Với 14.500 tỷ ngân sách Trung ương bố trí cùng nguồn lực ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 của người dân, doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính cam kết sử dụng đúng mục đích đến từng đồng.
Số dư Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 tăng lên từng ngày nhờ sự chung tay, góp sức của nhiều cá nhân, đơn vị trên khắp mọi miền đất nước. Chỉ hơn một tuần kể từ khi thành lập, Quỹ vaccine đã nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước.
Trong cuộc trao đổi với Zing, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, nhiều lần nhấn mạnh kỳ vọng quỹ sẽ huy động sức mạnh toàn dân để tạo nên kỳ tích mới trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch.
- Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 vừa ra mắt đã tạo ra được tính lan tỏa rất lớn. Việc thành lập quỹ có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay?
- Tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp chống dịch theo phương châm mới “5K + vaccine” và ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi, nghiêm ngặt.
Trong cuộc chiến với Covid-19, Đảng và Nhà nước đặt ra mục tiêu sớm tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng và việc này cần duy trì hàng năm. Nhưng kinh phí mua vaccine rất lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân.
Thủ tướng đã thành lập quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 với sứ mệnh huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để cùng với ngân sách Nhà nước phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19.
Bên cạnh đó, quỹ cũng có nhiệm vụ quản lý, điều phối các nguồn lực, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vaccine để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân. Tất những việc này phải đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả.
Việc thành lập quỹ vaccine không chỉ có ý nghĩa tăng cường nguồn lực để có vaccine tiêm cho toàn dân, mà qua đó còn thể hiện tấm lòng, tình cảm, trách nhiệm của người dân với cộng đồng, với đất nước.
Bộ Tài chính tin tưởng thông qua quỹ, với tinh thần đoàn kết đã, đang và sẽ tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, chúng ta sẽ tập hợp được sức mạnh toàn dân, lập nên kỳ tích mới trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.
- Là người đứng đầu ngành Tài chính, ông cảm nhận gì khi có rất nhiều người dân, doanh nghiệp dù gặp khó khăn vẫn chung tay, gắng sức đóng góp vào Quỹ vaccine để cùng Nhà nước lo cho nhân dân?
- Từ đầu năm 2020 tới nay, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội của nước ta, khiến không ít người dân, doanh nghiệp Việt gặp khó khăn. Tuy vậy, với truyền thống đoàn kết, yêu nước, vì mình, vì mọi người, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã không ngừng nỗ lực để cùng Chính phủ thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong hoàn cảnh đó, một điều rất trân trọng là người dân và doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn nhưng khi Thủ tướng thành lập Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 và MTTQ cũng kêu gọi, thì người dân và doanh nghiệp đã nhiệt liệt, chủ động, sẵn sàng, đóng góp.
Bộ Tài chính trân trọng và đánh giá cao những đóng góp của người dân, doanh nghiệp cho Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19. Những đóng góp này có ý nghĩa rất to lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần Việt Nam - thương người như thể thương thân và cho thấy sự cảm thông, trách nhiệm của nhân dân và doanh nghiệp với đất nước.
Chúng tôi hiểu rằng tiền trong quỹ dù một đồng cũng là kết tinh của tình yêu thương, trách nhiệm, sự sẻ chia và tinh thần yêu nước sâu sắc của nhân dân, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm quản lý đúng đắn, chặt chẽ, minh bạch, và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả để phục vụ công tác phòng, chống dịch tốt nhất cho nhân dân.
Tôi hy vọng, sự đóng góp của người dân và doanh nghiệp Việt Nam vào quỹ sẽ tiếp tục được lan tỏa, cùng ngân sách Nhà nước tạo nên nguồn lực tài chính lớn mạnh để có đủ kinh phí mua số lượng vaccine cho toàn dân.
- Ông nói “một đồng trong Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 cũng là kết tinh của tình yêu thương, trách nhiệm và sự sẻ chia”. Là người đứng đầu cơ quan quản lý, sử dụng quỹ này, áp lực lớn nhất theo Bộ trưởng là gì?
- Ngay từ khi được thành lập đến nay, quỹ đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ, đóng góp, động viên không chỉ bằng vật chất mà còn cả bằng tinh thần của các tổ chức, cá nhân trên mọi miền Tổ quốc và kiều bào ở nước ngoài.
Qua đó, có thể thấy được sự tín nhiệm của toàn thể nhân dân đối với Chính phủ nói chung và Bộ Tài chính nói riêng. Vì vậy đây cũng là áp lực đối với cơ quan quản lý.
Thứ nhất, phải có vaccine tốt, kịp thời, giá cả hợp lý để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Thứ hai, sử dụng đồng tiền đúng mục đích, hiệu quả, không thất thoát. Thứ ba, phải có đủ tiền để mua vaccine vì chống dịch lâu dài, an toàn, để người dân sớm được tiêm phòng đầy đủ, miễn dịch cộng đồng, đưa Việt Nam quay trở về trạng thái bình thường mới, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Tài chính cam kết từng đồng tiền của quỹ sẽ được sử dụng đúng mục đích, phù hợp với quy định của pháp luật đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả.
- Bộ Tài chính quán triệt nguyên tắc gì khi đảm nhận nhiệm vụ quan trọng này?
- Được giao quản lý quỹ, Bộ Tài chính luôn quán triệt các nguyên tắc do Thủ tướng quy định tại Quyết định 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021, là sử dụng đúng mục đích, phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.
Điều này cũng được thể hiện rõ tại Thông tư số 41 ngày 2/6 về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 do Bộ Tài chính ban hành.
Theo đó, quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của các cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính và Kiểm toán Nhà nước; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân; đồng thời, được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và các phương tiện thông tin đại chúng, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Từng cá nhân, doanh nghiệp, số tiền đóng góp nộp vào hàng ngày được công khai trên website Quỹ vaccine phòng, chống Covid và công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mỗi đợt chuyển tiền cho Bộ Y tế, chúng tôi đều công khai. Sau mỗi đợt mua, tiêm vaccine của Bộ Y tế, chúng tôi cũng đều công khai quyết toán.
- Sau cuộc vận động vào Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19, kế hoạch giải ngân và chi tiền từ quỹ cho các hoạt động nhập khẩu, mua vaccine được tính toán như thế nào? Các quy trình, thủ tục có được rút gọn để đảm bảo nhiệm vụ cấp bách được thực hiện kịp thời?
- Quy trình, thủ tục giải ngân của quỹ rất đơn giản để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu chi mua, nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất và sử dụng vaccine. Cụ thể, Bộ Y tế tổng hợp nhu cầu kinh phí để mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19, trình Thủ tướng quyết định.
Căn cứ quyết định của Thủ tướng, quỹ sẽ xuất cấp cho Bộ Y tế. Đồng thời, Bộ Y tế chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và trước Thủ tướng về việc quản lý, sử dụng số tiền được cấp từ quỹ để mua, sản xuất vaccine, tiêm vaccine cho người dân, đồng thời quyết toán gửi cho quỹ để công khai.
- Nguồn lực từ ngân sách và Quỹ vaccine được tính toán như thế nào để có thể đủ tiêm miễn phí cho toàn dân, thưa ông?
- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21 về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19; trong đó, giao Bộ Y tế chủ trì thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý, sử dụng vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên, với số lượng khoảng 150 triệu liều. Bộ trưởng Y tế căn cứ yêu cầu phòng chống dịch, quyết định số lượng vaccine cụ thể cần mua, nhập khẩu theo từng giai đoạn.
Theo tính toán của Bộ Y tế, nhu cầu kinh phí để đảm bảo cho việc mua, nhập khẩu, sử dụng 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 khoảng 25.200 tỷ đồng (cho khoảng 70% dân số). Đây là kinh phí rất lớn.
Vì vậy, tại Nghị quyết số 21, Chính phủ cũng đã quyết nghị nguồn lực để thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 gồm: Ngân sách nhà nước (Ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương); nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác; nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vaccine tự nguyện chi trả.
Đến nay, ngân sách Trung ương đã bố trí 14.500 tỷ cùng với nguồn lực mà doanh nghiệp, cá nhân đã ủng hộ, cam kết ủng hộ cho Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 (tính đến 17h ngày 13/6, Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 đã nhận được số tiền ủng hộ là 4.851 tỷ đồng. Số tiền ủng hộ đã cam kết nhưng chưa chuyển vào tài khoản là hơn 3.000 tỷ đồng - PV), cơ bản đảm bảo đủ nguồn kinh phí để mua vaccine tiêm phòng cho người dân.
- Bộ Tài chính có cơ chế gì để hạn chế một tình trạng đã từng có là “tuyên bố ủng hộ, nhưng không chịu chuyển tiền” cũng như giám sát các hành vi tiêu cực có thể nảy sinh?
- Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.
Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về hoạt động tài chính của Quỹ của các cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính và Kiểm toán Nhà nước; chịu sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng. Những quy định này sẽ góp phần hạn chế hành vi tiêu cực có thể nảy sinh trong quá trình quản lý quỹ.
Để hạn chế tình trạng “tuyên bố ủng hộ, nhưng không chịu chuyển tiền”, mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Hiện, Ban Quản lý quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng trang website của quỹ, đưa lên mạng Internet và phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có ghi công khai số người đã nộp tiền, số tiền vào tài khoản và sẽ công khai số người, tổ chức doanh nghiệp đã cam kết với quỹ nhưng chưa nộp.
Chúng tôi có bộ phận thường trực quỹ thường xuyên đôn đốc, giám sát cá nhân, tổ chức đã cam kết ủng hộ. Cuối cùng, chúng tôi sẽ công khai những tổ chức, cá nhân cam kết nhưng không chuyển tiền để mọi người biết giám sát.
Với mục đích nhân văn của Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 và trước bối cảnh dịch bệnh đang rất căng thẳng như hiện nay, Bộ Tài chính tin tưởng những đơn vị đã cam kết tài trợ sẽ đóng góp, ủng hộ.
- Xin cảm ơn ông!