Từ 14h chiều nay (26/10), các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục phiên thảo luận chiều của ngày thứ nhất ở hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Quốc hội cũng đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
-
Đề nghị giảm thuế linh kiện xe ôtô
Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) nêu khó khăn của hoạt động dịch vụ bồi thường Luật Đất đai. Hiện có những chồng chéo trong các quy định, trong đó có quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về điều kiện kinh doanh ngành nghề này. Đây là rào cản đối với doanh nghiệp và thu hút đầu tư, triển khai các dự án. Một lượng lớn khiếu nại, khiếu kiện phát sinh liên quan đến lĩnh vực đất đai, chiếm hơn 50%. Ông đề nghị chỉ căn cứ Luật Đất đai để thực hiện thuận lợi, tránh chồng chéo.
Ông Bình cũng kiến nghị liên quan sửa đổi quy định thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống.
Ông phân tích, ngành sản xuất ôtô trong nước đang mang lại những đóng góp lớn cho kinh tế, tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, sự cạnh tranh các nước trong khu vực rất lớn.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, giá xe sản xuất trong nước sản xuất cao là do thuế, phí và sản lượng tích lũy trong nước thấp. Trong khi đó, xe nguyên chiếc các nước trong khu vực ASEAN được nhập với thuế 0% theo hiệp định thương mại.
Vì thế, ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm sửa đổi quy định thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng không tính thuế tiêu thụ linh kiện đối với xe 9 chỗ người trở xuống. Điều này giúp giá thành ôtô trong nước sẽ giảm, doanh nghiệp ưu tiên đẩy mạnh nội địa hóa.
ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) kiến nghị 2 vấn đề về nhà ở người có công, người nghèo, nhà ở xã hội, nhà ở người có thu nhập thấp. Ông đánh giá đây là trụ cột quan trọng của chính sách an sinh xã hội. Nhưng đến nay, vấn đề nhà ở là một thách thức với người dân Việt Nam.
Về nhà ở với người có công, hết tháng 9/2018, cả nước đang hỗ trợ, xây dựng 244.044 hộ trên tổng số được duyệt 393.707 hộ đạt 62% theo đề án. Vẫn còn 38% số hộ chưa được triển khai, không đạt mục tiêu hỗ trợ nhà ở với những người có công với cách mạng.
Ông Lợi cho rằng Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các địa phương, vấn đề này Chính phủ đã cân đối đủ nguồn lực nhưng vì các địa phương vì nhiều lý do khác nhau chưa đảm bảo nhà ở cho người có công với cách mạng.
Thứ 2 là nhà ở cho người nghèo. Đến hết tháng 6 cả nước đã hỗ trợ cho vay làm nhà với 74.000 hộ, chiếm 28% với tổng số vốn 1.872 tỷ đồng trong khi chương trình giai đoạn 2016-2020 chúng ta kế hoạch xây dựng 260.000 căn hộ với kinh phí 6.700 tỷ đồng, chủ yếu cho vay theo quyết định. Tuy nhiên, hiện nay mức vay chỉ là 25 triệu/hộ, người dân cho biết không đủ để hộ nghèo làm nhà. Vì vậy, Lợi đề nghị cần bổ sung nguồn vốn cho ngân hàng chính sách để nâng mức vay đảm bảo người nghèo vay được đủ tiền làm nhà.
Với nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, ông Lợi cho biết tính đến tháng 7 đã hoàn thành 186 dự án quy mô 75.000 căn nhưng mới đạt 30% chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội khu đô thị và khu công nghiệp 2020. Theo kế hoạch, đến năm 2020 dự kiến phải làm 12,5 triệu m2 với quy mô 250.000 căn hộ là một thách thức rất lớn.
Ông Lợi cho rằng khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến việc người thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở chính là cơ chế chính sách.
Đại biểu này cho rằng cần xây dựng ngân sách từ trung ương đến địa phương như gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã sử dụng trước đó nhưng đi kèm là cơ chế điều hành thuận lợi để người dân và các nhà đầu tư có cơ hội vay vốn với lãi suất hợp lý.
Về vấn đề cải cách tiền lương, đại biểu Lợi cho biết Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương có ghi rõ 5 nguồn lực để chuẩn bị cải cách nhưng nếu không tích cực tạo nguồn thì rất khó cải cách tiền lương. Dù đã rất quyết tâm, chúng ta đã 2 lần lỡ hẹn với cải cách tiền lương. Vì thế, việc cần làm là tăng cường tổ chức sắp xếp lại các tổ chức chính trị, đổi mới đơn vị công lập, đổi mới cơ chế phân cấp và tự chủ, tự chịu cho các đơn vị. Điều này vừa giảm biên chế vừa tạo nguồn lực để cải cách tiền lương.
Về đề án cải cách chính sách BHXH, Phó chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết mục tiêu đặt ra là tất cả người dân trên 15 tuổi phải được tham gia vào BHXH. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ đạt 30% tổng lực lượng lao động khoảng 14 triệu người tham gia và còn trên 40 triệu lao động đang làm việc trong nền kinh tế phi chính thức chưa tham gia. Từ 1/1/2018 dù đã hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo và một số cá nhân với mức hỗ trợ 30-25-10% để tham gia nhưng mức này không đủ để tạo cơ hội cho người nghèo tham gia.
Đại biểu này dẫn số liệu hiện nay cứ 1 triệu đồng vào BHXH thì ra 600.000 đồng một năm, vì vậy cần phải thay đổi chính sách để huy động được toàn bộ người dân tham gia BHXH, định hướng là quyền lợi khi về già. Cùng với đó, Chính phủ cũng phải sớm phát hành trái phiếu chính phủ để nhận nợ BBHXH của người tham gia từ trước năm 1995 theo đúng Nghị quyết 64 của Quốc hội khóa 14 mà hiện nay chưa thấy chính phủ cân đối nguồn này.
-
14,2 ha đất quốc phòng ở Hải Phòng đã quản lý thế nào?
Tranh luận ý kiến của đại biểu Dương Trung Quốc về thực trạng sử dụng đất trong đó có khu đất quốc phòng trên địa bàn TP Hải Phòng, đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) cho biết khu đất này có quy mô 14 ha tại quận Hải An, TP Hải Phòng. Trước đây khu đất do Sư đoàn 363 quản lý. Tháng 8/2014, Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã có quyết định thu hồi diện tích đất trên và giao cho Tổng công ty 319, Bộ Quốc phòng quản lý để thực hiện xây dựng Dự án khu nhà ở Lạch Tray Riverside.
Trong quá trình quản lý chờ quyết định, một số cá nhân cán bộ của Sư đoàn 363, UBND phường Thành Tô đã tự ý cho san lấp mặt bằng, phân lô bán nền tại khu A với diện tích 5,2 ha cho người dân. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ngày 24/10 vừa qua Tòa án quân khu 3 đã xét xử và tuyên phạt tù với các cá nhân vi phạm.
Tại khu B hơn 9 ha sau khi Tổng công ty 319 đổ đất san lấp đã có tình trạng một số hộ dân lấn chiếm tự xây dựng trái phép, cơ quan quản lý đã kiểm tra nhưng chưa ngăn chặn được. Sau đó, Bộ Quốc phòng đã bàn giao toàn bộ 14,2 ha đất về Hải Phòng quản lý, UBND thành phố đã giao cho quận Hải An quản lý ngăn chặn không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái pháp. Khu đất 5,2 ha sau khi xem xét sẽ giải quyết đảm bảo đúng quyền lợi của người dân và hiện tại khu vực trong tình trạng ổn định. Ảnh: Duy Ngọc.
-
Giá gạo Việt Nam đã cao hơn nhiều nước
Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết tính đến hết tháng 9, kết quả tăng trưởng chung của ngành đạt 3,65%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Điều này còn ý nghĩa khi thế giới đang chịu tác động rất lớn từ thiên tai.
Tỷ lệ thiệt hại do thiên tai gây ra đến nay đã giảm đáng kể khi chỉ thiệt hại 15.000 tỷ đồng, so với mức hơn 60.000 tỷ cùng kỳ. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho hay không thể vì vậy mà chủ quan trước những diễn biến thay đổi khí hậu như hiện nay dù chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm.
Bên cạnh việc đề phòng biến đổi khí hậu, thiên tai, lãnh đạo cao nhất ngành nông nghiệp cũng cho biết cần hết sức cảnh giác trước những hiện tượng của tự nhiên nếu không sẽ ảnh hưởng đến nền nông nghiệp, một ngành có độ mở rất lớn đặc biệt là xuất khẩu, biến động thương mại lớn.
Về công tác tổng kết 5 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Cường cho hay từ tháng 6/2013 đến nay vẫn giữ đúng hướng và kết quả ban đầu rất tích cực. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đi 180 quốc gia với tổng giá trị xuất khẩu trên 200 tỷ USD, thặng dư đưa về Việt Nam đạt hơn 50 tỷ USD trong 5 năm qua. Cách đây 5 năm giá gạo Việt Nam từng thấp nhất thế giới nhưng hiện nay đã ở mức cao, cao hơn Thái Lan, Ấn Độ - những cường quốc xuất khẩu gạo thế giới.
Ngay sau đó, đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) cho biết ông chưa hài lòng phần trả lời, và thấy có một số vấn đề chưa được Bộ trưởng Nông nghiệp đề cập rõ.
Cụ thể, việc tăng cường kết nối giữa người nông dân với các “nhà” khác như nhà khoa học, doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Trách nhiệm của nhà khoa học, nhà quản lý đối với sản xuất của người nông dân chưa được đề cao. Người nông dân vẫn phải trả lời câu hỏi lớn: Trồng cây gì, nuôi con gì để đảm bảo cuộc sống, có thu nhập cao? Câu hỏi này thật khó với bà con.
Hiện nay do thiếu thông tin, trình độ có hạn nên người nông dân vẫn loay hoay với câu hỏi này. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc sản xuất theo phong trào, làm theo thói quen mà không theo quy hoạch, không theo thị trường, dẫn tới tình trạng khi được mùa thì mất giá, thu nhập bấp bênh.
Câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì phải thuộc về trách nhiệm của nhà khoa học, quản lí. Với trách nhiệm, chức năng nhiệm vụ được giao, với tầm nhìn của mình, các nhà quản lí, nhà khoa học phải trả lời nông dân câu hỏi đó.
Đã có thông tin cho thấy một vài nơi nông dân sản xuất nông sản theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, nhưng khi tới mùa thu hoạch, doanh nghiệp lại phá vỡ hợp đồng, không thu mua nông sản dẫn tới nông dân bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên việc xử lý trách nhiệm của những doanh nghiệp làm ăn kiểu này thì chưa được quan tâm.
Một vấn đề nữa, theo ông Tuấn Anh là cực kì quan trọng, đó là do nhiều loại nông sản nước ta chưa có thương hiệu nên.
"Bộ trưởng cũng nói rằng chúng ta xuất khẩu hồ tiêu, cà phê, thuỷ sản… đứng đầu thế giới về xuất khẩu, nhưng nếu hỏi giống nào và ở nơi nào tốt nhất, chắc là chưa có câu trả lời? Bởi vì thương hiệu của chúng ta chưa có, dẫn tới sản phẩm nông sản bị lẫn lộn loại này với loại kia, khiến chất lượng sản phẩm không đồng đều, gây mất uy tín và phải bán với giá thấp", ông nói.
Chúng ta ăn cơm hàng ngày, trả lời gạo nào ngon thì rất dễ, nào là tám xoan Hải Hậu, gạo tám Điện Biên, rồi Séng Cù, gạo thơm Sóc Trăng…, theo thống kê chưa đầy đủ chúng ta có hơn 200 giống lúa, từ đó có hơn 200 loại gạo. Địa phương nào cũng khẳng định mình có gạo ngon, gạo đặc sản, nhưng để khẳng định gạo nào ngon nhất, chắc à chưa có câu trả lời chính xác. Thực tế chúng ta chưa tổ chức thi gạo ngon bao giờ? Thực tế chúng ta có cuộc thi hoa hậu bò sữa, trong khi đó, hạt gạo chúng ta đã sản xuất nhiều năm mà chưa từng có một cuộc thi nào chính thức nhằm tìm ra hạt gạo ngon nhất để xây dựng thương hiệu.
-
Đại biểu trao đổi về giáo dục tại phiên họp chiều 26/10
-
Bộ trưởng Giáo dục: 'Sai thì sửa và sửa theo quy chế'
Trao đổi tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phân trần có những vấn đề mà nhận thức được nhưng khắc phục thì cần thời gian và sự chung tay của toàn dân.
Về vấn đề tuyển sinh gây bức xúc của xã hội, Bộ trưởng Nhạ cho biết Bộ đã thực hiện chủ trương về đổi mới căn bản giáo dục đào tạo, tiến tới đổi mới tổ chức thi và xét tốt nghiệp phổ thông theo hướng giảm áp lực, trung thực khách quan. Đến nay, đã thực hiện theo đúng lộ trình, thi gắn với đổi mới sách giáo khoa. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có một kỳ thi đánh giá năng lực hoàn thiện, sau đó cho các trường đại học, cao đăng xét tuyển dựa vào kết quả đó.
Công tác chuẩn bị đề thi và ngân hàng câu hỏi vô cùng quan trọng, Bộ đã rất cố gắng sau từng năm đều có cải thiện nâng cao và làm tốt hơn, bảo mật đề thi bằng công nghệ phần mềm, tổ chức chấm thi và thanh tra đầy đủ. Qua các năm, với việc thực hiện thi trắc nghiệm, tỷ lệ quay cóp đã giảm đi rất nhiều, trung thực trong thi cử có cải thiện nhưng vẫn có vấn đề.
Năm vừa qua bộc lộ nhiều sai phạm trong tính trung thực thi cử và có những xử lý. Vẫn còn xảy ra hiện tượng có dấu hiệu sai phạm qua báo chí và Bộ cũng như Bộ Công an đã làm đến nơi đến chốn, đối tượng nào sai đâu xử đó, và đã xử lý 11 người theo quy định của pháp luật cùng áp dụng quy chế với 151 thí sinh và sẽ còn làm tiếp.
"Cá nhân tôi quan điểm sai là sửa và sửa theo quy chế. Là Bộ trưởng, tôi phản đối và kiên quyết chống tiêu cực trong thi cử", ông khẳng định.
Ông nói cụ thể, trong quá trình xử lý rà soát lại toàn bộ quy trình thu và chấm thi, quy trình thì đầy đủ nhưng một số khâu chuẩn bị câu hỏi và ra bài thi cần tốt hơn, cần có thời gian bổ sung thêm. Ảnh: Duy Ngọc.
Tư lệnh ngành giáo dục phân trần, trên thế giới cũng không phải ngay một năm mà tốt được. Áp dụng phần mềm vào việc xây dựng mã đề cũng có thể dẫn tới sơ hở bị khai thác về CNTT. Nhìn chung, qua mỗi kỳ thi tính phân loại luôn được tăng lên, đánh giá tốt việc tốt nghiệp phổ thông của các học sinh.
Trong giáo dục cần học gì thi đấy, mà trong tâm lý giáo dục là không thi thì không học. Các quốc gia khác vẫn duy trì các kỳ thi và sát hạch hàng năm. Thực tế, những năm gần đây các trường đại học và cao đẳng vẫn thường xuyên sử dụng kết quả này.
Lấy ví dụ năm 2018, Bộ trưởng Nhạ cho hay những năm trước có trường hợp 8 điểm cũng vào được cao đẳng sư phạm. Năm nay điểm chuẩn đã tăng lên 17-18 điểm cũng nhờ việc xét tuyển qua kỳ thi tốt nghiệm THPT. Còn nếu để các trường yếu, không có cơ sợ tự tuyển sinh thì chất lượng đầu ồ ạt và đầu ra thì rất kém.
-
'Đã nhận diện từ lâu những bất cập về sách giáo khoa'
Về SGK, Bộ trưởng Nhạ cho biết đã nhận diện được từ lâu những bất cập. Ông cho biết năm 2000 đã đổi mới SGK và kết luận có một bộ sách sử dụng cả nước và giao cho Bộ GD xuất bản. Bộ giao cho NXB Giáo dục vì thế đây là độc quyền theo hướng Nhà nước giao. Nó có một số điểm tốt như chỉ có 1 chương trình ổn định cho toàn quốc, nhưng vẫn có nhiều bất cập như nhiều thầy cô phụ thuộc vào SGK, dẫn tới máy móc, dập khuôn. Việc áp dụng 1 bộ SGK cũng chưa khai thác được trí tuệ của các thầy cô và khó xã hội hóa.
Trong lần đổi mới này, có 1 cách tiếp cận khác, trước đây là dựa theo SGK để làm chương trình dạy nhưng giờ là dựa vào chương trình để viết SGK. Bên cạnh SGK còn một số tài liệu khác và quốc tế cũng làm vậy.
Bộ trưởng Nhạ cho biết khâu khó nhất trong việc thiết kế SGK chính là biên tập, rồi in ấn, đồ họa… Ngay từ khi thiết kế Bộ đã lường trước việc sẽ đưa bài tập vào sách cho các cháu lớp 1-2 làm như một biện pháp học tập dễ hơn. Khi các cháu học vẽ vào sách sẽ luyện được phương pháp học tốt hơn. Tới đây khi ban hành chương trình mới theo đó là SGK phổ thông Bộ sẽ chỉ đạo khắc phục khó khăn, hạn chế tô vẽ lãng phí và sẽ có báo cáo chi tiết.
Về giáo viên, Bộ chịu trách nhiệm về giáo viên, quy chuẩn và đủ giáo viên cho các trường, nhưng kiến nghị các địa phương không giảm biên chế một cách cơ học với giáo viên. Chủ trương là ở đâu có học trò là ở đó có giáo viên, đặc biệt giáo dục mần non phải đủ thầy cô, trường lớp…