Sau khi thăm Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của quân đội Mỹ ở Hawaii, và gặp gỡ những người đồng cấp ở Tokyo và Seoul, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến New Delhi hôm 19/3 trong chặng cuối cùng của chuyến công tác tại khu vực.
Ông Austin đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Cố vấn An ninh quốc gia Ajit Doval, ca ngợi "sự tham gia ngày càng tăng của New Delhi với các đối tác cùng chí hướng tại khu vực, để thúc đẩy các mục tiêu chung", Nikkei Asia dẫn thông báo của Lầu Năm Góc.
Hai bên tái khẳng định cam kết thúc đẩy trật tự tự do và mở ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng sâu rộng và mạnh mẽ.
Ấn Độ là một trong bốn thành viên của nhóm "Bộ Tứ", bên cạnh Mỹ, Nhật Bản, Australia. Nhóm này đang cố gắng tìm cách kiểm soát ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.
Chuyến công tác của ông Austin đến Ấn Độ diễn ra ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kết thúc cuộc gặp sóng gió với các nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc tại Alaska, Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 19/3. Ảnh: Twitter. |
Về mặt chính thức, Ấn Độ không phải là đồng minh của Mỹ. Song trong căng thẳng hiện tại với Trung Quốc, việc đó có thể chỉ là hình thức. Với tư cách "đối tác quốc phòng lớn của Mỹ", New Delhi sẽ là một phần quan trọng trong sách lược của ông Austin, theo Nikkei Asia.
"Một điều thú vị cần theo dõi là liệu mối quan hệ có tăng tốc sau chuyến thăm hay không", Sameer Lalwani, giám đốc chương trình Nam Á của Trung tâm Stimson, cho biết.
Ông Lalwani cho rằng phía Mỹ có thể chia sẻ kinh nghiệm, khuyến khích sự thay đổi về tần suất, phạm vi và độ phức tạp của các cuộc tập trận chung. Hai bên cũng có thể thảo luận về việc bán vũ khí giúp Ấn Độ nhanh chóng tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe.
Ấn Độ có những điều mà các nước lớn khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không có: Kinh nghiệm giao tranh quân sự với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Năm ngoái, tại thung lũng Galwan thuộc vùng Ladakh trên dãy Himalaya, PLA và lính Ấn Độ đã đụng độ. Kết quả của cuộc giao tranh nghiêm trọng nhất trong 4 thập kỷ khiến New Delhi bối rối: 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và các vị trí của Ấn Độ bị chiếm đóng.
Từ khủng hoảng, Washington nhìn thấy cơ hội. Để giữ Trung Quốc trong tầm kiểm soát, Mỹ cần Ấn Độ bớt đi tính phi liên kết và tăng cường hợp tác dù chưa thực sự là đồng minh.
Trong trường hợp không có hiệp ước phòng thủ chung, các quan chức Lầu Năm Góc cho biết họ đang tiến tới New Delhi với các đề nghị cung cấp vũ khí, khả năng tương tác với quân đội Mỹ, chỉ huy và kiểm soát chung, và thậm chí là chia sẻ thông tin.
"Mối lo ngại chung đối với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là điều ràng buộc họ", nhà phân tích Akhil Bery của Eurasia Group nói.
"Dưới thời Thủ tướng Modi, Ấn Độ có sự bao bọc của Mỹ. Ông Modi nhận ra rằng để trở thành nền kinh tế trị giá 5.000 tỷ USD, Ấn Độ không thể làm gì nếu không có công nghệ và đầu tư của Mỹ. Và khi nước này phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc ở biên giới, Ấn Độ tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng với Mỹ", ông nói.
Song Trung Quốc không phải là nhân tố ràng buộc duy nhất.
"Ấn Độ là cường quốc kinh tế và hàng hải có tiềm năng to lớn để định hình cục diện đa cực ở châu Á, nhưng sự trỗi dậy của nước này không đe dọa lợi ích của Mỹ do vị trí địa lý, tham vọng và thể chế của nước này", chuyên gia Lalwani của Trung tâm Stimson nói.
"Chuyến thăm (của ông Austin) báo hiệu tầm quan trọng của Ấn Độ ngay sau các đồng minh châu Á quan trọng nhất của Mỹ, thể hiện sự liên tục đầu tư vào quan hệ đối tác quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ", ông nhận xét. "Đây cũng là cơ hội gặp gỡ 'làm quen' giữa đội ngũ chiến lược lâu năm của Ấn Độ với ông Austin và đội ngũ mới".