Chiều 31/8, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thị sát công trường dự án đại tu mặt cầu Thăng Long.
Tại công trường, lãnh đạo ngành giao thông tỏ ra không hài lòng khi đơn vị thi công cho biết tiến độ công trình phải phụ thuộc vào thời điểm chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam.
Máy xúc được đưa lên tầng 2 cầu Thăng Long để cào bóc lớp bê tông nhựa đã hư hỏng. Ảnh: Chí Lý. |
Cụ thể, đại diện đơn vị thực hiện dự án cho biết việc thi công thảm bê tông cường độ siêu cao (UHPC) mặt cầu Thăng Long phải có sự có mặt của các chuyên gia đến từ Trung Quốc. Việc đưa nhân sự sang Việt Nam đang bị cản trở vì dịch Covid-19.
Theo kế hoạch, một số nhân sự Trung Quốc sẽ tới Việt Nam từ ngày 5/9, sau đó phải cách ly 14 ngày mới có thể ra hiện trường triển khai công việc.
Việc sửa mặt cầu Thăng Long cần sự có mặt của chuyên gia Trung Quốc do một số gói nguyên vật liệu được đặt mua tại nước bạn, nhân sự Trung Quốc có trách nhiệm hỗ trợ chuyển giao vận hành.
Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhắc lại mốc thời hạn thông xe là trước ngày 31/12. Ông cho rằng nếu cứ phụ thuộc vào lịch trình của chuyên gia là ngày 5/9 hoặc sau đó thì công việc sẽ khó khăn, gây chậm tiến độ dự án.
“Đoàn chuyên gia có thể nhiều người, tại sao không đề nghị họ chia nhỏ các nhóm nhân sự để đưa người sang Việt Nam thành nhiều đợt và thực hiện cách ly theo các đợt?”, ông Thể đặt câu hỏi.
Theo Bộ trưởng GTVT, những chuyên gia tới trước sẽ chuyển giao công nghệ cho kỹ sư người Việt trước. Những nhân sự chưa có mặt tại dự án thì có thể họp trực tuyến.
Bộ trưởng nhấn mạnh đây là đợt sửa chữa cầu lớn nhất từ trước đến nay. Lực lượng chức năng đã phải cấm mọi phương tiện lưu thông để dự án có thể hoàn thành nhanh nhất. Các đơn vị cần tập trung cao nhất, có bất kỳ vấn đề gì phải báo cáo và xử lý ngay.
Dự án đại tu cầu Thăng Long hiện đã lắp đặt xong 2 nhà mái che di động dài 240 m, tháo dỡ xong hệ thống hộ lan dài 3,3 km, cào bóc xong lớp bê tông nhựa cũ. Khối lượng công việc đến nay đã đạt 7% giá trị hợp đồng. Giá trị giải ngân theo hợp đồng đạt 32%.
Trình tự thi công tiếp theo sẽ gồm các công đoạn hàn đinh neo, thi công cốt thép, lắp đặt khe co giãn... những việc này dự kiến xong trong ngày 4/12.
Đến ngày 27/12, toàn bộ mặt cầu sẽ hoàn tất việc đổ bê tông UHPC, thi công lớp dính bám và thảm bê tông nhựa.
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, nối quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh. Từ 8/8, xe cộ bị cấm lưu thông ở tầng trên của cầu (dành cho xe cơ giới) để phục vụ việc thi công sửa chữa. Khi cầu Thăng Long đóng cửa, ôtô ra vào cửa ngõ tây bắc Hà Nội phải dồn sang cầu Nhật Tân.
Tổng mức đầu tư của dự án sửa mặt cầu là 269,3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ. Việc sửa chữa dự kiến hoàn thành trong quý IV/2020.
Công tác sửa chữa mặt cầu Thăng Long được đánh giá là cấp bách bởi tuyến cầu cạn vành đai 3 Mai Dịch - Nam Thăng Long đang hoàn thiện và dự kiến khánh thành trong năm nay.