Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm sao để lấy phiếu tín nhiệm không 'huề cả làng'?

Lấy phiếu tín nhiệm làm định kỳ khá hay, nhưng có khả năng dẫn đến huề cả làng hoặc ngược lại, tạo hiệu ứng ngược, không ai dám làm gì mạnh mẽ, vì lo ngại "làm nhiều sai nhiều".

Quoc hoi lay phieu tin nhiem anh 1

Năm 2013, khi lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, các báo tiếng Anh đều dịch thành “vote of confidence”, có nghĩa là bỏ phiếu tín nhiệm. Bản thân người viết bài này từng mỏi mồm giải thích cho một chuyên gia người Australia hiểu “lấy phiếu” nghĩa là gì, khác với “bỏ phiếu” ra sao, mà nói xong trên trán ông ấy vẫn hằn dấu hỏi to tướng.

Rắc rối dường như xuất phát từ tiếng Việt của chúng ta.

Nước ngoài: Bất tín nhiệm và tín nhiệm

Thực ra, ở các nước theo mô hình nghị viện Anh, chỉ có “bỏ phiếu” chứ không có “lấy phiếu”; và có hai khái niệm “bỏ phiếu tín nhiệm” (vote of confidence) và “bỏ phiếu bất tín nhiệm” (vote of no confidence).

Bỏ phiếu tín nhiệm xảy ra khi chính phủ tự mình đặt vấn đề trước nghị viện, nôm na là các vị có tín nhiệm chúng tôi không, nếu tín nhiệm thì hãy ủng hộ chính sách, dự luật.

Việc so sánh kết quả của hai lần lấy phiếu tín nhiệm dường như cho thấy những người được lấy phiếu đã phải thay đổi theo hướng tích cực, hoạt động tốt hơn.

“Tín nhiệm” được dịch từ tiếng Anh “confidence” có nghĩa là niềm tin; do đó, bỏ phiếu tín nhiệm/bất tín nhiệm có thể hiểu là bỏ phiếu cho niềm tin/bỏ phiếu thể hiện mất niềm tin. Chính vì liên quan đến niềm tin, nếu kết quả bỏ phiếu cho thấy, khi nghị viện không còn niềm tin vào chính phủ thì chính phủ phải từ chức; nếu còn niềm tin, chính phủ còn cơ sở để tại vị; và nếu qua kết quả bỏ phiếu thấy rằng, nghị viện mất niềm tin một cách thiếu cơ sở, chính phủ có quyền đề nghị giải tán nghị viện.

Điều này nhằm tạo điều kiện ổn định cho chính phủ hoạt động, đồng thời tạo ra sự hợp lệ cho chính phủ khi nhận được sự tín nhiệm của nghị viện.

Việt Nam: “Lấy” hay “bỏ”?

Năm 2001, thuật ngữ “bỏ phiếu tín nhiệm” được du nhập từ thực tiễn nghị viện nhiều nước và đưa vào Hiến pháp sửa đổi. Có lẽ vì do không muốn từ ngữ “mạnh”, Hiến pháp và Luật không sử dụng “bất tín nhiệm”, không phân biệt rõ giữa “tín nhiệm” với “bất tín nhiệm” như ở các nước, mà chỉ dùng cụm từ “bỏ phiếu tín nhiệm” để chỉ quy trình, thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm như ở các nước.

Đến năm 2012, lấy phiếu tín nhiệm được đưa vào kho từ vựng chính trị trong nước. Sau đó, vào các năm 2013 và 2014, Quốc hội (và cả HĐND) đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn với ba mức tín nhiệm.

Nói nôm na, nếu ai lấy không đủ phiếu, ví dụ của 2/3 tổng số đại biểu, Quốc hội sẽ đưa ra bỏ phiếu (bất) tín nhiệm đối với người đó. Câu hỏi đặt ra ở đây là: lấy ai, bỏ ai? Câu trả lời phụ thuộc vào việc các đại biểu Quốc hội đặt niềm tin vào ai.

Tại các kỳ họp, những từ hoặc cụm từ như “niềm tin”, “gây dựng niềm tin”, “niềm tin suy giảm”, “mức độ tin cậy thấp”, “tôi không tin”, “cử tri không tin”, “tin vào con số nào”… xuất hiện nhiều lần trong các phát biểu của đại biểu Quốc hội.

Thế nhưng, dựa vào đâu để đặt niềm tin hay không tin? Tiêu chí chủ yếu để đánh giá là mức độ hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của những người được đưa ra lấy phiếu. Các vị đại biểu Quốc hội cũng nói về “trách nhiệm trước Quốc hội và trước nhân dân”.

Nhiệm kỳ trước, có những đại biểu sử dụng những cụm từ mạnh mẽ để nói về trách nhiệm về “những hạn chế của nền kinh tế”; “tồn kho tiền hàng, tồn kho kiến nghị, đặc biệt là tồn kho trách nhiệm và giải pháp”; “địa chỉ cụ thể để xử lý nghiêm minh những ai làm thất thoát nguồn lực quốc gia”…

Hai lần lấy phiếu: Không ai bị 'bỏ'

Hai lần lấy phiếu tín nhiệm nhiệm kỳ trước, Quốc hội "lấy" hết, không "bỏ" ai, mặc dù có vài nhân vật mấp mé lằn ranh bị “bỏ”.

Bỏ phiếu bất tín nhiệm ở các nước rất ít khi được đưa ra, nhưng luôn treo lơ lửng như “thanh bảo kiếm” sẵn sàng hạ xuống khi có chuyện xảy ra.

Việc so sánh kết quả của hai lần lấy phiếu tín nhiệm dường như cho thấy những người được lấy phiếu đã phải thay đổi theo hướng tích cực, hoạt động tốt hơn. Điều này trùng hợp với những ý kiến đánh giá của đại biểu Quốc hội về sự tiến bộ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, của nhiều bộ, ngành trong thảo luận tại các phiên họp toàn thể vào các ngày 30, 31/10/2014.

Bên cạnh đó, các chức danh đạt số phiếu tín nhiệm cao nhất lần trước tiếp tục giữ được sự tín nhiệm cao trong lần sau, thậm chí còn được tiếp tục nâng lên.

Phân tích hiện trạng này, có những người nhận định, một trong những mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm đã đạt được, đó là: “Giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động”.

Từ “lấy” đến “bỏ”

Dù đạt được những kết quả nhất định, nhưng việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn để lại cảm giác nửa vời.

Một, "lấy phiếu" khác với "bỏ phiếu" ở chỗ, dù chọn mức nào thì vẫn là "tín nhiệm", chứ không rạch ròi ra, tin hay không tin.

Hai, cái lý của lấy phiếu tín nhiệm ở chỗ đây phải là công cụ giám sát của Quốc hội, không có lẽ lại giám sát cả những chức danh thuộc Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Ba, khác với ở các nước, chỉ bỏ phiếu tín nhiệm, bất tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ, tập thể Chính phủ, lấy phiếu tín nhiệm “rải mành mành” như vậy không tập trung.

Bốn, lấy phiếu tạo cảm giác chậm, không như thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm ở các nước, có thể sử dụng tức thời, phản ứng nhanh trước những động thái, chính sách không phù hợp của Chính phủ. Nó khác với bỏ phiếu bất tín nhiệm ở các nước, rất ít khi được đưa ra, nhưng luôn treo lơ lửng như “thanh bảo kiếm” sẵn sàng hạ xuống khi có chuyện xảy ra, khiến cho Chính phủ, các bộ trưởng phải cố mà làm cho tốt, nếu không lại bị mấy ông nghị sĩ đưa ra bỏ phiếu.

Lợi ích của quốc gia, của người dân chính là tiêu chí, cơ sở cuối cùng để đại biểu Quốc hội đánh giá và quyết định mức phiếu tín nhiệm.

Năm, lấy phiếu tín nhiệm làm định kỳ có vẻ hay, nhưng có khả năng dẫn đến “huề cả làng”, nhờn thuốc; hoặc ngược lại, tạo hiệu ứng ngược, không ai dám làm gì mạnh mẽ, vì lo ngại “làm nhiều sai nhiều”.

Vì vậy, cần “giữ lửa” cho các cuộc lấy phiếu tín nhiệm; tránh tình trạng sau vài lần không ai phải chịu trách nhiệm, trong khi tình hình kinh tế - xã hội vẫn không biến chuyển nhiều, phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí... hiệu quả không cao thì việc lấy phiếu cũng sẽ không còn “màu nhiệm” nữa. 

Hơn nữa, lấy phiếu tín nhiệm, cho dù kết quả thế nào, thì từ “bước tiến” này cũng nên dứt khoát cải tiến mạnh hơn quy trình, thủ tục bỏ phiếu (bất) tín nhiệm để dễ dàng thực hiện hơn. Chẳng hạn như làm sao để cá nhân các đại biểu Quốc hội có thể dễ dàng hơn trong việc kiến nghị và đưa một ai đó ra bỏ phiếu (bất) tín nhiệm.

Một nhà báo nghị trường kể lại, sau khi công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm năm 2013, anh thấy một bộ trưởng có kết quả thấp đứng ở góc khuất, điếu thuốc trong tay, vẻ mặt rất buồn, dáng điệu cô đơn. Hy vọng sẽ không có ai trong các vị có chức trách phải chịu kết quả thấp, nhất là không phải bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, nhờ thực hiện đúng trách nhiệm của mình, giữ được niềm tin của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Mặt khác, lợi ích của quốc gia, của người dân chính là tiêu chí, cơ sở cuối cùng để đại biểu Quốc hội đánh giá và quyết định mức phiếu tín nhiệm. Có như vậy mới phát huy được hết tác dụng của cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, lúc đó được lợi nhất mới là người dân.

Tác giả là một chuyên gia nghiên cứu Nhà nước. Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.

Hình ảnh ngày đầu kỳ họp lần thứ 6 Quốc hội khóa XIV

Trước phiên khai mạc kỳ họp lần thứ 6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguyên Lâm

Bạn có thể quan tâm