Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa phát thông cáo báo chí phản ánh thông tin ghi tên các thành viên trong hộ gia đình trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo Thông tư số 33/2017, với trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình sử dụng đất thì phải thể hiện thông tin của người sử dụng. Như vậy, Thông tư này đã thêm đối tượng “những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất” vào trong sổ đỏ.
Người dân làm thủ tục sổ đỏ ở TP.HCM. Ảnh: Tiền Phong.
|
Chỉ ghi thông tin các thành viên có chung quyền sử dụng đất
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất đai, hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm làm thủ tục Giấy chứng nhận.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh khi ghi Giấy chứng nhận thì chỉ thể hiện thông tin các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình. Do vậy, các thành viên khác trong hộ gia đình không có chung quyền sử dụng đất thì không ghi trên giấy chứng nhận.
Ví dụ những người không phải là nhân khẩu mà Nhà nước đã xác định để giao đất cho hộ gia đình trước đây, người không có công đóng góp để tạo lập quyền sử dụng đất của hộ thì không ghi trên giấy chứng nhận.
Trường hợp cấp Giấy chứng nhận đối với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ tên vợ và chồng vào Giấy chứng nhận, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người. Trường hợp cấp Giấy chứng đối với đất là tài sản của cá nhân thì phải ghi họ, tên của cá nhân đó.
Đảm bảo chặt chẽ về pháp lý, minh bạch về tài sản
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định này nhằm khắc phục những tranh chấp, mâu thuẫn đất đai giữa các thành viên trong gia đình khi thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất. Trước đó, các thành viên có chung quyền sử dụng đất chưa được xác định rõ, nên không có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, cũng như giải quyết các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến đất đai.
Quy định cũng sẽ bảo đảm chặt chẽ về pháp lý, cụ thể hơn về mặt chủ thể có quyền sử dụng đất. Điều này sẽ giảm những rủi ro cho người sử dụng đất, minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình.
Bên cạnh đó, người dân cũng không cần thực hiện thêm các thủ tục hành chính, mà vẫn đảm bảo sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình theo quy định.