Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp phải kê khai tài sản?

Dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) chỉnh lý theo hướng sĩ quan công an, quân đội và quân nhân chuyên nghiệp phải có nghĩa vụ kê khai tài sản.

Sáng 25/10, kỳ họp Quốc hội thứ 6 thảo luận tại hội trường về một số vấn đề lớn của dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn của dự án luật.

Mở rộng người kê khai tài sản

Về người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (Điều 34), bà Lê Thị Nga cho biết nhiều ý kiến tán thành với việc mở rộng phạm vi người có nghĩa vụ kê khai như quy định của dự thảo luật.

Ý kiến khác đề nghị bổ sung người có nghĩa vụ kê khai lần đầu bao gồm cả sĩ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và quân nhân chuyên nghiệp.

Một số ý kiến đề nghị thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai, tập trung vào các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao để phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát và khả năng đầu tư nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập.

Xu ly tai san bat minh cua can bo anh 1
Sĩ quan CAND, QĐND và quân nhân chuyên nghiệp phải kê khai tài sản. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo bà, Ủy ban Thường vụ nhận thấy hạn chế, vướng mắc lớn trong kiểm soát tài sản, thu nhập thời gian qua có nguyên nhân từ quy định chưa thật sự hợp lý của luật hiện hành về việc mọi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đều áp dụng chung một biện pháp kê khai, theo dõi biến động, xác minh tài sản, thu nhập

Điều này không phân biệt đối tượng để có mức độ kiểm soát khác nhau phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, trong khi số đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập là rất lớn.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, điều 36 của dự thảo luật quy định áp dụng phương thức kê khai tài sản, thu nhập phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau, cơ bản đáp ứng yêu cầu tập trung kiểm soát tài sản, thu nhập của những người đứng đầu hoặc công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao, bảo đảm phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát tài sản

Do đó, Ủy ban Thường vụ đề nghị Quốc hội cho giữ quy định mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng, chống tham nhũng trong tình hình hiện nay.

"Đồng thời, dự thảo luật cũng được chỉnh lý theo hướng quy định người có nghĩa vụ kê khai lần đầu bao gồm cả sĩ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và quân nhân chuyên nghiệp", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết.

Đề xuất 2 phương án xử lý tài sản bất minh

Về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc (Điều 52), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lựa chọn phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc qua thủ tục tố tụng tại tòa án). Đây là phương án có nhiều ưu điểm hơn so với các phương án còn lại.

Tuy nhiên, còn có nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho ý kiến về 2 phương án. Phương án 1 là việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc sẽ do tòa án xem xét, quyết định.

Theo phương án này, trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải chuyển kết luận và các tài liệu có liên quan đến TAND có thẩm quyền để yêu cầu xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý đối với tài sản, thu nhập này.

Xu ly tai san bat minh cua can bo anh 2
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: Bảo Lâm.

TAND xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và ra một trong các quyết định sau đây: Không chấp nhận yêu cầu của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai giải trình hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm. Thu hồi tài sản, thu nhập cho Nhà nước trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý đối với tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc và việc thi hành quyết định của tòa.

Phương án 2 là trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển vụ việc cho cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền, yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.

"Người phải nộp thuế có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật. Việc thu thuế quy định không loại trừ việc xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người có nghĩa vụ kê khai nếu chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có", bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.



Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm