dục và ta đang bao cấp cho người dân. Nếu không bao cấp thì giá sẽ giống các đơn vị tư nhân. Số chi đó là chi chi cả người dân chứ không phải là chỉ chi cho bộ máy. Nếu truyền thông không đúng thì người dân hiểu không đúng...
Mục tiêu là tinh giản nhưng phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Chúng ta đang chạy theo vấn đề tinh giản. Ai làm được nhiều tinh giản, sáp nhập coi là thành tích. Chính phủ cần quan tâm, và phải trả giá về việc sát nhập, nhập vào lại thôi.
Đơn cử như trường tiểu học và trường THCS nhập vào với nhau giảm bớt được lãnh đạo, giảm mấy giáo viên năng khiếu. Liệu khi sáp nhập có hiệu lực hiệu quả hay không? Ở vùng cao nếu sáp nhập thì các cháu đi học như thế nào. Chính phủ cần quan tâm, không được vội vàng.
Gần đây tôi thấy có một số địa phương đã làm nhập sở nọ sở kia… nhưng nhập dựa trên quy phạm pháp luật nào, mà bên dưới thực hiện như thế nào, để đảm bảo đúng pháp luật? Ảnh: Duy Ngọc.
-
Đề nghị cho phá sản ngay các doanh nghiệp Nhà nước kém hiệu quả
Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) khen chính sách dưỡng sức dân, dưỡng sức doanh nghiệp thời gian qua. Tuy nhiên, ông cũng nêu một số vết nhám trong bức tranh nền kinh tế Việt. Đơn cử, chính sách hỗ trợ DN còn thiếu minh bạch, chưa đảm bảo công bằng, nhiều rào cản, thủ tục. Dẫn ra trường hợp một doanh nghiệp ở Thanh Hóa, đã báo cáo Thủ tướng 2 lần, nhưng địa phương vẫn không thực hiện điều chỉnh. Ảnh: Duy Ngọc.
Một ví dụ khác là doanh nghiệp ở KCN Việt Hưng, 3 bộ đều xác nhận họ làm ăn tốt, đảm bảo môi rường, công nghệ tốt, nhưng tỉnh vẫn không đồng ý cho họ làm, dù họ đã đầu tư khoảng 700 tỷ đồng.
"Một cựu chiến binh khi kinh doanh đã từng nói với tôi rằng: Ngày xưa chúng tôi đánh Mỹ như thế, mà giờ làm kinh tế khó thế” - ông Nhưỡng nói.
Về cổ phần hóa, ông quan ngại trước thực tiễn năm 2018 chỉ thoái vốn được 18 trong số 85 doanh nghiệp trong kế hoạch. 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương vẫn giẫm châm tại chỗ. Đi khảo sát tơ sợi Đình Vũ,mỗi tấn tơ sợ lại lỗ, hiện mỗi năm hết 550 tỷ tiền khấu hao. Có cần thiết giữ lại hay không? Hay dự án gang thép Thái Nguyên, đã có chỉ đạo của nhiều ngành, nhưng kiên quyết không cổ phần hóa.
"Tôi đề nghị dự án nào mà kém hiệu quả cho phá sản ngay. Còn dự án nào hiệu quả thì phải cổ phần hóa", ông đề nghị.
Đại biểu Nhưỡng cũng carnhbaso có hiện tượng để đó cho giảm khấu hao, cho rẻ, để mua lại. Cài cắm một số nhân sự vào doanh nghiệp, có thể tạo ra “Vũ nhôm” khác.
"Tôi đề nghị cần báo cáo và xem xét cụ thể, hoàn thiện về thể chế, bịt các lỗ hổng", ông nói.
Cụ thể, cần tăng cường quá trình kiểm toán. Nếu không tăng cường kiểm toán thanh tra sẽ thất thoát rất nhiều. Cũng tăng cường tư pháp, như bà đỡ của nền kinh tế.
-
Bộ trưởng Công Thương giải trình trước Quốc hội
Tham gia giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết về tái cơ cấu các lĩnh vực công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương đã rất tích cực thực hiện, có những đề án và nhiệm vụ lớn.
Trong 2 lĩnh vực công thương đã duy trì được tăng trưởng. Cơ cấu của công nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là nền tảng của nền kinh tế. Năm 2016 tăng 11,9%, 2017, 14,4%, 9 tháng đầu năm là 13% Cơ cấu trong hàng xuất khẩu đã tăng lên trên 80% vào 9 tháng đầu năm. Ngoài điện thoại thông minh, như chế biến thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện ôtô cũng tăng trưởng.
Tăng trưởng của công nghiệp đóng góp vào tăng trưởng thương mại. Dệt may đứng thứ 7, thủy sản thứ 4, điện thoại thông minh đứng thứ 12, đồ gỗ đứng thứ 5, chúng ta đứng thứ 27 trong số những nước xuất khẩu nhiều nhất.
Chúng ta cũng có nhiều doanh nghiệp lớn, đóng góp lớn cho tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu. Năm 2017-2018 cũng chứng kiến sự tăng rưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đã tăng 17%, năm ngoái là 11%, trong khi năm 2018, khói FDI chỉ tăng 15%. Điều này cho thấy đó là sự chuyển dịch tích cực.
Chúng ta có nhiều đối tác, đa dạng hóa khách hàng, đã trên 200 quốc gia. Về cơ cấu mặt hàng, cũng ta cũng đa dạng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông nghiệp, từng bước đáng ứng các yêu cầu ngày càng cao trên thế giới.
"Trên thế giới không có thị trường nào dễ tính cả, họ có nhiều rào cản kỹ thuật, chúng ta cần phải nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Đề cập tới cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ông Tuấn Anh đồng tình với đại biểu rằng Việt Nam đứng trước nhiều nguy cơ và hệ lụy từ chiến tranh thương mại. "Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không đơn thuần là tranh chấp thương mại, còn là câu chuyện địa chính trị và sẽ dẫn tới nhiều hệ luỵ" - ông nói.
Các bộ ngành thường có nghiên cứu và báo cáo chính phủ thường xuyên về vấn đề này. Chính phủ cũng chỉ đạo để xem xét những nguy cơ và hạn chế nó, hoặc phát huy những lợi ích có thể đem lại. Bộ trưởng Công Thương hứa, sẽ có báo cáo đầy đủ gửi tới Quốc hội vấn đề này.
-
Có thể đưa 2 nhà máy khỏi danh sách các dự án yếu kém
Về tái cơ cấu 12 dự án, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Chính phủ cũng đã chỉ đạo và có lộ trình xử lý. Mục tiêu 2018 là cơ bản xử lý, và xử lý dứt điểm là vào năm 2020. Chúng ta cũng có một số nguyên tắc lớn cần đảm bảo. Đó là trong khuôn khổ của luật pháp, hoàn toàn nguyên tắc thị trường, đảm bải nguyên tắc tự chịu trách nhiệm, đảm bảo lợi ích của các đối tác.
Về tiến độ, cơ bản đã đảm bảo những yếu tố tích cực. 6 nhà máy vận hành thì 2 nhà máy đã có lãi, có thể đưa ra khỏi danh sách.
"Đưa ra không phải là lấy thành tích mà để nó hòa nhập với nền kinh tế, đảm bảo tính bền vững hơn, dự án cũng không nợ nần", ông nói.
Các dự án khác cũng đang hoạt động và từng bước giảm lỗ. Với 3 dự án dự án nhiên liệu sinh học, cũng đang từng bước khắc phục. Với dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ có dấu hiệu vi phạm pháp luật và có sự vào cuộc của cơ quan điều tra Bộ Công an.
-
Ông Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nói: Đầu tiên tôi đánh giá Chính phủ đã xây dựng được, rất kiên định để cải thiện môi trường kinh doanh, lần đầu tiên làm cho cả nhiệm kỳ. Chính phủ cũng tiến hành nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Tuy nhiên, tôi cũng băn khoăn kiến nghị, tôi xin nêu 3 việc.
Chúng ta đang nêu triển vọng các năm tới quá lạc quan. Để tăng trưởng 6,5-7% giai đoạn 2016-2020 là một thách thức rất lớn, đặc biệt là bối cảnh Mỹ thắt chặt tiền tệ, Kinh tế Trung Quốc suy giảm, chiến tranh thương mại, liệu tăng trưởng xuất khẩu có duy trì trên 10%, chúng ta liệu có tiếp tục thu hút các dòng vốn FDI? Do đó tôi nghĩ xác định các chỉ tiêu khác như thu chi ngân sách cần cẩn trọng.
Thứ hai, về lạm phát, tạo sao không kiềm chế mục tiêu dưới 4% thay vì vào khoảng 4%. Đặc biệt là các thách thức trên thế giới. Tôi nghĩ cần có mục tiêu lạm phát “cứng”, để Quốc hội giám sát. Với “khoảng 4%”, nếu Chính phủ đạt 4,1-4,5% liệu có phải là hoàn thành nhiệm vụ hay không? Khi cam kết cứng thì mới quyết liệt chỉ đạo.
Thứ ba, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 liệu có hoàn thành hay không. Hiện tại chúng ta có khoảng 600.000 doanh nghiệp, nhệm vụ 2 năm nữa gần như là bất khả thi. Nhất là khi doanh nghiệp dừng hoạt động nhiều. 5 triệu hộ kinh doanh cá thể không chịu lớn.
Theo ông, rào cản là ở việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, kiên định mục tiêu để các hộ kinh doanh cá thể có thể lớn.
"Cần phải trên nóng, dưới nóng và giữa cũng nóng. Chứ không thể như hiện tại là trên nóng, dưới nóng nhưng giữa còn lạnh", ông đề xuất.
Theo Chủ tịch VCCI, mục tiêu 2-3 triệu doanh nghiệp tưởng khó nhưng hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
-
Nếu bệnh viện nào mà nhà vệ sinh bẩn thì giám đốc ở bẩn
Ảnh: Duy Ngọc.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến (Bộ trưởng Y tế) giải trình về chất lượng khám chữa bệnh tuyến y tế cơ sở. Theo đó, bà đánh giá điểm đã đạt được: Nỗ lực của toàn ngành, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, đã đạt được tiến bộ rõ nét, mục tiêu là sự hài lòng của con người. Theo PAPI đánh giá 70% hài lòng. Tỷ lệ hài lòng bệnh nhân nội trú là 80%.
Giảm tải tuyến tỉnh và tuyến trung ương, ứng dụng rất nhiều tiền bộ khoa học kỹ thuật, mang tầm quốc tế.
Ban hành tiêu chí chất lượng bệnh viện theo tiêu chuẩn quốc tế, phân hạng bệnh viện sau chấm điểm, công khai minh bạch trên cơ quan truyền thông.Xây dựng nhiều bệnh viện mới đặc biệt là tuyến huyện, tỉnh, trung ương. Đề án xanh sạch đẹp, đổi mới thái độ là đã triển khai trong toàn ngành, có chỗ chờ, có đường dây nóng, tiếp dân, số chờ… Chúng tôi cũng thúc đẩy phong trào nhà vệ sinh trong bệnh viện. Nếu bệnh viện nào mà nhà vệ sinh bẩn thì giám đốc ở bẩn. Nếu khoa nào có chỗ rửa tay không sạch sẽ thì đồng chí trưởng khoa là ở bẩn.
Thời gian qua, Bộ đã xử lý 10.000 cán bộ ngành y tế có thái độ với người bệnh và người nhà bệnh nhân. Chúng tôi cũng tăng xã hội hóa, khuyến khích loại hình công tư, để thu hút vốn cho bệnh viện.
Đề án đưa bác sĩ trẻ, đào tạo chuyên khoa I, tốt nghiệp loại giỏi đưa về các huyện nghèo. Các huyện nghèo được hoan nghênh.
Thực hiện nghị quyết 68, tăng cường y tế cơ sở, đã nối mạng 100% cơ sở khám chữa bệnh theo BHXH. Kèm theo theo dõi sổ khám chữa bệnh, tăng cường chất lượng bênh viện. Hơn 7.000 quy trình y tế đã được ban hành.
Bà cũng nêu các điểm hạn chế của ngành. Thứ nhất là quá tải tại các bệnh viện trung ương, có bệnh viện 4.000-5.000 bệnh nhân. Như dịch tay chân miệng bệnh nhẹ cũng vào bênh viện trung ương nằm, có thể lây nhiễm chéo. Ngoài ra còn chưa tin tưởng y tế tuyến dưới.Người nhà bệnh nhân vào 3-4 người, bệnh viện chưa chăm sóc toàn diện. Thiếu cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, số lượng chưa đảm bảo, chế độ chính sách chưa đảm bảo, chất lượng khám chữa bệnh các vùng miền cũng khác nhau. Nói chung có rất nhiều nguyên nhân.
-
3 chân kiềng giải pháp của ngành y tế
Về giải pháp, Bộ trưởng Tiến cho biết thực hiện nghiêm các nghị quyết, cơ quan này giải quyết kiềng 3 chân giải pháp.
Một là, phải tăng cường tuyến y tế cơ sở, chăm sóc người khỏe mạnh, tăng cường y tế dự phòng, gắn với y học gia đình, gắn y tế xã phường, chăm sóc con người khi chưa bị bệnh. Chúng tôi đang thí điểm 26 mô hình, giống các nước phát triển, cả về nhân lực, tài chính. Chúng ta phấn đấu 10 năm xong mô hình, 20 năm nhân rộng ra toàn quốc.
Kiềng thứ hai, khi bị bệnh phải vào bệnh viện, phải được chăm sóc chu đáo, toàn diện, giảm thời gian điều trị, giảm lây chéo, giảm người ra nước ngoài, giảm thời gian khám chữa bệnh. Sắp tới sẽ khánh thành một loạt cơ sở y tế khám kiểm tra giống chất lượng nước ngoài, có chuyên gia nước ngoài, để người Việt không ra nước ngoài. Người nước ngoài ở Việt Nam có thể khám chữa bệnh. Chúng tôi cũng đề nghị cơ chế tài chính tài chính tự chủ, BHYT tự chủ, kết hợp xã hội hóa… để chi trả cho cái đó.
Chân kiềng thứ ba, đó là nhân lực, tài chính, đó là cơ sở hạ tầng. Về nhân lực, Quốc hội sẽ thông qua luật giáo dục đào tạo, có cơ chế riêng cho ngành y tế, sau 6 năm, phải thực hành, rồi thi cấp chứng chỉ, rồi học chuyên khoa 3 năm, sau đó mới có thể hành nghề. Các điều kiện này tiệm cận quốc tế.
-
Đại biểu quan tâm chuyện kiểm soát quyền lực
ĐB Triệu Tài Vinh (Hà Giang) cho biết ông quan tâm đến việc kiểm soát quyền lực, chúng ta cần đối mặt để giải quyết trong thời gian tới. Người đứng đầu một bộ là bộ trưởng, còn có các thứ trưởng, trưởng phòng… Cần kiểm soát quyền lực một cách nghiêm túc vấn đề này. Ảnh: Duy Ngọc.