Tại cuộc hội đàm ở Tokyo ngày 16/3, các bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng Mỹ và Nhật Bản ra tuyên bố chung về hành vi của Trung Quốc. Các quan chức hàng đầu của hai quốc gia đồng minh cam kết chống lại "hành vi ép buộc và gây bất ổn" trong khu vực, theo AFP.
“Mỹ và Nhật Bản thừa nhận rằng những hành vi của Trung Quốc, vốn không phù hợp với trật tự quốc tế hiện có, đặt ra những thách thức chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ”, bốn bộ trưởng viết trong tuyên bố. “Các bộ trưởng cam kết phản đối hành vi ép buộc và gây bất ổn đối với những quốc gia khác trong khu vực", tuyên bố chung viết.
Cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (bên trái) và Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi (phải) tại Tokyo ngày 16/3. Ảnh: AP. |
Vào cuối ngày 15/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đến Tokyo. Đây là chuyến công du nước ngoài cấp bộ trưởng đầu tiên của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden, theo AP.
Trong bài phát biểu khai mạc phiên họp riêng với người đồng cấp Nhật Bản, ông Blinken cho biết “không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi chọn Nhật Bản cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên cấp Nội các” của chính quyền ông Biden. Bộ trưởng Austin "ở đây để tái khẳng định cam kết của chúng tôi với liên minh và xây dựng liên minh đó".
Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ sẽ làm việc với các đồng minh để đạt được “tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở”.
Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi hy vọng hai bên thảo luận về hoạt động ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như về cách hai nước có thể tăng cường khả năng phản ứng và răn đe để đáp trả Bắc Kinh.
Tokyo coi các hoạt động phi pháp trên biển của Trung Quốc là mối đe dọa an ninh, đặc biệt là việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát, còn được Bắc Kinh gọi là quần đảo Điếu Ngư.
Hai bộ trưởng Mỹ hội đàm riêng với người đồng cấp Nhật Bản, tức Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi, trước khi có cuộc đàm phán bốn người về vấn đề an ninh vào ngày 16/3.
Việc Tổng thống Biden cử hai bộ trưởng chủ chốt của Mỹ đến Tokyo - thay vì đón các quan chức Nhật Bản ở Washington - có ý nghĩa rất lớn đối với quốc gia châu Á, bởi Tokyo vốn coi quan hệ đồng minh với Mỹ là nền tảng trong chính sách ngoại giao và an ninh của nước này.