Tại Hội nghị triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 diễn ra tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định dự án cao tốc Bắc - Nam phải có chất lượng cao nhất, hoàn thành trong thời gian ngắn nhất.
Kinh phí ít, không áp dụng công nghệ hiện đại
Bên lề hội nghị, nhiều cơ quan báo chí đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể xung quanh chất lượng công trình cao tốc Bắc - Nam, khi vừa qua một số dự án được đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng vừa đưa vào sử dụng thì xảy ra sụt lún, thấm dột.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời báo chí ngày 21/2. Ảnh: An Bình. |
Ông Nguyễn Văn Thể cho rằng làm cao tốc thì yêu cầu quan trọng nhất vẫn là chất lượng kỹ thuật; tuy nhiên, ở nước ta đang được thực hiện với nhiều phương pháp khác nhau, không đồng nhất.
Lý giải vấn đề trên vị bộ trưởng cho biết vấn đề nằm ở kinh phí dành cho dự án đó. Khi kinh phí ít, dự án không thể áp dụng công nghệ, giải pháp thi công hiện đại được. Lúc này, chúng ta phải xây dựng theo kiểu truyền thống nên rủi ro về chất lượng cao.
Tuy nhiên, ông Thể cho rằng cao tốc trên tuyến Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia, yêu cầu về chất lượng luôn được đặt lên trên hết, vì vậy sẽ được áp dụng công nghệ, giải pháp hiện đại để thi công.
“Các dự án của cao tốc Bắc - Nam sẽ tiến hành đấu thầu quốc tế, chúng tôi sẽ lựa chọn những nhà thầu, đơn vị giám sát có uy tín nhằm đảm bảo công trình có chất lượng tốt nhất. Bộ GTVT sẽ tăng cường công tác giám sát, kiểm tra chặt về chất lượng trong suốt quá trình triển khai dự án”, ông Thể nói.
14.000 tỷ dành cho giải phóng mặt bằng
Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện ngân sách đã bố trí hơn 14.000 tỷ cho các dự án cao tốc Bắc - Nam. Số tiền này sẽ được bàn giao cho các địa phương ngay khi công tác kiểm kê, giải phóng mặt bằng chuẩn bị xong.
Trong 11 dự án, có 3 dự án dùng vốn từ ngân sách Nhà nước, gồm: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Hà Tĩnh), Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa) và Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận), từ tháng 6-12/2019 gói thầu nào đạt yêu cầu thì triển khai thi công ngay.
Đoàn công tác của Bộ GTVT kiểm tra thực địa dự án tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Q.H. |
8 dự án theo hình thức PPP còn lại gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn – quốc lộ 45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Phan Thiết - Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2 đã được Thủ tướng phê duyệt khung chính sách.
Sắp tới, Bộ GTVT tiến hành sơ tuyển các nhà đầu tư, tổ chức đấu thầu quốc tế và đặt mục tiêu đến cuối năm 2019 sẽ chọn được các nhà đầu tư chính.
Tổng chiều dài tuyến cao tốc Bắc - Nam khoảng hơn 2.100 km, chạy qua 32 tỉnh, thành phố và được đầu tư theo ba giai đoạn:
Giai đoạn một (2017-2020) dự kiến đầu tư 654 km, chia thành 11 dự án thành phần, đi qua 13 tỉnh thành. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 118.700 tỷ đồng.
Giai đoạn hai (2021-2025): Chính phủ đề xuất đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang, nâng cấp, đưa vào sử dụng đoạn La Sơn - Túy Loan từ 2 lên 4 làn xe.
Giai đoạn sau năm 2025: Đầu tư, khai thác đoạn Cần Thơ - TP Cà Mau. Hai giai đoạn này sẽ đầu tư thêm hơn 700 km cao tốc.
Theo đó, trong giai đoạn một, hơn 8.200 hộ dân bị ảnh hưởng, hơn 2.000 hộ tái định cư. Tổng số tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho giai đoạn này là 14.000 tỷ đồng.