Chiều 24/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis đến Việt Nam, bắt đầu chuyến công tác 2 ngày. Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, sẽ chủ trì lễ đón Bộ trưởng Mattis tại Hà Nội ngày 25/1. Việt Nam là chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du châu Á đầu tiên năm 2018 của người đứng đầu Lầu Năm Góc.
"Chuyến công tác Việt Nam và Indonesia lần này tiếp tục thể hiện mục đích quan trọng của quân đội Mỹ đối với duy trì quyền lực cân bằng ở Đông Á. Điều này cũng không chỉ phản ánh cam kết trong nhiệm kỳ của ông, mà nói lên tầm quan trọng mà Mỹ xác định với những đối tác an ninh như Việt Nam và Indonesia", Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) nói với Zing.vn.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis được người đồng cấp Indonesia tiếp đón ở Jakarta ngày 23/1. Ảnh: Reuters. |
Kiến trúc an ninh mạng lưới
Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) mới do Nhà Trắng khi công bố hồi tháng trước đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ an ninh mở rộng hợn với Indonesia và Việt Nam, nói Mỹ hướng đến "củng cố mối quan hệ với những nước này cùng các nước Đông Nam Á khác", để giúp họ trở thành những đối tác hợp tác hàng hải.
Trang The Diplomat nhận định chuyến công du của Bộ trưởng Mattis đến Việt Nam và Indonesia thể hiện "nỗ lực quan trọng của chính quyền Trump nhằm xây dựng 'kiến trúc mạng lưới an ninh' được mô tả trong Chiến lược Quốc phòng Quốc gia (NDS) của Lầu Năm Góc", nhằm thúc đẩy khu vực "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở".
Các chuyên gia và nhà quan sát khẳng định quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ vẫn tiếp tục dưới chính quyền Trump, trên cơ sở tiếp nối những nền tảng đạt được từ thời các chính quyền trước. Giáo sư Thayer nói chuyến đi lần này của Bộ trưởng Mattis đến Việt Nam là kết quả từ nội dung hợp tác quốc phòng được nêu trong tuyên bố chung giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch nước Trần Đại Quang hồi tháng 11/2017.
Theo GS Thayer, cả NSS của Nhà Trắng và NDS của Bộ Quốc phòng Mỹ đều thể hiện sự ưu tiên trong phát triển quan hệ với Việt Nam như một đối tác quốc phòng với Mỹ. Sự hợp tác trên các lĩnh vực như chia sẻ tình báo, điều phối phương pháp tiếp cận ở các tổ chức đa phương...
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch trao đổi cùng người đồng cấp Mỹ tại một sự kiện an ninh khu vực cuối năm 2017. Ảnh: DOD. |
Khi đến Việt Nam, Bộ trưởng Mattis được cho là sẽ nêu lên việc hợp tác quốc phòng song phương rộng lớn hơn, như đề nghị tăng cường tương tác hải quân, trao đổi tình báo, mua bán thiết bị công nghệ và vũ khí, thảo luận tình hình Biển Đông, vấn đề Triều Tiên, đề nghị nhiều tàu Mỹ được ghé thăm các cảng ở Việt Nam hơn...
"Bộ trưởng Mattis cũng có thể 'bật đèn xanh' rằng chính quyền Trump sẵn sàng đối xử ưu đãi và đề nghị Việt Nam mua vũ khí, nền tảng và công nghệ Mỹ. Hợp tác trong tương lai về sản xuất công nghệ quốc phòng, nêu trong Tuyên bố Tầm nhìn chung hồi năm 2015, cũng có thể được nêu ra trong cuộc hội đàm tuần này", vị chuyên gia người Australia nói.
Hơn nữa, ông Thayer nói việc Việt Nam tiếp đón bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Nga trong cùng một tuần "không phải là chuyện ngẫu nhiên", mà điều này khẳng định chính sách "đa dạng hóa, đa phương hóa" của Việt Nam với các cường quốc".
Do vậy, Giáo sư Thayer cũng cho rằng việc Việt Nam tiếp nhận tàu sân bay Mỹ ghé thăm vào tháng 3 này là "cử chỉ biểu tượng nhằm thể hiện nỗ lực cân bằng trong quan hệ với các cường quốc".
Tàu sân bay USS Carl Vinson hoạt động ở Thái Bình Dương năm 2017. Ảnh: AFP. |
Đây sẽ là lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam kể từ 1975, dấu hiệu cho thấy quan hệ hai nước đã cải thiện tích cực. "Đến nay Việt Nam luôn hoan nghênh sự hiện diện của hải quân Mỹ trong khu vực, miễn là việc này góp phần tích cực vào ổn định an ninh khu vực", ông nói.
Trước đó, trong chuyến công tác Việt Nam cuối năm 2017, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Harbison Swift nói ông rất trông đợi chuyến thăm đầu tiên của tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam. "Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của tàu sân bay Mỹ là sự mở rộng quan hệ đang phát triển giữa hai nước", ông nhấn mạnh.
Quan ngại tình hình Biển Đông
Trao đổi với báo chí trước chuyến đi, Bộ trưởng Mattis khẳng định tình hình Biển Đông chắc chắn là chủ đề quan trọng trong các cuộc hội đàm.
"Chúng tôi cùng chia sẻ Thái Bình Dương, vùng đại dương với tên gọi ý nghĩa về hoà bình, và chúng tôi muốn nó vẫn bình yên như vậy, để tất cả các nước có thể sử dụng, đi lại còn cuộc sống ở đây được thịnh vượng”, AFP dẫn lời Bộ trưởng Mattis nói với nhóm phóng viên tháp tùng.
Cả NSS và NDS đều nhấn mạnh hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông là "mối quan ngại lớn" với Mỹ. Do đó, NDS hướng tới xây dựng "kiến trúc an ninh mạng lưới có khả năng răn đe các hành vi gây hấn, duy trì ổn định và bảo đảm tự do đi lại trên những vùng biển mở".
Đối với Indonesia, Wall Street Journal cho biết Bộ trưởng Mattis từng gọi nước này là "điểm tựa hàng hải" trong khu vực. Theo tờ báo, Mỹ và Indonesia có thể hợp tác để nâng cao giám sát toàn diện khu vực quanh đảo Natuna thuộc Indonesia mà Trung Quốc "dòm ngó". Hồi năm ngoái, Indonesia đã gia tăng phòng thủ, tuần tra ở sườn phía nam đảo này.
Tiêm kích F/A-18 Hornet trên tàu sân bay Mỹ. Ảnh: US Navy. |
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu hôm qua nhận định tình hình Biển Đông có vẻ giảm bớt căng thẳng trong năm qua, Bắc Kinh dường như đang hợp tác nhiều hơn với các bên liên quan trong tranh chấp cũng như với ASEAN.
Tuy nhiên, so với đó, Giáo sư Thayer nói chính quyền Trump đến nay đã thực hiện các chuyến tàu tuần tra thể hiện quyền tự do hàng hải trên Biển Đông lại nhiều hơn cả với thời chính quyền Obama.
"Mỹ cũng thể hiện rõ sự quan ngại với các hành động quân sự hóa của Trung Quốc trong hàng loạt tuyên bố với các đối tác đồng minh chủ chốt như Đối thoại An ninh Tam phương Mỹ - Nhật - Australia hay Diễn đàn Quốc phòng Bộ Tứ Mỹ - Nhật - Australia - Ấn Độ", ông Thayer nói với Zing.vn.