Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa dự kiến gặp người đồng cấp Indonesia Prabowo Subianto tại Jakarta trong ngày 8/9, một ngày sau cuộc gặp với thủ tướng Malaysia ở Kuala Lumpur.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hôm 7/9 tại Kuala Lumpur. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Quan hệ với Indonesia
Dù Indonesia không phải là bên tranh chấp ở Biển Đông, nước này đã xung đột với Bắc Kinh về việc tàu cá Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của họ xung quanh quần đảo Natuna. Jakarta cũng bác bỏ "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc sử dụng làm cơ sở cho các yêu sách của họ tại vùng biển chiến lược.
Song Indonesia, nước vừa phải đối mặt với suy thoái kinh tế vừa phải chiến đấu với sự gia tăng ca nhiễm Covid-19, đang trông cậy vào nhà sản xuất dược phẩm Trung Quốc để đảm bảo nguồn cung vaccine tương lai, cũng như tiếp tục chào đón các khoản đầu tư từ Trung Quốc để thúc đẩy kinh tế.
Chuyến thăm Jakarta của ông Ngụy được xác nhận bởi phát ngôn viên của ông Prabowo, Dahnil Anza Suimanjuntak. Cuộc gặp giữa hai bộ trưởng dự kiến diễn ra lúc 16h ngày 8/9, theo South China Morning Post.
Hôm 7/9, ông Ngụy nói với Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin rằng Trung Quốc sẵn sàng làm việc với các nước ASEAN, trong đó có Malaysia, để duy trì hòa bình ở Biển Đông. Ông cho biết Trung Quốc cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước và thúc đẩy quan hệ giữa hai quân đội, theo bản tin trên Tân Hoa Xã.
Tại Kuala Lumpur, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng gặp người đồng cấp Malaysia Ismail Sabri Yaakob.
Hai chuyến thăm diễn ra ngay trước một loạt hội nghị trực tuyến của ASEAN và các đối tác được tổ chức từ ngày 9 đến 12/9.
Bình luận về chuyến thăm của ông Ngụy trên SCMP, cựu thứ trưởng quốc phòng Malaysia Liew Chin Tong cảnh báo Biển Đông có thể là "vùng Balkan tại khu vực này của thế giới", trong đó các cường quốc có thể "sa vào khủng hoảng và chiến tranh" vì không có vùng đệm giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, không khu vực nào khác ẩn chứa nhiều nguy cơ và hậu quả từ sự trỗi dậy của Trung Quốc hơn vùng biển Đông Nam Á. Tôi luôn chủ trương rằng Trung Quốc phải coi các quốc gia ven biển Đông Nam Á là ưu tiên chính sách đối ngoại số một của mình", ông nói.
Trung Quốc gần đây đã tiến hành nhiều hoạt động gây căng thẳng tại Biển Đông, bao gồm các cuộc tập trận quân sự liên tiếp cũng như vụ bắn tên lửa đạn đạo vào Biển Đông. Trước đó, các tàu Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế các nước Đông Nam Á, sách nhiễu hoạt động khai thác tài nguyên.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob hôm 7/9. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Washington hồi tháng 7 lần đầu tuyên bố các yêu sách biển của Bắc Kinh ở Biển Đông là "phi pháp", và mới đây nhất đã đưa vào danh sách đen 24 công ty Trung Quốc liên quan đến hoạt động bồi lấp, quân sự hóa đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Quan hệ Bắc Kinh - Washington đang căng thẳng trên nhiều phương diện, bao gồm đối đầu chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuần trước, La Chiếu Huy, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc phụ trách các vấn đề châu Á, cáo buộc Mỹ thúc ép các nước Đông Nam Á chọn phe giữa Bắc Kinh và Washington.
Ông Liew cho rằng Trung Quốc không được chỉ nhìn khu vực này "từ góc độ cạnh tranh cường quốc", vì các quốc gia trong khu vực có quyền tự quyết.
"Trung Quốc phải nỗ lực hơn nữa để giành được tình cảm ở vùng biển Đông Nam Á. Chuyến thăm của ông Ngụy Phượng Hòa có thể được nhìn nhận trong bối cảnh này", ông Liew nói.
Ông lưu ý rằng Malaysia "tương đối thân thiện với Trung Quốc" so với các quốc gia Đông Nam Á có biển khác.
Cách tiếp cận của Malaysia
Zachary Abuza, giáo sư chuyên về các vấn đề an ninh Đông Nam Á tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington, Mỹ, cho rằng chuyến thăm Malaysia của ông Ngụy không gây ngạc nhiên vì Trung Quốc đã tăng cường ngoại giao quốc phòng khắp thế giới những năm gần đây.
"Malaysia là nước quan trọng đối với Trung Quốc, vì đây là nước nhận nhiều tiền từ Sáng kiến Vành đai và Con đường, cũng như các khoản đầu tư khác của Trung Quốc", ông nói, đề cập đến dự án xây dựng hạ tầng tham vọng của Bắc Kinh.
Giáo sư Abuza nói rằng Trung Quốc "rõ ràng đang lợi dụng" thực tế là Mỹ đã rút khỏi vai trò lãnh đạo trong các vấn đề kinh tế và an ninh khu vực.
"Chúng tôi đã mất rất nhiều ảnh hưởng và đòn bẩy tại khu vực. Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết quốc gia ở Đông Nam Á, là nguồn đầu tư và cho vay", ông Abuza trả lời SCMP.
Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh tháng 9/2019. Ảnh: Reuters. |
Malaysia và Brunei là hai trong số bốn quốc gia Đông Nam Á phản đối các yêu sách bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Song họ hiếm khi đưa ra tuyên bố công khai về vấn đề này, ngay cả khi Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo, đưa tàu hải cảnh và tàu nghiên cứu đến khu vực giàu tài nguyên để sách nhiễu.
Malaysia có xu hướng không bao giờ công khai chỉ trích hoặc nêu đích danh Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông vì "đó không phải là phong cách ngoại giao của Malaysia", ông Abuza nói.
"Những gì chúng tôi thấy với Malaysia là họ nói chuyện thông qua hồ sơ pháp lý tại các cơ quan của Liên Hợp Quốc. Và nếu bạn đọc các hồ sơ mới nhất của họ, [họ] rõ ràng là chỉ trích Trung Quốc và các tuyên bố của Bắc Kinh rất mạnh", ông nói.
Ông nhận định Malaysia là nước nhỏ khó lòng đối chọi với Trung Quốc nên họ cố gắng sử dụng luật pháp quốc tế để củng cố các yêu sách của mình.
"Vấn đề thực sự của Malaysia ở Biển Đông là Philippines, quốc gia vẫn đang tuyên bố chủ quyền đối với Sabah", ông Abuza nói, đề cập đến vùng lãnh thổ mà Malaysia coi là một bang và đang kiểm soát. "Điều này dẫn đến việc ASEAN thực sự không thể tìm được tiếng nói chung về Trung Quốc".
Bất chấp tàu chiến và ngư dân của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, quan hệ quốc phòng giữa Malaysia và Trung Quốc vẫn "rất thân thiết", theo nhà phân tích chính trị Azmi Hassan, Đại học Công nghệ Malaysia (UTM).
Trong những năm gần đây, tàu ngầm Trung Quốc đã cập cảng hải quân Sepanggar ở bang Sabah để tiếp nhiên liệu, và việc này dự kiến còn tiếp diễn, chuyên gia Azmi cho hay.
"Không có gì bí mật về việc Malaysia tiếp đón các tàu chiến và tàu ngầm Trung Quốc một cách khá thường xuyên, ngoại trừ việc truyền thông địa phương hiếm khi đưa tin do tính nhạy cảm của vấn đề", ông nói.
Ông nói rằng các tàu chiến gắn với nhiệm vụ ở Biển Đông và lý do chúng được phép cập cảng là để "chứng minh rằng Malaysia không coi Trung Quốc là kẻ thù" và rằng vấn đề Biển Đông có thể được giải quyết một cách "hòa nhã".
"So với Mỹ, Trung Quốc sẽ luôn là đối tác đáng tin cậy hơn (đối với Malaysia) không chỉ trong thương mại mà trong toàn bộ lĩnh vực khác… vì mối quan hệ này dựa trên sự tin cậy lẫn nhau và hai bên cùng có lợi", ông nói.