Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại biểu Quốc hội lo tín dụng đen tạo ra 'những chị Dậu mới'

Tình trạng tín dụng đen hoành hành, bủa vây những người yếu thế và cách đòi nợ kiểu xã hội đen đẩy gia đình họ vào cảnh nghèo đói, những chị Dậu mới - đại biểu Đinh Duy Vượt nêu.

Trực tiếp Quốc hội thảo luận về kinh tế xã hội ngày 26/10 Từ sáng nay 26/10, Quốc hội dành 2 ngày thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2019.

Từ sáng nay 26/10, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Quốc hội cũng đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

  • 69 đại biểu đăng ký phát biểu ý kiến

    8h, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận đầu tiên về kinh tế - xã hội với 69 đại biểu đăng ký.

    Trước Quốc hội sáng 22/10, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết so với đầu nhiệm kỳ, quy mô nền kinh tế đã tăng gấp 1,3 lần (dự kiến đạt 5,5 triệu tỷ đồng vào cuối năm nay), GDP bình quân đầu người đã tăng thêm 440 USD (10,3 triệu đồng).

    Quoc hoi thao luan Kinh te xa hoi anh 1
     

    Thủ tướng cũng nhấn mạnh trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước cả năm 2018 chúng ta sẽ đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt. Tình hình đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong 3 năm 2016-2018 phát triển đúng hướng, chuyển biến rõ nét hơn giai đoạn trước.

    Chính phủ sẽ đẩy mạnh, tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; quyết liệt đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp 4.0.

    Thu nhập bình quân đầu người tăng 440 USD sau 3 năm

    Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 USD, tăng 440 USD so với năm 2015. Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất.


  • Đại biểu lo lắng chuyện cao tốc 34.000 tỷ đồng

    ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đánh giá Việt Nam đã đạt thành tích khá toàn diện về kinh tế xã hội, tuy nhiên, ở mọi lĩnh vực đều có những vấn đề chưa an tâm. Ví như đầu tư FDI nhiều công nghệ cũ, tỷ lệ giải ngân thấp, ô nhiễm môi trường. Về y tế, cơ bản khống chế được các dịch bệnh, nhưng vẫn có nhiều điều đáng bàn. Lúc nào chúng ta cũng có dịch, công tác phòng chống dịch còn yếu kém. Điển hình như năm qua có 63.000 cháu bị chân tay miệng. Tỷ lệ người tham gia BHYT khá cao nhưng không thực chất, có độ bao phủ cao, nhưng diện lại không đầy đủ. Ảnh: Duy Ngọc.

    Quoc hoi thao luan Kinh te xa hoi anh 2

    Ông cũng đề xuất bổ sung thêm một số chỉ tiêu khác trong báo cáo của Chính phủ như biển, du lịch, giáo dục đào tạo, nhất là các chỉ tiêu về y tế như dịch bệnh, y tế dự phòng…

    ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho biết kinh tế xã hội đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, cử tri còn nhiều tâm tư, băn khoăn, lo lắng về vấn nạn thất thoát, lãng phí đầu tư công còn lớn. Nếu như đầu nhiệm kỳ các đại biểu Quốc hội lên tiếng phản ứng gay gắt về 12 dự án thất thoát lãng phí hàng nghìn tỷ của Bộ Công Thương, bây giờ lại phát sinh nhiều dự án thất thoát lãng phí của Bộ GTVT quản lý. Điển hình như dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ đồng, mới đưa vào sử dụng nhưng chỉ sau vài cơn mưa đã hỏng.

    Dự án Cát Linh - Hà Đông đã điều chỉnh tăng thêm 205,7% vốn, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động. Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (tăng 47.000 tỷ), dự kiến đưa vào sử dụng vào cuối năm 2018, mới hoàn thành 52% khối lượng công việc.

    Theo tính toán Bộ GTVT có 27/42 dự án phải điều chỉnh tăng thêm vốn. Cứ điều chỉnh vốn, chậm đưa vào sử dụng thì sẽ thất thoát, lãng phí là nhiều vô kể. Đề nghị Quốc hội cần xử lý nghiêm việc này, nhất là khi Bộ này chuẩn bị làm các dự án lớn như cao tốc và sân bay Long Thành, với số vốn hàng triệu tỷ đồng, thì thất thoát lãng phí là điều khó tránh khỏi.

    Cử tri tỏ ra tỏ ra thất vọng, với đổi mới thi cử, đặc biệt đó là khâu đột phá trong cải cách giáo dục. Với kỳ thi 2 trong 1 khó thành công, và còn quá nhiều lỗ hổng. Năm 2017 đề thi quá dễ tạo ra cơn mưa điểm 10, gấp 40 lần 2016. Có những em 30 điểm vẫn trượt đại học nguyện vọng 1. Năm 2018 thì lại quá khó, trong khi phát hiện ra chuyện tiêu cực động trời. Đây là những điểm đen không nên có trong lĩnh vực nêu trên. Đề nghị Chính phủ khắc phục trong thời gian tới.

    Hành trình Zing.vn chỉ ra những khuất tất ở dự án cao tốc 34.500 tỷ Từ những "ổ gà" lộ thiên và hồ sơ thu thập được, Zing.vn dần chỉ ra những khuất tất trong quá trình triển khai dự án cao tốc 34.500 tỷ Đà Nẵng - Quảng Ngãi.


  • Xây chung cư phải đi liền hạ tầng xã hội

    ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) nêu băn khoăn về vấn đề phát triển chung cư trong nội đô. Ông cho biết những năm qua ngân sách đầu tư rất lớn cho các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, song vẫn tồn tại nhiều bất cập trong quản lý đô thị, đặc biệt là quản lý dân cư. Ví dụ, quy hoạch thủ đô đến năm 2030 đặt mục tiêu có 7,3-7,9 triệu người, nhưng hiện tại số dân dự báo đã 9,6 triệu người, lớn hơn dự báo 2030. Dự báo năm 2020 là 10 triệu người, gần bằng dự kiến năm 2050. Dân số tăng nhanh, nhà chung cư cao tầng tăng rất nhanh trong nội đô, mặc dù đúng quy hoạch. Nhiều vấn đề đặt ra có nên xây dựng chung cư trong nội đô hay không. Tôi nghĩ xây dựng chung cư trong nội đô, với chung cư hiện đại là cần thiết, nhưng cần đi kèm phát triển hạ tầng xã hội, như vậy mới có thể giảm hệ lụy dân số nội thành.

  • Đại biểu Quốc hội bức xúc vì cao tốc 34.000 tỷ vừa mưa vài trận đã hỏng

  • Đề xuất sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh để tinh giản biên chế

    Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đánh giá việc đổi mới sắp xếp bộ máy còn chậm, bộ máy còn cồng kềnh, chưa tinh giản được đối tượng có đạo đức công vụ, trình độ yếu kém. Ngân sách dành cho chi trả lương còn lớn.

    Quyết tâm của Chính phủ đã lên cao, hành động đã quyết liệt. Vẫn hiểu tinh gọn bộ máy không thể làm được ngày một ngày hai. Tuy nhiên, ngân sách Nhà nước, tiền thuế của dân không thể chịu nổi, khi chi thường xuyên chiếm hơn 60%, số tiền còn lại dành cho quốc phòng an ninh, còn đâu để đầu tư phát triển.

    Quoc hoi thao luan Kinh te xa hoi anh 3

    Nhìn sang các nước xung quanh, số đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng còn rất ít. Nước ta bước vào đổi mới năm 1986 cũng chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố. Tại thủ đô, sau 10 năm mở rộng, Hà Nội có bước phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu to lớn.
    Từ thực tiễn nêu trên, vị đại biểu đến từ Bạc Liêu đề nghị Chính phủ ngoài các giải pháp hiện có, nghiên cứu tham mưu với Đảng, Quốc hội, xem xét điều chỉnh, sáp nhập địa giới tỉnh, thành phố.

    "Nếu quyết tâm cao, đây là giải pháp hiệu quả nhất, hoàn thành đổi mới sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế", ông nói.

    Trước đó, góp ý thảo luận, đại biểu Trần Văn Tiến muốn Chính phủ giải trình rõ "động lực tăng trưởng GDP 2018 do đâu". Ngân sách thu năm 2018 ước vượt 3% dự án, nhưng tăng ở lĩnh vực nào là chính, vì sao khoản thu ngân sách từ 3 khu vực kinh tế chính lại không đạt?

    Đại biểu này cũng cho rằng cần làm rõ việc cứ 100 doanh nghiệp lập mới thì 77 phá sản. "Vì sao số doanh nghiệp phát triển chững lại, số giải thể tăng cao trong khi môi trường kinh doanh được báo cáo là đang đẩy mạnh cải thiện. Với đà này mục tiêu đạt một triệu doanh nghiệp có đạt được?", ông nói. 

     

     

     

  • Những ý kiến thảo luận chính sáng 26/10

  • Đại biểu phàn nàn chuyện một dự án mất hàng năm để làm thủ tục

    Quoc hoi thao luan Kinh te xa hoi anh 4

    Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đánh giá cao các báo cáo của Chính phủ, với những nỗ lực đất nước kiềm chế được lạm phát. Một số chủ trương chính sách đề ra được thực hiện tạo niềm tin cho nhân dân. Điều đó chứng minh ở việc lấy phiếu tín nhiệm.

    Ông đề nghị Chính phủ ráo riết thực hiện cải cách hành chính, thực hiện các dự án đầu tư nhanh chóng. Hầu hết dự án mất nhiều thời gian chờ đợi từ các cơ quan chức năng. Một dự án nhỏ nhưng có khi mất hàng năm mới làm xong các thủ tục.

    Đại biểu từ Quảng Bình cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là các băng nhóm xã hội đen, tình trạng bạo lực tràn vào trường học, bệnh viện, bạo lực với trẻ em, nạn buôn bán phụ nữ…

    Ông cũng đề nghị giải quyết dứt điểm khiếu nại tố cáo kéo dài, đặt biệt là oan sai, gây ảnh hưởng niềm tin của nhân dân vào chính quyền.

  • Tín dụng đen tạo ra “hoàn cảnh chị Dậu mới”

    Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) lo lắng tình trạng tín dụng đen đang hoành hành, bủa vây những người yếu thế, từ thành thị đến nông thôn, đến các ngõ ngách, bản làng. Người dân vùng đồng bào dân tộc bản chất thật thà, khả năng thích nghi phòng vệ, đề kháng với “kẹo độc bọc đường” còn hạn chế. Vì hoàn cảnh túng quẫn, bí bách, chấp nhận vay. Đã vay thì không thể cưỡng lại. Với cách đòi nợ kiểu xã hội đen, buộc họ mất đất, mất tư liệu sản xuất, mất cả nhà, đẩy gia đình vào cảnh nghèo đói, tan cửa nát nhà, trở thành “hoàn cảnh chị Dậu mới”, thậm chí cùng quẫn, gây hậu quả lớn đến trật tự xã hội. 

    Theo ông Vượt, cơ quan tư pháp rất khó khăn trong xử lý, cả về hình sự, hành chính, bởi các quy định vừa bất cập, thiếu, không chặt chẽ. Tín dụng đen cũng lộ rõ nhiều bất cập trong xã hội, các tổ chức chính trị xã hội.

    Ông kiến nghị quyết liệt chỉ đạo hơn nữa đẩy lùi tình trạng này.

  • Phải tìm ra người chịu trách nhiệm về hạn chế trong giáo dục

    Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho biết trong báo cáo của Chính phủ, có nhắc đến những hạn chế về giáo dục, y tế. Trong đó có những vấn đề như chất lượng giáo dục đại học, biên chế giáo viên cục bộ, sai phạm trong kỳ thi THPT, sách giáo khoa, vấn đề thuốc giả, thuốc kém chất lượng, an ninh bệnh viên, gây bức xúc trong dư luận.

    Theo ông, các vấn đề thiếu sót đa phần được nêu ra từ các báo cáo trước, nhưng gần đây có nhiều vấn đề cá biệt, trở nên nóng hơn. Điển hình như một loạt vụ gian lận thi cử trong kỳ thi THPT 2018, bất ổn trên thị trường phát hành SGK. Ảnh: Duy Ngọc.

    Quoc hoi thao luan Kinh te xa hoi anh 5

    "Chính phủ đưa ra giải pháp, tôi thấy chưa đột phá, gần giống các giải pháp nêu ra ở kỳ họp trước. Cần phải phân tích chính xác nguyên nhân gây ra những bất cập để tìm ra mắt xích, để tìm ra lỗi trong quá trình vận hành", ông nói.

    Đơn cử như báo cáo thẩm tra của Quốc hội cho thấy quy trình chung ban hành quy chế thi THPT năm 2018 là chặt chẽ, đầy đủ, nhưng vẫn tạo ra sơ hở trong bảo mật. Vậy ai là chịu trách nhiệm trong sở hở này, hay là lỗi khách quan, lỗi do quy trình? Cần phải chỉ rõ bộ phận, cá nhân nào chịu trách nhiệm, mới đề ra được biện pháp khắc phục hiệu quả, mới lấy lại được lòng tin trong nhân dân?

    Trong thực tế, khi tìm ra người chịu trách nhiệm của sai phạm, phải xử lý nghiêm, thì sai phạm mới không bị tái phạm trong lĩnh vực ấy, ở địa phương ấy, hay trên phạm vi cả nước. Các biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, được chúng ta nhắc lại rất nhiều nhưng chúng ta chưa giải quyết được, vẫn chưa khắc phục được những hạn chế đã và tồn tại trong hệ thống y tế và giao dục.

    Thời gian tới, Chính phu cần quan tâm hơn nữa an sinh, xã hội. Khi người dân cơ bản có cơm ăn, áo mặc, thì họ sẽ lo đảm bảo sức khỏe cho bản thân mình, cho người thân trong gia đình, chăm lo học tập cho con em. Chính phủ cần tăng cường đầu tư, theo dõi giám sát nâng cao chất lượng 2 ngành này để hàng năm số lượng ngoại tệ khổng lồ chảy ra nước ngoài chữa bệnh và du học. Nên thống kê đầy đủ và lấy số này làm chỉ tiêu phát triển bền vững.

    THPT quốc gia không phải là kỳ thi '2 trong 1'

    Ông Mai Văn Trinh khẳng định kỳ thi THPT quốc gia mục đích chính, quan trọng nhất là dùng kết quả để xét tốt nghiệp THPT và là cơ sở cho các trường đại học tuyển sinh.



  • Tôn trọng thị trường

    Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho biết ông vui mừng với báo cáo KT-XH trong đó 12 mục tiêu đều đạt và vượt.

    Tuy nhiên, theo ông, "chúng ta đangxây dựng pháp luật kinh tế thị trường có phần méo mó, lệch lạc, doanh nghiệp và doanh nhân luôn phải ứng phó với rủi ro của pháp luật, thành lập nhiều giải thể cũng nhiều, tồn tại thì lay lắt nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa".

    Điều này làm cho mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động thực chất vào năm 2020 khó mà đạt được.

    Ông đề xuất Quốc hội, Chính phủ xây dựng một chính sách, môi trường ổn định tôn trọng sự phát triển của quy luật thị trường, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo động lực để các doanh nghiệp nâng sức cạnh tranh trong quá trình phát triển


Nhóm Phóng Viên

Bạn có thể quan tâm