Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Không còn tình trạng duyệt dự án tùy tiện không biết vốn ở đâu'

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận trước đây kế hoạch đầu tư công còn dàn trải, quyết định đầu tư ồ ạt nhưng không biết tiền ở đâu, duyệt rồi mới đi xin vốn.

Trực tiếp Quốc hội thảo luận về ngân sách Nhà nước chiều 29/10 Chiều 29/10, Quốc hội có phiên họp toàn thể ở hội trường với nội dung liên quan đến ngân sách Nhà nước và đầu tư công.

Tiếp tục phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội sẽ thảo luận về kết quả thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước quốc gia 3 năm 2019-2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.

Quốc hội cũng thảo luận về đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020. 

quoc hoi thao luan ve ngan sach nha nuoc va dau tu cong anh 1
Nhiều đại biểu chỉ ra các tồn tại của các dự án đầu tư công hiện nay. Ảnh: Ngọc Duy.

Sáng nay, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã giải trình trước Quốc hội về một số vấn đề mà đại biểu quan tâm liên quan đến đầu tư các công trình trọng điểm của đất nước. 

Dự kiến chiều nay, 3 bộ trưởng là Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.

Theo một số đại biểu Quốc hội, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết về đầu tư công trung hạn, tổng mức đầu tư 2 triệu tỷ đồng cho 9.620 dự án. Ở rất nhiều dự án tại địa phương dở dang, thiếu vốn là rất lớn. Nhiều dự án triển khai còn chậm, chưa phát huy được hiệu quả kinh tế - xã hội. 

Nhiều đại biểu cũng băn khoăn về việc nhiều chỉ tiêu thu ngân sách không đạt so với kế hoạch, tình trạng thất thu thuế, trốn thuế, chuyển giá vẫn còn nhiều.

  • Thu ngân sách từ đất chiếm hơn 10%

    Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết việc thực hiện mục tiêu cơ cấu NSNN 3 năm 2016-2018 đã đạt được kết quả khá tích cực với một số chỉ tiêu đạt trước thời hạn.

    Về số thu NSNN 3 năm qua đã vượt dự toán khoảng 54-55% kế hoạch, tăng trưởng GDP đã đạt trên 53-54% kế hoạch 5 năm. Thu nội địa tăng từ 75% năm 2015 lên 82% năm 2018 trong khi quy mô thu NSNN bình quân 3 năm bằng 1,5 lần giai đoạn 2011-2015. Trong đó, thu nội địa tăng 1,78 lần, nếu trừ số thu từ đất, sổ xố, cổ tức… thì tăng 1,62 lần so với bình quân giai đoạn trước.

    Về việc một số đại biểu lo ngại số thu 3 năm gần đây chủ yếu đến từ đất, Bộ trưởng Tài chính thừa nhận điều này vì số thu phụ thuộc vào các địa phương. Tuy nhiên số thu các khoản này đang có xu hướng giảm từ 11% năm 2016; 12% vào năm 2017 nhưng chỉ còn 10,6% vào năm 2018 và dự kiến còn 6,7% vào năm 2020. Một số địa phương đã giảm mạnh thu từ đất như Đà Nẵng từng có lúc thu sử dụng đất chiếm gần 50% tổng thu hiện còn trên dưới 10%; Quảng Ninh từng thu khai thác khoản sản gần 60% nay xuống còn 45%... trong khi thu từ thuế phí và hoạt động sản xuất kinh doanh tăng.

    Về chi ngân sách, tăng tỷ trọng trong đầu tư phát triển là 17% năm 2015 tăng lên 25-26% trong giai đoạn 2016-2020 theo dự toán và thực tế đã triển khai là 27-28%.

    Chi thường xuyên giảm từ 66,8% xuống còn 63% trong khi vẫn phải đảm bảo điều chỉnh tiền lương bình quân 7%/năm.

    Bộ trưởng cho biết 3 năm trở lại đây thu ngân sách đều tích lũy cho đầu tư phát triển, bội chi ngân sách cũng được kiểm soát chặt chẽ cả số tuyệt đối và phần trăm với GDP. Như giai đoạn 2011-2015 bội chi là 5,79% GDP thì năm 2018 dự kiến còn 3,67% trong khi dự toán là 3,7%.

    Nợ công luôn được bố trí, sắp xếp đầy đủ nhờ vậy tốc độ tăng trưởng nợ công giảm gần một nửa từ 18% giai đoạn 2011-2015 chỉ còn 9,6% vào 3 năm 2016-2018. Điều này góp phần giúp nợ công giảm từ 63,7% GDP vào năm 2016 xuống còn 61,4% vào năm 2018 và dự kiến xuống 61,3% vào năm 2019; 60,8% vào năm 2020.

  • Thận trọng ưu tiên dự án đầu tư

    ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nêu 3 năm qua GDP nước ta đã tăng trưởng bình quân 6,57%/năm và khi xem xét số liệu danh nghĩa GDP Việt Nam từ năm 2016 là 4,502 triệu tỷ đồng thì đến năm 2018 đã tăng lên là 5,555 triệu tỷ đồng danh nghĩa, tức là tăng bình quân 11% mỗi năm.

    Nhìn nhận khách quan bên cạnh chi ngân sách tăng, bội chi, nợ công giảm nhưng chủ yếu là vì GDP tăng khiến tỷ lệ nợ công, nợ chính phủ/GPD được kiểm soát.

    Đại biểu TP.HCM cũng cho biết yếu tố vốn đóng góp rất nhiều vào tăng trưởng kinh tế với trên 50% đóng vào thời gian qua. Trong nhiều năm, chúng ta đã thành công trong việc tăng vốn đầu tư xã hội từ 31% GDP lên con số 34% vào năm 2018. Tổng vốn đầu tư xã hội chuyển hướng tốt và có giảm dần trong khu vực Nhà nước.

    Ông cũng cho biết hiện nay thu ngân sách đang trong tình trạng khó khăn, thu nội địa 2 năm qua có xu hướng không đạt dự toán nhưng khi quyết định dự toán ngân sách vẫn dành một nguồn rất lớn cho đầu tư phát triển nên cơ cấu đầu tư cũng thay đổi. Đầu tư phát triển từ dưới 21% hiện nay đã tăng lên 26% trong tổng chi NSNN, vị đại biểu quốc hội cho rằng đây là dấu hiệu tích cực.

    Tuy nhiên, ông Ngân cho biết có một thực tế là nợ phải trả tiền lãi vay và nợ gốc đến hạn đang cao dần. Năm 2016 là 175.784 tỷ, năm 2017 là 255.000 tỷ đồng, năm 2018 phải trả 269.000 tỷ đồng và dự kiến năm 2019 sẽ là 326.034 tỷ đồng. Như vậy, nợ đáo hạn có xu hướng ngày càng tăng, dù chúng ta duy trì được nợ công dưới trần là 61,4%; nợ chính phủ là 52%, nợ nước ngoài sát trần nhưng số nợ đến hạn đang ngày một tăng.

    Đại biểu kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cần thận trọng lựa chọn, ưu tiên dự án nào để đảm bảo đầu tư theo kế hoạch. Hiện nay, hầu như địa phương nào cũng có dự án cấp bách, cần thiết nhưng nên ưu tiên những dự án đang dang dở, mà chỉ thêm 1 chút sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng được ngay. Để từ đó lấy nguồn lực đem đi tái đầu tư dự án khác.

  • Ngân sách đáp ứng 53% nhu cầu

    Bộ trưởng KHĐT cho biết luôn là bài toán khó để cân đối hài hòa giữa nhu cầu đầu tư và khả năng ngân sách. Trong tình trạng ngân sách hạn hẹp, ODA giảm, thu hút xã hội còn nhiều khó khăn... không còn dư địa để làm nên Chính phủ đang xem xét kiến nghị Quốc hội cho sử dụng dự phòng để xử lý trong một số trường hợp cấp cách của địa phương. Còn lại một số phải xây dựng kế hoạch chi tiết cho nhiệm kỳ tiếp theo.

    Hiện tại, ngân sách đang đáp ứng 53% tổng giá trị nhu cầu của 21 chương trình mục tiêu, dự án quan trọng, trọng điểm luôn được ưu tiên bố trí đủ vốn thực hiện. ODA còn thiếu do đang phải làm các thủ tục liên quan.

    Bộ trưởng cũng cho hay việc chậm giao vốn hay giải ngân nhiều lần Luật đầu tư công mới chỉ được áp dụng 2 năm nay, nên việc thực hiện còn lúng túng, khó thực hiện.

    Hiện nay cũng có tình trạng quy định của Luật đầu tư công khi giao vốn phải đủ thủ tục, vì vậy dẫn tới tình trạng tỉnh nọ chờ tỉnh kia, không đủ thủ tục thì Chính phủ không thể giao kế hoạch vì sẽ vi phạm pháp luật. Tuy tình trạng này vẫn còn nhưng các đơn vị liên quan đã cố gắng cắt giảm và đã thực hiện giao kế hoạch ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, việc giao chi tiết các dự án cho chủ đầu tư, ban quản lý lại bị chậm đây là vấn đề cần khắc phục. Ảnh: Hoàng Hà.

    quoc hoi thao luan ve ngan sach nha nuoc va dau tu cong anh 2

  • Hạn chế tình trạng ăn đong

    Tuy nhiên Bộ trưởng cũng thừa nhận vẫn còn tồn tại những hạn chế như giao vốn chậm, giải ngân nhiều lần khiến hiệu quả dự án chậm.

    Vấn đề này đã được nhận thức và chính phủ đã ban hành các nghị định mới để sửa các nghị định trước đó về công tác đầu tư công trung hạn với phương hướng phân cấp triệu để cho từng địa phương và Bộ ngành đảm bảo quản lý chặt chẽ theo đúng Luật đầu tư công.

    Các quyết định cũng được công khai, minh bạch và gắn với trách nhiệm của các cơ quan tổ chức liên quan các khâu, đoạn phân bổ vốn, đặc biệt là người đứng đầu của các dự án.

    Bộ trưởng cho hay trước đây nguồn vốn đầu tư công được xây dựng hàng năm nên xảy ra tình trạng ăn đong, xin cho, vốn ít nhưng dự án thì nhiều, dàn trải dẫn đến nợ đọng. Nhưng hiện nay đã làm theo kế hoạch 5 năm cộng với rà soát hàng năm đã hạn chế rất nhiều tình trạng này. Theo đó, các dự án sẽ được gói gọn trong 5 năm để xem xét có bao nhiêu tiền từ đó chủ động chọn dự án, sắp xếp ưu tiên, đảm bảo làm dự án nào là phải đủ vốn ngay và làm xong đưa vào sử dụng khai thác ngay.

    Tuy nhiên, 5 năm là kế hoạch còn việc chi tiền thì phải cân đối theo số thu ngân sách thực tế hàng năm.

  • Bộ trưởng thừa nhận từng quyết định đầu tư ồ ạt nhưng không biết tiền ở đâu

    Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận trước đây kế hoạch đầu tư công còn dàn trải, quyết định đầu tư ồ ạt nhưng không biết tiền ở đâu, rồi mới đi xin vốn, không đủ vốn phải xin ứng trước gây kéo dài dự án, nợ đọng không hiệu quả.

    Tuy nhiên, ông khẳng định, đây là hiện tượng của giai đoạn trước và giai đoạn 2016-2020 đang phải xử lý.

    Luật đầu tư công đã ban hành để khắc phục tình trạng này, giảm thiếu được sự dàn trải phân tán như giai đoạn trước, tuy chưa triệt để nhưng đã cải thiện rất nhiều.

    Bộ trưởng lấy ví dụ giai đoạn 2011-2015 có tới 21.000 dự án đầu tư mới, trong khi giai đoạn 2016-2020 con số chỉ là 9.620, giảm hơn 1 nửa dự án thực thi. Trong số hơn 9.000 dự án này cũng có tới hơn 8.000 dự án là của năm 2011-2015 chuyển qua, dự án khởi công mới dùng vốn ngân sách của giai đoạn này chỉ là 412 và chiếm chưa tới 4%. Hiện tại, Chính phủ đang phải lấy vốn này tập trung vào trả nợ xây dựng cơ bản hơn 9.000 tỷ đồng, trả nợ giai đoạn trước hơn 50.000 tỷ đồng và vốn cho 8.000 dự án chuyển giao sang giai đoạn 2016-2020 chiếm gần 65% số vốn giai đoạn này.

    Với số vốn hạn hẹp nhưng nhu cầu của các địa phương rất nhiều nhưng chưa có dư địa để giải quyết trong nhiệm kỳ này.

    Về nợ đọng xây dựng cơ bản, Bộ trưởng KHĐT cho biết đã chấm dứt tình trạng này từ ngày 31/12/2014.Tất cả số vốn đã bố trí đủ để trả nợ hết số nợ đọng của xây dựng cơ bản giai đoạn trước, những số phát sinh đều là vi phạm pháp luật.

    Ông cho biết sau khi Luật Đầu tư công đi vào thực hiện, ý thức chấp hành của các bộ, ngành địa phương đã cao hơn, không còn tình trạng quyết định dự án tùy tiện không biết vốn ở đâu. Trong Luật Đầu tư công, phê duyệt dự án khi chưa cân đối được nguồn vốn cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Ảnh: Ngọc Duy.

    quoc hoi thao luan ve ngan sach nha nuoc va dau tu cong anh 3

  • Chi phí 25 năm bảo trì kinh thành Huế không bằng 1,5 km đường Thủ Thiêm

    ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) nêu hiện trạng về bảo trì kinh thành Huế. Ông cho biết hiện nay có lượng lớn người dân sinh sống và chiếm dụng đất trong vùng lõi khu di tích Kinh thành Huế. Riêng trong khu nội đô có đến 4.200 hộ với khoảng 200.000 nhân khẩu gây áp lực đến sự tồn tại của di sản quốc gia này, cuộc sống của hàng chục nghìn người dân hiện cũng ở mức tạm bợ, không ổn định…

    Các cơ quan bảo tồn di tích cũng như Unesco đã khuyến cáo cần di dời gấp người dân sinh sống trong vùng lõi khu di tích để bảo vệ di sản vì vậy cần xem xét di dời người dân ngay trong năm 2019 tới. Theo ước tính, kinh phí di dời hơn 4.200 hộ dân tại Huế vào khoảng 1.800 tỷ đồng từ năm 2019 đến 2022, nếu không làm gấp áp lực sẽ càng lớn khi dân số tại đây ngày một tăng nhanh, dự kiến sẽ tăng lên 5.000-6.000 hộ trong vài năm tới.

    Hiện tại, mức độ đầu tư du tu bảo trì cho khu di tích cũng rất hạn chế, thống kê trong 25 năm qua nguồn đầu tư cho bảo tồn mới chỉ đạt khoảng 1.600 tỷ, gồm 40% là ngân sách và 60% còn lại là kinh phí địa phương và nguồn hỗ trợ khác. Có cử tri cho biết khoản đầu tư duy tu bảo trì di tích lịch sử này trong suốt 25 năm qua chỉ bằng 1 km đường sắt trên cao và chưa tới 1,5 km đường ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.

    Thực tế, đầu tư cho công tác bảo tồn di tích du lịch mang lại hiểu quả rất lớn khi di tích kinh thành Huế đang mang lại cho tỉnh nhiều hiệu quả kinh tế. Từ năm 1993, mới chỉ có khoảng 243.000 khách du lịch tới Huế thì con số này đã tăng lên hơn 3 triệu vào năm 2017, trong đó 1,8 triệu là khách quốc tế, riêng doanh thu từ vé thăm quan đã đạt trên 320 tỷ đồng năm 2017 và dự kiến sẽ đạt 370 tỷ vào năm 2018. Ảnh: Ngọc Duy.

    quoc hoi thao luan ve ngan sach nha nuoc va dau tu cong anh 4

  • Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng vào thị trường chúng khoán

    Giải trình trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết về điều hành kiểm soát lạm phát, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, qua đó giữ lạm phát cơ bản ở mức thấp. Lạm phát cơ bản năm 2016 chỉ ở mức 1,83%; năm 2017 là 1,14% và 9 tháng 2018 là khoảng 1,41%. Như vậy, qua điều hành hiệu quả và ổn định chính sách tiền tệ, tạo dư địa cho các bộ ngành, trong đó có Bộ Tài chính điều hành quản lý giá, giữ được lạm phát ở mức dưới mức Quốc hội giao. Ảnh: Ngọc Duy.

     

    quoc hoi thao luan ve ngan sach nha nuoc va dau tu cong anh 5

     

    Trong điều hành vĩ mô, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã trao đổi chặt chẽ, điều tiết lượng tiền gửi từ của Kho bạc Nhà nước về Ngân hàng Nhà nước đảm bảo ổn định thanh khoản, ổn định lãi suất, không gây sức ép lên thị trường tiền tệ và lạm phát, qua đó đạt hiệu quả rất cao trong giữ ổn định các nền tảng vĩ mô.

    Từ đầu nhiệm kỳ, nhu cầu phát hành trái phiếu rát lớn, chúng ta vừa giữ ổn định mặt bằng lãi suất, vừa đảm bảo nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ, tăng kỳ hạn phát hành, lãi suất các kỳ hạn đã giảm. Lãi suất kỳ hạn 5 năm của 2018 đã giảm 2,83% so với 2016; kỳ hạn 10 năm 2,1%; 15 năm giảm được 2,8%; kỳ hạn 20 giảm 2,58%; 30 năm gần 3,6%.

    Ông Hưng nhấn mạnh việc vừa gia tăng được kỳ hạn phát hành, vừa giảm được lãi suất, đóng góp rất lớn vào sự ổn định và bền vững của nợ công và ngân sách Nhà nước. 

     

    Theo Thống đốc NHNN, trong điều hành điều hành tiền tệ, cơ quan này cũng điều hành tốt chính sách tỷ giá, giúp ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trên cơ sở như vậy, ổn định được nghĩa vụ nợ nước ngoài của ngân sách, ổn định cán cân thanh toán xuất nhập khẩu, kiều hối và lạm phát, tạo lập củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư.

    Chúng ta giữ được tỷ giá ổn định, giữ được thị trường ngoại hối xuyên suốt, giảm áp lực nghĩa vụ trả nợ nước ngoài. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng vào thị trường chứng khoán, gây không ra biến động trên thị trường, nhưng vẫn giữ được sự ổn định của các dòng vốn.

    Khi thị trường có diễn biến đột xuất, lãnh đạo các bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng kịp thời công bố thông tin, củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, giảm bất ổn không đáng có.

    Khi làm việc với các tổ chức quốc tế, ngân hàng cung cấp thông tin định kỳ, kỹ lưỡng, minh bạch, cho họ đánh giá khách quan, củng cố lòng tin, điều hành kinh tế vĩ mô.

  • Đề nghị rà soát cơ cấu mục chi cho bảo vệ môi trường

    ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) theo quy định các khoản chi bảo vệ môi trường phải có trong dự toán và cơ sở dự toán, nguồn chi bảo vệ môi trường của các Bộ, ngành do Bộ ngành dự toán gửi cho Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Kế hoạch Đầu tư tổng hợp, báo cáo.

    Theo Bộ TNMT nhu cầu ngân sách bảo vệ môi trường tại các bộ ngành cơ quan trung ương từ 2018 đã là 2.100 tỷ đồng, dự kiến năm 2019 là 2.400 tỷ đồng, chủ yếu là phục vụ tuyên truyền, văn bản pháp luật. Tuy nhiên, chi phí này nhiều năm qua còn dàn trải. 33 bộ, ngành cơ quan trung ương mỗi cơ quan chỉ nhận được 1 ít như Hội người cao tuổi nhận hơn 1,1 tỷ đồng; Hội phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến biên hơn 1 tỷ; nhóm cao nhất là Bộ Nông nghiệp hơn 60 tỷ đồng hay Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng là những cơ quan sử dụng nhiều.

    Tuy nhiên, tình hình xử lý còn kém, đặc biệt trong việc xử lý nước thải. Còn nhiều địa điểm ô nhiễm nặng như sông Tô Lịch, sông Nhuệ. Không chỉ riêng Hà Nội mà cả 5 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ bị ảnh hưởng. Dù đã chất vấn nhiều nhưng khi tiếp xúc cử tri vẫn nhận được phản ánh chưa thấy có tác dụng gì, vẫn ô nhiễm ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng sức khỏe người dân.

    Bà Khánh kiến nghị các Bộ, ngành rà soát lại cơ cấu mục chi với bảo vệ môi trường theo nguyên tắc duy trì hỗ trợ các đoàn thể để các đơn vị này làm nhiệm vụ tuyên truyền tới người dân thay vì làm công tác tuyên truyền phát tờ rơi hiện nay. Xem xét cắt giảm tuyên truyền quảng cáo, gây lãng phí… Ảnh: Ngọc Duy.

    quoc hoi thao luan ve ngan sach nha nuoc va dau tu cong anh 6


  • ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị trong phân bổ ngân sách Nhà nước 2019, Quốc hội và Chính phủ bố trí đủ ngân sách cho chương trình giảm nghèo bền vững, chi bảo vệ môi trường, dự phòng ngân sách để hoàn thành các dự án kè biên giới, đường tuần tra (đã có kế hoạch làm trong giai đoạn 2016-2020). Đặc biệt việc bờ sông khu vực biên giới thường xuyên xảy ra xói lở, kè cũng mới chỉ hoàn thành được khoảng 10% kế hoạch.

    Theo bà Lan, Chính phủ cần có giải pháp khắc phục thất thu, nợ đọng thuế, động viên các nguồn thu khác. Cần có sự đồng hành của các cấp, các ngành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cần có báo cáo đánh giá chế độ tự báo cáo, tự nộp thuế, thanh tra thuế để có các biện pháp chống thất thu một cách hiệu quả. Ảnh: Ngọc Duy.

    quoc hoi thao luan ve ngan sach nha nuoc va dau tu cong anh 7

Đại biểu sốt ruột tiến độ cao tốc, sân bay, Bộ trưởng GTVT nói gì?

Khẳng định đẩy nhanh tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết 3 năm qua, Bộ tiếp 112 đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, do đó phải làm đúng.


Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm