Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

ĐBQH lo làm cao tốc Bắc - Nam bằng vốn đầu tư công 'chắc còn lâu lắm'

Dẫn một số công trình do tư nhân đầu tư được làm rất nhanh, đại biểu Đỗ Văn Sinh lo ngại nếu chuyển một số dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công sẽ lại chậm tiến độ.

Ngày 1/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí chọn phương án chuyển đổi 3/8 dự án của cao tốc Bắc - Nam sang hình thức đầu tư công, gồm 2 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây) và 1 dự án không có nhà đầu tư (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết).

Với phương án này, tổng mức đầu tư 100.816 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Nhà nước 78.461 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách 22.355 tỷ đồng.

Bên hành lang Quốc hội sáng 8/6, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh đã dành thời gian trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này. Ủy ban Kinh tế là cơ quan thẩm tra tờ trình của Chính phủ về việc chuyển đổi hình thức đầu tư với các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Không nghĩ đầu tư công nhanh hơn PPP

- Ông đánh giá thế nào về phương án chuyển đổi 3/8 dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam từ đầu tư theo hình thức PPP sang đầu tư công?

- Dù có 7/8 đoạn của cao tốc Bắc - Nam đã có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, theo đánh giá của Chính phủ, những nhà đầu tư này có năng lực thi công tốt, nhưng một số nhà đầu tư huy động nguồn lực còn hạn chế.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi sang đầu tư công có mục tiêu là muốn đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư, góp phần tăng trưởng GDP.

dai bieu Quoc hoi lo cao toc Bac Nam cham tien do anh 1

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh cho rằng cần cung cấp thêm thông tin và có giải trình thuyết phục cho các ĐBQH về việc chuyển một số đoạn cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công. Ảnh: Q. Phúc.

Tôi đồng tình với 2 mục tiêu đó, nhưng vấn đề đặt ra là chưa tổ chức đấu thầu thì làm sao biết đủ năng lực hay không? Trên thực tế, chúng tôi đã trao đổi với các nhà đầu tư thì họ vẫn nói đã cam kết thì sẽ thực hiện, nếu không họ vi phạm hợp đồng, mất đặt cọc.

Còn một vấn đề nữa mà đại biểu Quốc hội chúng tôi rất băn khoăn. Đó là từ xưa đến nay chúng ta rất muốn làm Luật PPP để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, vừa thu hút tăng nguồn lực tài chính, vừa tăng năng lực quản trị tốt để hiệu làm quả hơn, minh bạch hơn.

Chúng ta đang làm luật và kỳ này Quốc hội sẽ thông qua Luật PPP, nhưng cũng trong kỳ này lại quyết chuyển một số dự án từ PPP sang đầu tư công. Nếu không có thông tin đầy đủ, phân tích có cơ sở khoa học thì đây là vấn đề cần phải cân nhắc.

Chính phủ cho rằng đầu tư công sẽ nhanh hơn đầu tư PPP, tôi thì lại nghĩ không phải như vậy.

Thực tế vừa qua, gần như tất cả dự án đầu tư công đều chậm tiến độ. Nhưng khi nhà đầu tư đấu thầu theo hình thức PPP, người ta triển khai rất nhanh. Cơ chế họ tự quyết được vì tiền của họ. Một số dự án của tư nhân đầu tư như sân bay Vân Đồn làm rất nhanh. Thậm chí, một số dự án năng lượng vừa rồi, người ta làm mấy tháng là xong. Còn ta làm với đầu tư công, chắc còn lâu lắm.

Vì thế, việc chuyển đổi hình thức đầu tư phải cụ thể và có minh chứng rõ ràng. Còn vừa rồi tính thuyết phục chưa cao.

Chính phủ cũng đặt vấn đề xin một số cơ chế, tôi nghĩ cơ chế đã đủ hết rồi, nhưng làm vẫn chậm. Từ năm 2017 đến nay mới triển khai được 3 dự án đầu tư công, còn tất cả đã làm được cái nào đâu, giờ lại xin chuyển đổi.

Theo tôi, việc này cần phải cung cấp thêm thông tin cho ĐBQH, cũng như có giải trình thuyết phục.

"Người khỏe mạnh sẽ làm tốt hơn người khiếm khuyết"

- Vừa rồi Bộ Xây dựng đề xuất chỉ định thầu cho Tổng Công ty sông Đà làm một số đoạn cao tốc Bắc Nam. Song điều đáng nói là công ty này đang có khoản nợ rất lớn với 11.000 tỷ? Ông nghĩ sao về đề xuất này?

- Đây là việc của Chính phủ, khi triển khai thì phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện có 2 hình thức: Một là đấu thầu, hai là chỉ định thầu.

Về mặt nguyên tắc thì ưu tiên đấu thầu vì sẽ chọn được những nhà thầu đủ năng lực, trình độ để triển khai tốt nhất theo yêu cầu của gói thầu. Nhưng cũng có trường hợp có thể chỉ định thầu theo quy định của pháp luật. Còn chỉ định ai thì phải đủ năng lực, đáp ứng được yêu cầu. Nếu đơn vị được chỉ định làm trễ hẹn, người chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm.

dai bieu Quoc hoi lo cao toc Bac Nam cham tien do anh 2

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí chọn phương án chuyển đổi 3/8 dự án của cao tốc Bắc - Nam sang hình thức đầu tư công. Ảnh: Hoàng Hà.

Nhưng muốn chỉ định thầu phải xác định được tiêu chỉ để chỉ định như phải có năng lực thi công, có năng lực tài chính. Nếu không có năng lực tài chính thì lấy đâu để thi công. Và rõ ràng, nếu người ta khỏe về mọi mặt thì người ta sẽ làm tốt hơn. Một người khoẻ mạnh bao giờ cũng tốt hơn người bị khiếm khuyết.

- Ông có nhắc đến vấn đề trách nhiệm của người được giao chỉ định thầu hay đấu thầu, nhưng thực tế rất khó nói. Ví dụ như câu chuyện đường sắt đô thị liên tiếp chậm tiến độ cũng chưa thấy ai chịu trách nhiệm?

- Đó là chuyện thực sự rất đáng buồn. Nếu trên thứ giới một việc xảy ra như vậy, tư lệnh ngành ít nhất phải chịu trách nhiệm chính trị, người ta xin từ chức ngay. Còn ở mình có đâu. Cái đó gọi là văn hoá, chúng ta phải xem lại.

Trên thực tế rất nhiều lĩnh vực chậm trễ và không ai chịu trách nhiệm chứ không chỉ đường sắt đô thị đâu, từ việc cổ phần hoá chậm trễ, Chính phủ chỉ đạo rất nhiều nhưng cuối cùng vẫn, không ai bị sao. Đó là việc ta làm chưa nghiêm.

Với đường sắt đô thị, tôi thấy rằng đến một lúc nào đó cũng cần Quốc hội giám sát. Không chỉ một dự án này mà tất cả những dự án có quy mô lớn, mang tính chất điển hình nhưng lại gây bức xúc.

Qua giám sát chúng ta rà soát lại xem vướng mắc do nguyên nhân từ đâu, có phải do pháp luật không? Nếu từ pháp luật thì Quốc hội phải xem xét để sửa luật hoặc nếu do tổ chức thực hiện thì cũng phải kiến nghị sang để các cấp để tổ chức thực hiện tốt hơn.

Bộ Chính trị đồng ý cho đầu tư công một số đoạn cao tốc Bắc - Nam

Chủ tịch Quốc hội cho biết Bộ Chính trị đã kết luận không chuyển hết cả 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công mà chỉ xem xét chuyển một số.

Hoài Vũ ghi

Bạn có thể quan tâm