Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng TNMT nêu cách dẹp nạn đầu cơ, thổi giá đất

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

Bộ trưởng TNMT Đỗ Đức Duy tại phiên họp Quốc hội 28/10. Ảnh: Quochoi.

Tại phiên họp của Quốc hội liên quan đến quản lý bất động sản và nhà ở xã hội ngày 28/10, nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ý kiến về tình trạng giá nhà đất tăng cao gấp nhiều lần, vượt quá mức chi trả của đại đa số người dân có nhu cầu nhà ở.

Bên cạnh đó, tình trạng đấu giá đất vùng ven với giá trung cao gấp nhiều lần giá khởi điểm và cao hơn nhiều so với giá thị trường cũng được các đại biểu nêu ra và yêu cầu cơ quan quản lý có giải pháp ngăn chặn.

Yêu cầu công khai người bỏ cọc đất đấu giá

Liên quan hoạt động đấu giá đất "nóng" lên tại một số địa phương thời gian qua, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Đỗ Đức Duy cho biết tình trạng thổi giá đất, đẩy giá tại các phiên đấu giá gần đây đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

Bộ trưởng Duy cho hay Bộ TNMT đã kiểm tra, rà soát các phiên đấu giá đất có dấu hiệu bất thường và nhận thấy có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Thứ nhất là việc lập, công khai quy hoạch các khu vực phát triển đô thị nhà ở chưa bài bản, chưa công khai minh bạch. Bộ trưởng cho rằng điều này đã tạo cơ hội để các đối tượng lợi dụng đầu cơ đất đai, một số đối tượng tham gia đấu giá đất không thực sự có nhu cầu về đất ở, nhà ở mà chủ yếu vì mục đích đầu cơ, thao túng giá. Có trường hợp sau khi trúng đấu giá không nộp tiền theo quy chế, có dấu hiệu bỏ cọc.

Thứ hai, một số địa phương thiếu chủ động trong việc tạo quỹ đất để đấu giá đất dẫn đến không đáp ứng đủ nhu cầu đất ở, nhà ở của người dân.

"Có địa phương sử dụng giá đất trong bảng giá hiện hành, chưa được điều chỉnh kịp thời, thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá đất thực tế để làm giá khởi điểm. Điều này dẫn đến giá trúng đấu giá và giá khởi điểm có sự chênh lệch lớn, cũng như thu hút nhiều đối tượng tham gia đấu giá để kiếm lời", Bộ trưởng TNMT nói.

dat dau gia,  bang gia dat,  dat tp.hcm anh 1

Nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận về giá bất động sản tăng cao cũng như kết quả các phiên đấu giá đất gần đây. Ảnh: MG.

Ông kiến nghị thời gian tới, các địa phương khi đấu giá cần công khai các quy hoạch liên quan, thực hiện điều chỉnh giá đất trong bảng giá đất để tính giá khởi điểm, rút ngắn thời gian đóng tiền, công khai đối tượng bỏ cọc khi trúng đấu giá.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng kiến nghị các địa phương bổ sung nguồn cung bất động sản, bao gồm nhà ở, đất ở có giá phù hợp với khả năng tiếp cận của đại bộ phận người dân.

Ngoài ra, theo người đứng đầu Bộ TNMT, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

Không còn vướng mắc về bảng giá đất mới

Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng TNMT cho biết trong giai đoạn 2020 đến nay, đã có 29 địa phương thực hiện điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất đất nhiều lần (2-6 lần tính cả lần điều chỉnh sau ngày 1/8/2024), 23 địa phương điều chỉnh, bổ sung 1 lần và 11 địa phương không điều chỉnh bổ sung bảng giá.

Theo lãnh đạo Bộ TNMT, khó khăn khi áp dụng bảng giá đất mới chủ yếu do địa phương làm chưa tốt.

Bộ trưởng cập nhật từ ngày 1/8 đến nay, đã có 8/63 địa phương điều chỉnh bổ sung bảng giá đất. Trong số đó, 7 địa phương không phản ánh về tình trạng khó khăn hay vướng mắc khi áp dụng bảng giá điều chỉnh.

dat dau gia,  bang gia dat,  dat tp.hcm anh 2

Bộ trưởng TNMT cho biết người dân, doanh nghiệp đã không còn vướng mắc liên quan bảng giá đất mới tại TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.

Riêng TP.HCM, theo ông Duy, giai đoạn đầu khi đưa dự thảo bảng giá đất để xin ý kiến, nhiều người dân và doanh nghiệp phản ứng do bảng giá đất mới có sự chênh lệch lớn so với bảng cũ ở một số khu vực.

Tuy nhiên, sau khi Bộ TNMT, TP.HCM cùng một số cơ quan có liên quan họp bàn và lựa chọn giải pháp phù hợp, đến nay, TP.HCM đã ban hành bảng giá đất điều chỉnh và không còn những phản ứng khó khăn, vướng mắc từ phía doanh nghiệp, người dân.

Từ đó, Bộ trưởng đánh giá việc một số địa phương phản ánh có khó khăn, vướng mắc khi điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện, thậm chí có nơi làm chưa tốt. Tư lệnh ngành TNMT khẳng định khó khăn, vướng mắc không phải do chính sách, quy định của Luật Đất đai mới.

"Có nơi không thường xuyên rà soát điều, chỉnh bổ sung bảng giá theo quy định, đến nay khi thực hiện thì gặp khó khăn do biên độ điều chỉnh lớn, tác động đến một số đối tượng sử dụng đất", Bộ trưởng lấy ví dụ.

Tính giá đất thương mại, khu công nghiệp TP.HCM theo bảng mới thế nào

Trong Bảng giá đất điều chỉnh, TP.HCM đã đưa ra cách tính giá đất thương mại, khu công nghiệp, đảm bảo hài hòa và cân bằng lợi ích giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.

Vì sao bảng giá đất mới tại TP.HCM giảm so với dự thảo?

Lãnh đạo TP.HCM cho biết bảng giá đất lần này phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương. Tuy nhiên, để bảng giá đất tiệm cận thị trường sẽ phải chờ đến bảng giá mới năm 2026.

TP.HCM chốt bảng giá đất điều chỉnh từ 31/10, cao nhất 687 triệu/m2

Sau gần 3 tháng tiếp thu các ý kiến góp ý và cân chỉnh cho phù hợp, UBND TP.HCM đã chính thức ban hành bảng giá đất điều chỉnh với mức cao nhất 687 triệu đồng/m2.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Thủy Tiên

Bạn có thể quan tâm