Những tư duy và hành động đột phá của ông đã lèo lái con thuyền Viettel trở thành tập đoàn lớn nhất Việt Nam. Trong 3 tháng trên cương vị quyền Bộ trưởng ông cũng thể hiện những tư duy rất mới.
Tự tin điều phối bằng tiếng Anh tại Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 sáng 12/9 trước những chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, ông Nguyễn Mạnh Hùng, lúc đó là quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT), gây ấn tượng mạnh nhờ sự am hiểu về công nghệ cũng như tầm nhìn của người từng lãnh đạo một tập đoàn viễn thông lớn..
Từ vị trí người đứng đầu Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng nhận nhiệm vụ quyền Bộ trưởng TT&TT cuối tháng 7/2018.
Dù mới được gần 3 tháng nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng đang tạo ra những thay đổi lớn và tích cực trong cách Bộ này tiếp cận những tiến bộ nhanh chóng của ngành công nghệ thông tin và viễn thông (CNTT - VT) trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0).
Biệt danh mà nhiều người nhớ tới nhất về tướng Hùng chắc chắn là "nhạc trưởng của Viettel". Trong gần 30 năm công tác tại Viettel, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã để lại nhiều dấu ấn có tính quyết định tương lai của tập đoàn này.
Viettel có xuất phát điểm chậm hơn chính các nhà mạng trong nước và có thời điểm không có đủ nguồn lực để đầu tư hạ tầng viễn thông. Nhờ sự năng động của ông Nguyễn Mạnh Hùng cùng sự táo bạo của những người lính làm kinh tế, nhà mạng quân đội khi đó đã mạnh dạn mua trả góp 4.000 trạm BTS 2G, một con số kỷ lục của viễn thông Việt Nam tại thời điểm đó.
“Anh Xuân (ông Hoàng Anh Xuân, TGĐ Viettel khi đó - PV.) sau khi nghe tôi trình bày phương án, nói: ‘Chơi luôn’. Và chúng tôi sau đó vượt qua được cửa tử về tiền”, ông Nguyễn Mạnh Hùng kể về "cú chơi tất tay" năm 2004.
Tới hết năm 2017, Viettel là doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất cho ngân sách quốc gia với doanh thu đạt 12 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 27%, có lợi nhuận lớn nhất đạt 42.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước lớn nhất đạt 41.000 tỷ đồng, thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam 2,6 tỷ USD. Hạ tầng băng rộng 4G của nhà mạng đã phủ đến 95% dân số đô thị và 90% dân số toàn quốc.
Về đầu tư nước ngoài, Viettel cũng là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên và duy nhất của Việt Nam kinh doanh dịch vụ viễn thông tại nhiều thị trường nước ngoài. Hiện nay, Viettel đã kinh doanh tại 10 thị trường nước ngoài trải dài từ châu Á, châu Phi đến châu Mỹ.
Kỷ niệm 10 năm Viettel đầu tư ra nước ngoài, ông Hùng đã khuyến khích người Viettel “thoát ra khỏi những khuôn mẫu cũ”, “làm một điều gì đó khác biệt”. Ông nhận xét: “Trong khó khăn luôn có cơ hội. Và vì chúng ta nhận ra cơ hội khi người khác chỉ thấy được rủi ro nên chúng ta luôn vươn lên mạnh mẽ và phát triển hơn trước”.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng còn là người định hướng đưa Viettel sang hướng phát triển mới khi thị trường viễn thông đã có dấu hiệu bão hòa. Từ một doanh nghiệp thuần tuý kinh doanh dịch vụ viễn thông, đến nay, qua tầm nhìn và điều hành trực tiếp của Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Viettel đã bổ sung cho mình 3 ngành công nghiệp hoàn toàn mới. Đây chính là cơ sở để đầu năm 2018, Chính phủ đã có quyết định thông qua điều lệ và đổi tên Tập đoàn Viễn thông Quân đội thành Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội.
"Cách mạng 4.0 tạo cơ hội cho ai dám thay đổi" là một trong những thông điệp mà ông Nguyễn Mạnh Hùng mang tới WEF ASEAN 2018 trong vai trò đồng chủ tọa hôm tháng 9.
Từng đảm nhiệm nhiều vị trí từ thấp tới cao tại một doanh nghiệp viễn thông, ông Hùng hiểu rõ tầm quan trọng của công nghệ trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội. Ông cũng hiểu rằng, những quốc gia như Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc CMCN 4.0.
Ông Hùng cho rằng mặt bằng chung của ASEAN vẫn là một khu vực đang phát triển. Đối với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn bị coi là “người đi sau”. Nhưng ông Hùng cho rằng đây cũng chính là sức mạnh riêng. Bởi chỉ những người đi sau và chưa có nhiều thành tựu mới sẵn sàng và đủ dũng cảm từ bỏ những cái cũ để thay đổi.
Tuy nhiên, tương lai của một quốc gia nhờ CMCN 4.0 không phụ thuộc nhiều vào nền tảng trong quá khứ. Cuộc cách mạng này giống như điểm khởi đầu mới cho những ai dám thay đổi, tiếp nhận những xu thế mới.
Ông Hùng cho rằng CMCN 4.0 thực chất là cách mạng về chính sách hơn là về công nghệ. Do đó, những quốc gia đang phát triển với hệ thống chính sách chưa đầy đủ và chặt chẽ sẽ là những nước có nhiều linh hoạt hơn để thay đổi và thích nghi với những xu thế phát triển mới của CMCN 4.0.
Các quốc gia đang phát triển nếu đột phá, tạo ra những thay đổi chưa từng nghĩ sẽ làm, sẽ linh hoạt trong việc đón nhận, thích nghi những mô hình, chính sách mới để từ đó phát triển thuận lợi hơn.
Tại WEF ASEAN 2018, người đứng đầu Bộ TT&TT cũng thể hiện sự tâm đắc với khái niệm “nhỏ hơn và thông minh hơn” khi nhận định, mỗi cuộc cách mạng công nghiệp mới đến, những công nghệ mới xuất hiện, các doanh nghiệp và xã hội đều có thể làm được nhiều việc hơn.
“Các doanh nghiệp có thể làm nhiều công việc của Chính phủ, sao cho Chính phủ nhỏ gọn hơn. Nếu Chính phủ nhỏ gọn hơn thì sẽ dễ trở thành thông minh và nhanh nhẹn hơn để thay đổi”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
"Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 xảy ra. Công nghệ thay đổi cách chúng ta sống, cách chúng ta quản lý, quản trị. Chúng ta cần phải thay đổi, không chỉ hưởng thụ nữa mà cần thay đổi tư duy”, ông Hùng chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ thay đổi nhanh chóng nhưng con người, Chính phủ lại không thể thay đổi nhanh như vậy được, đó là một thách thức.
Vì vậy, ông cho rằng, cần phải đào tạo con người có thể thích ứng với thay đổi. Không chỉ đào tạo về mặt công nghệ, giáo dục công nghệ mà còn đào tạo kỹ năng mềm, sẵn sàng cho sự thay đổi, dẫn dắt sự thay đổi. “Như vậy cách mạng 4.0 gần như là một cuộc cách mạng về tư duy”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Để bắt kịp sự thay đổi của CMCN 4.0, ông Hùng cho biết sẽ sớm ra mắt Vụ Công nghiệp Điện tử Viễn thông với nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất thiết bị đầu cuối, thiết bị mạng lưới "made in Việt Nam", đẩy mạnh ngành công nghiệp điện tử, trong đó có công nghiệp quốc phòng và phát triển IoT (Internet vạn vật).
Trong những cuộc họp đầu tiên, tư lệnh ngành TT&TT cũng quyết liệt thúc đẩy viễn thông Việt Nam bắt kịp xu hướng với công nghệ 5G. Ông yêu cầu Cục Tần số Vô tuyến điện phải nghiên cứu quy hoạch tần số để sớm triển khai thử nghiệm công nghệ 5G và báo cáo vấn đề này trong quý IV/2018.
"Thời đại ngày nay, đất nước muốn hùng mạnh thì bắt buộc phải dùng công nghệ", ông Hùng chia sẻ tại một sự kiện của Bộ TT&TT cuối tháng 8/2018.
Cả sự nghiệp gắn liền với CNTT - VT, ông Hùng hiểu rõ tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, học hỏi từ những quốc gia có nền CNTT phát triển để bắt kịp với thế giới trong cuộc CMCN 4.0.
Trong 3 tháng trên cương vị quyền Bộ trưởng ông liên tục có cuộc gặp với những doanh nghiệp hàng đầu thế giới nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho cả khối Chính phủ và doanh nghiệp cũng như học hỏi kinh nghiệm thực hiện quá trình này của các nước trên thế giới.
Các cuộc gặp đại diện doanh nghiệp, chuyên gia của ông Nguyễn Mạnh Hùng thể hiện rõ mục tiêu của ngành CNTT Việt Nam trong giai đoạn sắp tới, trong đó nổi bật 4 lĩnh vực cụ thể là An toàn an ninh mạng, Chuỗi nhà máy thông minh, Thành phố thông minh, Công nghiệp truyền thông số và Nông nghiệp thông minh.
Trao đổi với Zing.vn, nguyên Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Đỗ Trung Tá cho hay ông có cảm nhận rất tích cực về 3 tháng đầu tiên của ông Nguyễn Mạnh Hùng trong vai trò mới tại. "Tôi thấy anh Hùng mang lại cho Bộ Thông tin Truyền thông một không khí mới rất tốt. Ba tháng đầu tiên của anh cũng diễn ra thuận lợi và tạo ra nhiều thay đổi tốt".
Tuy nhiên, dư luận cũng không thể không đặt câu hỏi liệu cựu lãnh đạo Viettel nhận nhiệm vụ đứng đầu Bộ Thông tin Truyền thông có ưu ái cho Viettel? Đó là bài toán mà ông Hùng cần thời gian và sự công tâm để chứng minh.
Ba tháng là khoảng thời gian quá ngắn để đánh giá điều mà vị tư lệnh từng gửi gắm "Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phát triển với nỗ lực của tất cả cán bộ công chức, viên chức".
Ông Nguyễn Mạnh Hùng từng nói "muốn thay đổi, hãy thắt lại dây giày và tiến bước", và người lính trong lĩnh vực CNTT - VT gần 30 năm qua, đang là niềm hy vọng lớn với ngành thông tin truyền thông ở tầm quốc gia.