Tại buổi chất vấn chiều 31/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) đặt câu hỏi tới tân Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng về việc xử lý SIM rác.
Chấm dứt SIM rác được không?
Đại biểu cho rằng từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cho đến Quốc hội khóa này, nhiều lần đại biểu chất vấn Bộ TTTT về nạn sim rác. Tuy Bộ đã có giải pháp quyết liệt nhưng tình trạng SIM rác vẫn còn tồn tại. Ông hỏi Bộ trưởng có chấm dứt được sim rác không.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cái gốc để xử lý vấn đề này nằm ở chỗ chúng ta phải có một cơ sở dữ liệu công dân chính xác, phải xác định được mối quan hệ giữa người đến đăng ký gắn vào SIM và gắn vào CMND.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Ngọc Duy. |
Với CMND hiện nay, nhiều nước đã cài vào ID duy nhất, ảnh, vân tay. Khi người đến đăng ký SIM chỉ cần chìa CMND ra cắm vào máy là hiện vân tay và ảnh. Công ty cung cấp SIM chỉ cần chụp ảnh và so với cơ sở dữ liệu đấy. Nếu ảnh trùng với ảnh trong CMND thì đây đúng là người sở hữu CMND đó.
“Như thế SIM sẽ gắn vào CMND và gắn vào đúng người đó. Đây là giải pháp căn cơ nhất”, ông nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng vừa qua việc giải quyết nạn SIM rác chưa căn cơ được, dù dùng khá nhiều biện pháp.
“Việc xử lý SIM rác cũng tốt lên nhưng tôi nghĩ để thực sự căn cơ có lẽ chúng ta nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu công dân. Cái này không chỉ riêng cho câu chuyện sim rác mà cho cả câu chuyện Chính phủ điện tử”, ông chia sẻ trước Quốc hội.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) tranh luận lại với Bộ trưởng, nhấn mạnh từ SIM có thể tạo ra tin độc, tin xấu, tin vu khống rồi tống tiền, phỉ báng. Đại biểu cho rằng chờ đến bao giờ mà cơ sở dữ liệu về quốc gia và về dân cư hoàn thiện thì quá bị động.
Đã thu hồi 24 triệu SIM rác, 50% từ Viettel
Sáng 1/11, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã thông tin thêm tới đại biểu về giải pháp xử lý SIM rác đến khi có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ông cho rằng SIM rác là khái niệm chưa được định nghĩa trong văn bản pháp luật. Đây là từ thường dùng để chỉ SIM không có thông tin chính xác về người dùng và không tìm ra người dùng. SIM rác tồn tại dưới 2 dạng: SIM kích hoạt sẵn tồn tại trên kênh phân phối, có thể mua dễ dàng và SIM đã đến tay người dùng.
“Hôm qua tôi nói giải pháp căn cơ là người dùng SIM phải chính danh, đăng ký đầy đủ thông tin, mà cái gốc là cơ sở dữ liệu căn cước công dân có số CMND, ảnh, vân tay để khi đăng ký chính xác đúng người, đúng SIM”, ông chia sẻ.
Từ tháng 7/2017, Bộ TTTT đã thu hồi được 24 triệu SIM rác. Ảnh: NM. |
Bộ trưởng cũng cho biết khi chưa có cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Bộ TTTT đã làm một số giải pháp, đó là thu hồi SIM rác. Từ cuối năm 2016, các nhà mạng đã tiến hành thu hồi SIM rác kích hoạt sẵn trên kênh phân phối. Từ tháng 7/2017 đến nay đã thu hồi được 24 triệu SIM, trong đó 50% thuộc về nhà mạng lớn nhất là Viettel.
Thứ hai là đăng ký lại thông tin thuê bao. Từ 7/2017 các nhà mạng tổ chức đăng ký lại trong đó có chụp ảnh, những thuê bao chưa đủ thông tin mà không đăng ký lại thì kiên quyết cắt dịch vụ.
Nói về công việc sắp tới Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng với SIM mới phải kiên quyết đăng ký đầy đủ thông tin, gồm cả chụp ảnh. Thứ hai, các nhà mạng không đưa ra thị trường SIM giá rẻ để người sử dụng SIM thay thẻ điện thoại.
Thứ ba là nghiên cứu công nghệ nhận dạng và xác thực ảnh thực với ảnh chụp CMND. Bộ TTTT đã giao tập đoàn VNPT phát triển công nghệ này, dự kiến quý III/2019 xong. Công nghệ này không chỉ giúp đăng ký SIM mà còn xác thực nhiều loại thẻ và dịch vụ khác.
“Làm được ba việc này sẽ giải quyết được vấn đề SIM rác một cách đáng kể, trong khi chúng ta đang chờ giải pháp căn cơ là xây dựng dữ liệu căn cước công dân”, ông nói.