Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Tài nguyên: Ghi tên vào sổ đỏ để bảo vệ quyền lợi người dân

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết quy định ghi tên cả gia đình vào sổ đỏ là cần thiết để bảo vệ quyền lợi người dân, dù cơ quan quản lý vất vả hơn.

Sáng 23/11, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về quy định ghi tên cả gia đình vào sổ đỏ, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng quy định này về thủ tục quản lý không hề phức tạp hơn. Nhà nước vất vả thêm nhưng những người có quyền hợp pháp được bảo vệ tốt hơn.

- Thông tư 33/2017, quy định về ghi tên cả gia đình vào sổ đỏ gây ra nhiều tranh cãi, ông đánh giá như thế nào?

- Tôi lấy ví dụ để dễ hiểu, trước đây, việc đền bù giải phóng mặt bằng cấp đất cho gia đình ông A. Trong hộ gia đình ông này, thời điểm đó quản lý bằng hộ khẩu có thể con cái ở tuổi vị thành niên hoặc người họ hàng ở cùng hộ khẩu. Trường hợp hộ gia đình này chỉ cấp cho ông A, nếu có tranh chấp thì tòa án làm sao giải quyết được?

Theo nhu cầu cuộc sống thì những người có quyền về sở hữu, sử dụng đất và những người có quyền lợi liên quan, lúc đền bù giải phóng tại thời điểm đó có tên trong hộ khẩu thì mọi người đều bình đẳng. Việc đó, mình phải bảo vệ quyền lợi của họ.

Ghi ten ca gia dinh vao so so anh 1
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Thắng Quang.

Quy định này là việc cá thể hóa những người có quyền lợi sử dụng đất trong đó chứ không phải tất cả. Sau này, ông có thể sinh con, con ông chưa có ở thời điểm đó thì con cũng không có quyền hoặc một người đến ở sau này cũng không có quyền.

Đây không phải là thành viên trong các hộ gia đình về sau này mà hộ gia đình được xác định vào thời điểm mà người ta đền bù, cấp. Bởi vì, miếng đất có thể 100-200 m2 dựa vào nhân khẩu, hộ khẩu trong đó và phải bảo vệ quyền sử dụng đất của những người trong hộ gia đình này. Do luật lỏng lẻo, chưa cá thể hóa nên xảy ra nhiều tranh chấp.

- Vấn đề ở chỗ xác định đâu là tài sản chung rất là khó trong thời điểm hiện nay?

- Ngày xưa, khi cấp đất chỉ xem xét trong hộ gia đình có bao nhiêu người và cũng căn cứ trên định mức như thế nào thì cấp bao nhiêu. Lúc đó, đất chưa có giá trị và mọi người vui vẻ để một người đứng ra đại diện.

Nhưng dần dần, đất đai cá thể hóa, một miếng đất bao gồm có vợ, chồng, nếu tài sản đó hình thành khi chưa cưới vợ, chồng thì tài sản đó là riêng. Sau khi cưới mới ghi của vợ, chồng.

Thông tư này đang giải quyết hậu quả của một thời kỳ mình cấp cho hộ, trong hộ, có nhiều người được quyền sử dụng, đứng tên. Hiện, chúng ta từng bước cá thể hóa. Đây là việc cần thiết phải làm để giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mọi người.

Đây cũng là yêu cầu của tòa án, viện kiểm sát đề nghị là cần phải ghi dần dần là giấy sổ đỏ đã có 8 quyền thì như vậy phải để cá thể chứ không thể để chủ thể, theo hộ.

- Quy định có lường trước các tranh chấp và thủ tục quản lý phức tạp?

- Quy định này để giải quyết tranh chấp chứ không phải lường trước tranh chấp. Thủ tục quản lý không hề phức tạp hơn. Nhà nước vất vả thêm nhưng những người có quyền hợp pháp được bảo vệ tốt hơn.

Ghi tên các thành viên gia đình vào sổ đỏ để giảm tranh chấp đất đai

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định việc ghi tên các thành viên trong gia đình trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm giảm thiểu rủi ro cho người dân, minh bạch tài sản.


Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm