Tại phiên Quốc hội chất vấn thành viên Chính phủ sáng nay (30/10), Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nhận được nhiều câu hỏi xoay quanh những đề xuất cải cách thuế của cơ quan này thời gian qua.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội, cho hay tại Nghị quyết 25 của Quốc hội đã đề ra nhiệm vụ tiếp tục điều chỉnh chính sách thuế, nâng dần tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách Nhà nước. Cùng với đó là phải hạn chế tối đa việc đề ra chính sách làm giảm thu ngân sách. Tuy nhiên, tại báo cáo số 507 của Chính phủ về tái cơ cấu nền kinh tế lại đề ra nhiệm vụ sớm cắt giảm hàng loạt các loại thuế, phí.
Đại biểu đặt câu hỏi về quan điểm của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng với vai trò là người đứng đầu trong ngành tài chính. Cùng với đó là tính nhất quán trong ban hành chính sách thuế và giải pháp quan trọng nhất để thực hiện các đề xuất này nhưng vẫn tuân thủ nguyên tắc cơ bản của thuế là đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa người nộp thuế và Nhà nước.
Trả lời câu hỏi này, người đứng đầu Bộ Tài chính cho hay cơ quan đang triển khai Nghị quyết tại Đại hội đảng XII về tái cơ cấu ngân sách và an toàn nợ công.
“Trong điều kiện phải cắt giảm thuế quan do hội nhập kinh tế, giảm sút nguồn thu ngân sách trung ương do giá dầu thô giảm, điều chỉnh lại chính sách thuế là hợp lý”, Bộ trưởng khẳng định.
Lãnh đạo này cũng cho biết thêm các Nghị quyết của Bộ chính trị, Quốc hội trong các giải pháp để thực hiện tái cơ cấu ngân sách có giải pháp điều chỉnh và bổ sung 8 luật thuế bao gồm giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, bảo vệ môi trường… và cả việc nghiên cứu trình các cấp thực hiện thu thuế tài sản.
Ông cũng khẳng định việc bổ sung, xây dựng các luật thuế này sẽ được bám sát chương trình đảm bảo tính trung lập của thuế, đảm bảo đúng cơ sở thu và sẽ xem xét khuyến nghị của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Tư lệnh ngành tài chính cho biết chính sách thuế hiện cũng lồng ghép nhiều chính sách an sinh xã hội, bên cạnh đó là nhiều ưu đãi cũng như thu hút đầu tư. Các chính sách này đều tác động tới nhiều mặt, nhiều ngành nghề, điều kiện, quy mô, vốn, vùng miền, công nghệ hay sản phẩm… và đều có ưu đãi.
“Chính sách thuế luôn đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, cùng với đó là các cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế để tạo thuận lợi cho thực hiện sản xuất kinh doanh”, ông Dũng nói thêm.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội sáng nay. |
Liên quan tới các đề xuất thuế này, Bộ Tài chính từng vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều liên quan tới việc tăng thu, mở rộng cơ sở thu với một số loại thuế.
Cụ thể, Bộ này đã đề xuất mở rộng các đối tượng chịu thuế VAT và tăng thuế từ 10% lên 12%, dự kiến áp dụng từ năm 2019.
Với thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ này đề xuất áp thuế đối với các hàng hóa mới như nước ngọt, trà, cà phê đóng lon, thuốc lá (thuế tuyệt đối). Ngoài ra, Bộ Tài chính còn đề xuất tăng mạnh thuế với xe bán tải, tính thuế xe con theo tỷ lệ nội địa hoá.
Với thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính đề xuất áp mức thuế 20-30% giải thưởng của người trúng xổ số thay vì mức 10% như hiện nay… Đồng thời, Bộ cũng đề xuất giảm thuế cho các nhân lực công nghệ cao, chế biến nông sản...
Vấp phải nhiều ý kiến trái chiều nhất là dự Luật thuế tài sản, Bộ đã đề xuất sẽ đánh thuế tài sản đối với đất ở, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp nhưng sử dụng vào mục đích kinh doanh hoặc để ở.
Theo đó, nhà và công trình trên đất có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng, ôtô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên, tàu bay, du thuyền... sẽ bị đánh thuế. Mức thuế dự kiến áp dụng là 0,4% đối với căn hộ chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh... có giá trị từ 700 triệu đồng (tính cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng) mỗi năm.
Trả lời báo chí sau đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết mục tiêu quan trọng đề xuất dự luật này nhằm tái cơ cấu, mở rộng nguồn thu ngân sách được thực hiện song hành với việc tiết kiệm chi. Tuy nhiên, bên cạnh mục tiêu cơ cấu nguồn thu, đề xuất xây dựng Luật Thuế tài sản còn nhằm chống đầu cơ bất động sản.
"Luật nhằm điều tiết vào những nhóm đối tượng có thu nhập cao, chống đầu cơ nhà đất, đảm bảo những người có nhà, đất phải đưa vào khai thác và sử dụng. Làm được như vậy sẽ không ảnh hưởng đến nhu cầu sở hữu nhà của người nghèo, người thu nhập thấp, đảm bảo sự minh bạch trong quản lý tài sản...", ông khẳng định.
Bộ trưởng cũng đề cập đến cơ sở để Bộ đưa ra đề xuất bổ sung, xây dựng các luật thuế gồm chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ trong chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020, tại đề án Chính phủ đã phê duyệt về khai thác nguồn lực đất đai hay Nghị quyết 25 của Quốc hội về đề án tái cơ cấu ngân sách 5 năm 2016 - 2020... Ông cho biết, những chỉ đạo trên có yêu cầu phải nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế với tài sản gồm đất, tài sản gắn với đất.