Sáng 25/10, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số vấn đề lớn của dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Đa số ý kiến thảo luận xoay quanh việc xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc, kê khai tài sản.
Đề nghị tịch thu tài sản không kê khai
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng những người đủ mưu mô tham nhũng, "moi" được tiền Nhà nước vào túi mình thì cũng thừa mưu mô che giấu tài sản bất minh. Vì vậy, ông đề nghị cần phải tịch thu tài sản không kê khai.
"Khi không kê khai tức là cố tình che giấu, cần phải xử lý nghiêm khắc cũng không có gì là oan. Những tài sản tài sản kê khai nhưng không chứng minh được nguồn gốc thì phải chuyển sang cơ quan thuế, không sợ thuế chồng thuế", ông nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng cần xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc. Ông cho biết đến nay chưa có quy định về xử lý vấn đề này, trong khi đó các trường hợp vi phạm kê khai tài sản, thu nhập đang tăng thêm.
"Thời gian qua, một số cán bộ công chức, viên chức có tài sản có giá trị rất lớn và giải trình không hợp lý về nguồn gốc nhưng chưa có cơ chế xử lý tài sản này gây nghi ngờ trong nhân dân", ông nói.
Vị đại biểu Đồng tháp cũng chọn phương án đánh thuế thu nhập đối với loại tài sản này (phương án 2) và yêu cầu sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung loại tài sản này là thu nhập chịu thuế.
Tuy nhiên, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng phân tích việc thu thuế cũng không loại trừ xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản của người có nghĩa vụ kê khai nếu sau đó Nhà nước chứng minh được tài sản này là do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có.
"Người có nghĩa vụ kê khai nếu không đồng tình có thể khiếu kiện ra toà án. Theo hướng này sẽ xử lý nhanh, không tạo ra tâm lý nặng nề đối với người phải kê khai so với việc xử lý thông qua con đường toà án", ông góp ý thêm.
Băn khoăn chọn phương án xử lý tài sản bất minh
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Quốc hội phải xem xét thật kỹ lưỡng và không đồng tình với phương án xử lý tài sản tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được nguồn gốc phải chuyển qua tòa án.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình). Ảnh: Quân Minh. |
"Thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra không chứng minh được tài sản, thu nhập do vi phạm pháp luật mà có thì không thể có chứng cứ, cơ sở pháp lý để quy tội và không thể chuyển cho tòa án xét xử. Thực tế nhiều vụ án phạm tội nhận hối lộ, người ta khai ông A đưa cho ông B nhưng tòa không thể kết tội vì không có căn cứ", ông Phương dẫn chứng.
Ông nhận định không chứng minh được vi phạm mà thu hồi thì khó thực thi, khi tới quy trình thi hành án hoặc hoặc cưỡng chế chắc chắn sẽ phát sinh những xung đột khó lường, làm bất an trong xã hội, gây ra sự phản kháng.
Giơ biển tranh luận với đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, ông Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) nhấn mạnh Hiến pháp quy định giao toà án thực hiện quyền tư pháp, có trách nhiệm bảo vệ công lý, lợi ích hợp pháp của người dân. Do đó, nếu nói không có niềm tin vào toà án thì không có tất cả.
"Toà án hiện công việc quá tải nhưng nếu Quốc hội giao thêm nhiệm vụ thì phải phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, không có gì phải băn khoăn", đại biểu Phạm Hồng Phong khẳng định.