Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: 'Có tiền mới có được dự án'

"Nếu không thu xếp được vốn tín dụng, không đủ điều kiện thì không khởi công được, rồi muốn khởi công phải báo cáo lại Quốc hội. Phải có tiền mới có được dự án", Bộ trưởng Thể nói.

Chủ trương về chuyển đổi đầu tư một số dự án của cao tốc Bắc - Nam được Quốc hội thảo luận tại hội trường chiều 11/6. Nhiều đại biểu đồng tình, song vẫn băn khoăn về tính khả thi khi tiến hành chuyển đổi.

Lo tăng nợ công

Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong mở đầu bài phát biểu bằng thông tin dẫn trên báo chí: "Ở Vân Nam - Trung Quốc, một vài năm người ta làm 2.000 km đường cao tốc, còn của ta mấy chục năm chỉ có vài trăm km, thấy cũng xót xa".

Theo ông, đường cao tốc Bắc - Nam là hệ thống huyết mạch của quốc gia, có thể góp phần phát triển kinh tế đất nước.

chuyen doi 3 du an cua cao toc Bac Nam anh 1

Đại biểu Đặng Thuần Phong chia sẻ xót xa khi "Việt Nam mấy chục năm chỉ có 400 km đường cao tốc". Ảnh: Quochoi.vn.

Nhấn mạnh cao tốc Bắc - Nam là ước mơ của người dân, ông Phong đề nghị Bộ trưởng GTVT làm rõ nhiều vấn đề: liệu những năm sau 5 dự án còn lại không làm PPP nữa thì có đưa vào đầu tư công không? Nếu bổ sung 3 dự án này trên 100.000 tỷ vào vốn đầu tư công thì bao nhiêu dự án khác sẽ bị đẩy ra? Nếu đồng ý chủ trương này chắc chắn sẽ tăng nợ công, mất cân đối trong điều hành chính sách đầu tư vốn trung hạn, như vậy có thỏa đáng hay không?.

Nữ đại biểu Hà Nội Vũ Thị Lưu Mai nhận định việc chuyển đổi một số dự án của cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công dù do chủ quan hay khách quan cũng dẫn đến nhiều hệ quả.

Trước hết, ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển; ảnh hưởng đến tính chủ động của ngân sách Nhà nước.

Việc này cũng làm lãng phí cơ hội, lãng phí tiền bạc, thời gian, chi phí và sức lực con người. Đặc biệt, việc này ít nhiều có tác động đến dư luận xã hội và tạo tiền lệ cho giai đoạn về sau.

Bởi vậy, bà Mai đề nghị luật phải quy định rất rõ trách nhiệm trong đảm bảo tính khả thi của việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách đối với các tổ chức, cá nhân đề xuất dự án, thẩm định dự án, quyết định dự án. "Việc chuyển đổi chỉ thực hiện trong trường hợp bất khả kháng", bà Mai nói.

Dù đồng ý với chủ trương này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) vẫn có những băn khoăn.

Ông lo việc này sẽ khó cho Chính phủ để đảm bảo có đủ vốn cho sự điều chỉnh này, là 23.461 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, khi đất nước vừa mới tạm ổn với đại dịch Covid-19, vấn đề giải phóng mặt bằng mới được 73%, phần còn lại chắc cũng không dễ. “Như vậy, áp lực về tiến độ khi dùng vốn của Nhà nước là không nhỏ”, ông Trí nói.

chuyen doi 3 du an cua cao toc Bac Nam anh 2

Đại biểu Nguyễn Anh Trí lo việc chuyển đổi một số dự án của cao tốc Bắc - Nam sẽ khó cho Chính phủ để đảm bảo có đủ vốn 23.461 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Quochoi.vn.

Cũng từ việc này, nam đại biểu cho rằng phải rút ra được bài học kinh nghiệm. Cụ thể, Bộ GTVT cần rút kinh nghiệm trong việc trình dự án, xem xét thấu đáo các khía cạnh có về tài chính, tính hiệu quả của dự án.

“Tờ trình lần này viết rất hay, rất thuyết phục. Tại sao trước đây không nêu ra thật rõ cho Quốc hội biết những ý hay, ý tốt này để Quốc hội quyết định cho đúng, tránh việc bấm nút thông qua chưa lâu thì nay lại phải điều chỉnh”, ông Trí chia sẻ.

"Có tiền mới có được dự án"

“Tôi cũng thấy rất lạ, nghiên cứu lại báo cáo của Chính phủ khi trình 8 đoạn sẽ sử dụng hình thức PPP thì thấy rất thuyết phục. Đến nay xin chuyển, thậm chí lúc ban đầu chuyển 8 đoạn này dùng ngân sách Nhà nước cũng thuyết phục”, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) phát biểu.

Theo ông, phải đặt vấn đề về tính chính xác và tính khả thi của dự án đến đâu.

Lần này, ông đề nghị Chính phủ phải có giải pháp đồng bộ, tránh tình trạng 5 đoạn còn lại cũng không PPP được nữa lại tiếp tục xin chuyển bằng ngân sách Nhà nước.

chuyen doi 3 du an cua cao toc Bac Nam anh 3

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết nếu không thu xếp được vốn tín dụng, không đủ điều kiện thì không khởi công được các dự án của cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Quochoi.vn.

Giải trình làm rõ các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết mặc dù việc đầu tư 11 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam được quyết định chủ trương đầu tư từ tháng 11/2017, Bộ GTVT phải làm nhiều quy trình, thủ tục, đến tháng 6/2019 mới tiến hành đấu thầu quốc tế.

"Khi trình chủ trương đầu tư, chúng ta xác định thu hút nhà đầu tư nước ngoài vì nguồn lực trong nước có hạn. Đến tháng 9/2019, chúng ta có 32 nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, nưng cân nhắc nhiều mặt, trong đó có yếu tố an ninh - quốc phòng nên lại quyết định chỉ lựa chọn nhà đầu tư trong nước", ông Thể lý giải.

Đề cập đến băn khoăn “liệu 5 dự án còn lại của cao tốc Bắc - Nam có thành công hay không”, Tư lệnh ngành giao thông cho biết 5 dự án còn lại phải huy động hơn 22.000 tỷ, bình quân mỗi dự án phải thu hút hơn 4.000 tỷ. Đây là một vấn đề rất khó khăn.

Nếu chúng ta không thu xếp được vốn tín dụng, không đủ điều kiện thì không khởi công được. Không khởi công được thì muốn khởi công phải báo cáo lại Quốc hội.

“Quan trọng là có tiền chúng ta mới có được dự án”, ông Thể nhấn mạnh và chia sẻ thêm “áp lực rất lớn” khi quyết tâm thực hiện dự án này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Không ai dám làm sai trong điều kiện này

"Với tất cả công trình xây dựng cơ bản, không phân biệt Bộ GTVT hay bộ, địa phương nào, tất cả chủ đầu tư đều ăn ngủ không yên", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm