Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại buổi họp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về quản lý xe máy điện, tổ chức ngày 6/8.
Thủ tục rườm rà mới có 70 xe được đăng ký
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến nay toàn quốc có trên 61.000 xe máy điện, xe đạp điện nhập khẩu, trong đó có hơn 1.500 xe máy điện.
Tuy nhiên, Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó cục trưởng Cục CSGT Đường bộ đường sắt, các địa phương cho thấy, hiện cả nước mới có 70 xe máy điện được đăng ký.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân có thể đăng ký xe máy điện. Ảnh minh họa. |
Cũng theo Đại tá Dánh, để tạo điều kiện cho người dân, Bộ Công an đã đề xuất giải pháp là người dân chỉ cần viết cam kết và có xác nhận của Cảnh sát khu vực, chính quyền địa phương sở hữu xe máy điện, sau đó đến nộp thuế trước bạ và đăng ký.
Tuy nhiên, đại tá Nguyễn Hữu Dánh cũng thừa nhận, theo quy định tại Thông tư 15, xe máy điện lưu hành từ ngày 1/7/2009 đến nay rất khó được đăng ký do hầu hết người mua không giữ được những giấy tờ cần thiết như: hóa đơn mua hàng, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường….
Đặc biệt, đến nay, cơ quan thuế vẫn chưa tính toán được mức thu thuế trước bạ với những phương tiện xe máy điện đang lưu hành nên việc đăng ký cũng thêm phần khó khăn.
Đại tá Dánh đề xuất dán tem phân biệt xe đạp điện, xe máy điện để giám sát, đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm thuế để người dân đến đăng ký như đối với xe máy (từ 5% xuống 1%).
Ngoài ra, Bộ Tài chính cần tính toán lại giá trị phương tiện để giảm mức thuế trước bạ giống như thực hiện sang tên, đổi chủ đối với mô tô như trước đây.
Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho rằng, để tăng cường quản lý đối với xe máy điện, cơ quan chức năng cần kiểm tra, phân loại, lập danh sách số lượng xe máy điện đang tồn đọng tại các cửa hàng kinh doanh xe máy điện.
Với xe máy điện, cơ quan chức năng có thể xác nhận để được đăng ký. Riêng với xe máy điện đang lưu hành, ông Hình cho rằng cần tạo điều kiện tối đa cho người dân đến đăng ký.
Liên quan đến việc xác định giá trị phương tiện, Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt câu hỏi: Nếu không xác định được giá xe thì làm thế nào? Chả lẽ không cho người dân đăng ký?
“Thử đặt địa vị là Bộ Tài chính xem có xác định được giá trị của xe không. Nếu cứ đẩy quả bóng sang bộ nọ, ngành kia còn lâu mới giải quyết được. Mục tiêu của chúng ta là đưa xe máy điện đi đăng ký, nhằm quản lý nhà nước tốt hơn, an toàn hơn, giảm TNGT nhưng không được làm khó cho dân”, Bộ trưởng cắt ngang.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Bộ Tài chính đồng ý chỉ cần người dân tự khai, tự chịu trách nhiệm. Bộ trưởng cũng đề xuất không thu thuế trước bạ đối với xe máy điện.
Bộ trưởng cho rằng đây là mục tiêu đưa vào quản lý chứ không phải thu phí trước bạ. Cũng theo Bộ trưởng Thăng, chỉ phạt người sử dụng xe máy điện không chấp hành quy định sau thời điểm 1/7/2015.
Không cần Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường – Bộ Công thương cho biết, số lượng xe máy điện nhập theo đường tiểu ngạch vào trong nước lắp ráp lớn hơn đường chính ngạch.
Chính vì thế nhiều cửa hàng không có giấy chứng nhận đăng kiểm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Trong khi đó, khi đi đăng ký, cơ quan chức năng lại vẫn yêu cầu loại Giấy này. Đây chính là khâu vướng nhất đối với thủ tục đăng ký.
Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Trần Kỳ Hình đề xuất tạo điều kiện cho người dân đăng ký, đối với xe chưa bán trong cửa hàng, liên ngành cần thống kê và dán tem phân biệt xe đạp điện, xe máy điện và coi như là giấy chứng nhận điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Đối với xe đang sử dụng chúng ta (đăng kiểm, công an) cử bộ phận tại điểm đăng ký để hỗ trợ và xác nhận luôn để người dân đăng ký.