Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam là điểm đến hứa hẹn cho các nhà đầu tư bán dẫn. Ảnh: NIC. |
Phát biểu khai mạc Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 (SEMIExpo Viet Nam 2024) với chủ đề “Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam với lợi thế là quốc gia có nền chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng tốt liên tục trong nhiều năm, sở hữu nguồn nhân lực trẻ, dồi dào đang là điểm đến hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn.
Theo Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI), thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023-2028.
Mỗi sinh viên, kỹ sư là một viên gạch cho ngành bán dẫn
Trong bối cảnh hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ là nền tảng của công nghệ hiện đại, mà còn là yếu tố cốt lõi quyết định sức mạnh của nền kinh tế số, sự phát triển của các ngành công nghệ đột phá từ trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data) đến tự động hóa.
Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị thế giới đã thúc đẩy các quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tìm kiếm nguồn cung ứng linh kiện ổn định và bền vững hơn.
Nhận thức rõ về cơ hội này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn toàn cầu vào năm 2030 và trung tâm về công nghiệp bán dẫn và điện tử toàn cầu đến năm 2040.
“Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn hướng tới xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tiên tiến, hấp dẫn của khu vực và thế giới, giúp Việt Nam tự chủ và phát triển bền vững trong lĩnh vực này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Mỗi sinh viên, mỗi kỹ sư sẽ là một viên gạch xây dựng nên tòa nhà công nghiệp bán dẫn Việt Nam vững chắc
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Để thực hiện kế hoạch này, Chính phủ đã tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn của Việt Nam với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên, 1.300 giảng viên chuyên sâu về bán dẫn, xây dựng các phòng thí nghiệm cấp quốc gia và cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Bộ cũng đã chủ động triển khai Chương trình thông qua việc phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan; đồng hành cùng các doanh nghiệp, trường đại học hàng đầu trong nước và quốc tế để đưa các chương trình đào tạo và phần mềm hiện đại vào giảng dạy, đặc biệt trong các lĩnh vực như thiết kế vi mạch, kiểm thử và đóng gói.
Trong quá trình triển khai, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cũng đã hợp tác và tập hợp được sự tham gia, hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn như Cadence, Synosyps, Qorvo, Siemens, Marvell, ARM, Samsung…
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao NIC phối hợp với Bộ Ngoại giao Mỹ, Đại học bang Arizona khởi động và triển khai chương trình tại Việt Nam với mục tiêu đào tạo hơn 4.000 kỹ sư đóng gói, kiểm thử vi mạch từ nay đến hết năm 2025.
“Chúng tôi tin tưởng rằng với nền tảng đào tạo trình độ cao và sự tham gia của các đối tác uy tín, mỗi sinh viên, mỗi kỹ sư sẽ là một viên gạch xây dựng nên tòa nhà công nghiệp bán dẫn Việt Nam vững chắc”, Bộ trưởng Dũng nhận định.
Việt Nam đủ điều kiện phát triển ngành bán dẫn
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Không chỉ có nền chính trị ổn định, lãnh đạo Đảng, Nhà nước còn có quyết tâm trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ tiên tiến.
Với dân số hơn 100 triệu người trong giai đoạn “dân số vàng”, Việt Nam có nguồn nhân lực tiếp cận nhanh với các ngành khoa học, công nghệ và STEM, là nguồn nhân lực và thị trường đầy tiềm năng cho các ngành công nghệ cao.
Quy mô ngành bán dẫn Việt Nam có thể đạt 7 tỷ USD vào năm 2028. Ảnh: FairObserver. |
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đặt yêu cầu cao về chuyển đổi số toàn diện trong mọi ngành, lĩnh vực. Do đó, Việt Nam cũng đang là một khách hàng, đối tác lớn của các tập đoàn công nghệ trên thế giới như Google, Meta, Amazon với thị phần không ngừng mở rộng.
Thực tế, Việt Nam đã hình thành được hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn với sự tham gia của nhiều đối tác và doanh nghiệp công nghệ cao. Việt Nam cũng không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia, nền kinh tế có nền công nghiệp bán dẫn phát triển. Trước đó, chính phủ Mỹ đã lựa chọn Việt Nam là một trong 6 quốc gia trên thế giới để tham gia Quỹ Đổi mới sáng tạo và An ninh công nghệ (ITSI).
Bộ trưởng cho biết Việt Nam đã xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ cao.
Dự kiến trong năm 2024, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tạo tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao…
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Bình luận