Nhân dịp năm mới 2017, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng có cuộc trao đổi với báo chí về hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng trong nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo.
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh thông điệp xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động phục vụ nhân dân. Xin Bộ trưởng nói rõ hơn?
- Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ mới, Thủ tướng đã đưa ra thông điệp xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động. Chính phủ kiến tạo trước hết phải tập trung hoàn thiện thể chế, rà soát toàn bộ cơ chế chính sách, hành lang pháp lý theo hướng cắt giảm rào cản, tháo gỡ khó khăn cho người dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Các phiên họp Chính phủ sau đó luôn đặt nhiệm vụ xây dựng thể chế lên đầu tiên rồi mới bàn cụ thể các vấn đề kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Chính phủ kiến tạo phải chuyển mạnh hơn từ quản lý sang phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng thường nhắc cán bộ làm gì người dân đều biết, do vậy phải gương mẫu trong lời nói và hành động, nói đi đôi với làm dù trong bất cứ hoàn cảnh, vị trí nào.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác đến một số kho đông lạnh ở tỉnh Quảng Bình vào giữa tháng 12 vừa qua để nắm tình hình về vấn đề tiêu hủy, tiêu thụ hải sản tồn đọng ở các tỉnh miền Trung. Ảnh: Văn Được. |
- Việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng có ý nghĩa thế nào với mục tiêu này?
- Từ quan điểm xây dựng một Chính phủ kiến tạo và hành động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn có một tổ công tác trực tiếp giúp nắm những điều hành của Chính phủ khi giao cho các bộ, ngành, địa phương. Đây là một điểm mới, sáng tạo của Thủ tướng khi điều hành.
Ngày 19/8, Thủ tướng có quyết định thành lập Tổ công tác rất gọn, giao trực tiếp cho tôi làm Tổ trưởng và một số thành viên như thứ trưởng các bộ Tài chính, Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Nội vụ… Mới thành lập nhưng qua hoạt động của Tổ công tác đã ghi nhận những chuyển động tích cực.
Chỉ trong 5 tháng, Tổ đã kiểm tra ở 13 bộ, cơ quan, địa phương và tiến hành 4 cuộc kiểm tra chuyên đề khác. Đến nay, số nhiệm vụ quá hạn giảm 16,2% so với 31/7/2016 - thời điểm trước khi Tổ công tác thành lập. Còn nếu so với con số 25% nhiệm vụ quá hạn của năm 2015 thì năm 2016 chỉ là 2,82%.
Tuy nhiên, tác động tích cực nhất từ hoạt động của Tổ công tác là sự lan tỏa. Tất cả bộ, ngành, địa phương đều theo mô hình này, tạo ý thức tốt về trách nhiệm, kỷ luật. Lề lối làm việc cũng chuyển biến rất mạnh.
Trong thực tế, khi xuống các Bộ, ngành, địa phương, các đề xuất của các đơn vị, Tổ công tác về cùng với các cơ quan của Văn phòng Chính phủ đốc thúc các bộ và xử lý nhanh. Ví dụ vào tháng 10/2016, khi làm việc với TP.HCM, thành phố đề xuất thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm.
Khi thấy TP.HCM đề xuất điểm mới này, Tổ công tác báo cáo Thủ tướng, Thủ tướng đồng ý rất nhanh và ký quyết định thành lập ban trực thuộc UBND TP.HCM. Chức năng nhiệm vụ của 4 đơn vị (Công Thương, Nội vụ, Y tế, Bộ Nông nghiệp) giờ chỉ thuộc UBND thành phố, không đẻ thêm biên chế nhưng nhiệm vụ được thực hiện tốt hơn vì có một đầu mối duy nhất.
Tới ngày 25/12, Chính phủ, Thủ tướng đã giao hơn 10.000 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương nhưng chỉ còn 182 nhiệm vụ quá hạn, chậm trễ. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
- Làm thế nào để các chuyển động ban đầu này không đuối sức?
- Đúng là hiện nay kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp rất lớn. Để xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo là cả một quá trình chứ không phải nói làm một năm, hai năm mà hoàn thành được.
Giờ vẫn là đầu nhiệm kỳ Chính phủ, thời gian chưa dài nhưng chắc chắn với tinh thần quyết tâm của Thủ tướng, thành viên Chính phủ sẽ có những hành động rất quyết liệt. Nếu người đứng đầu địa phương không hoàn thành nhiệm vụ, trì trệ, mất đoàn kết, doanh nghiệp kêu ca... thì Thủ tướng sẵn sàng phê bình chứ không có chuyện xuê xoa.
Thủ tướng cũng chỉ đạo tạo cơ chế phân cấp mạnh cho địa phương. Ví dụ như TP.HCM, những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng thì uỷ quyền cho thành phố, giao cho thành phố xây dựng đề án thí điểm theo đúng tinh thần Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị.
Những gì luật ban hành nhưng chưa phù hợp thì cho phép thí điểm, những gì luật ban hành chưa kịp mà cuộc sống cần thì cũng cho phép thí điểm... Phân cấp mạnh để tránh tình trạng đẩy việc lên Chính phủ - những việc mà đáng ra bộ, ngành, địa phương phải làm nhưng né tránh.
Với những việc làm quyết liệt như vậy tôi tin toàn bộ máy sẽ chuyển động tích cực.
Ảnh: Hoài Phượng. |
- Là người đứng đầu Tổ công tác hẳn ông chịu nhiều sức ép?
- Khi chúng tôi đến các bộ ngành, địa phương làm việc, đều rất công khai, mời báo chí tham dự. Vì thế, tôi chịu sức ép rất lớn về điều này. Một số bộ trưởng hỏi: "Sao có nhiều báo chí thế". Tôi trả lời: "Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là phải minh bạch. Kiểm tra mà đóng cửa bảo nhau thì còn gì là minh bạch?"
Có những bộ mời Tổ công tác xuống 2-3 lần vì khi Tổ về kiểm tra đã giúp cho bộ trưởng ấy chuyển tải thông điệp của Thủ tướng xuống các cục, vụ... Nhưng cũng có bộ trưởng ý kiến: “Ông là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, sao ông phê bình tôi?”. Tôi trả lời là tôi không phê bình mà truyền đạt ý kiến của Thủ tướng.
Sức ép lớn ở chỗ là làm sao phải đúng vị thế, đúng mực, có trách nhiệm với đơn vị được kiểm tra, đánh giá. Còn cái quan trọng nhất để đánh giá được giá trị của Tổ công tác là khi xuống kiểm tra phải hỗ trợ, xử lý được nhiều vấn đề.
Tôi thường chia sẻ với anh em, Tổ công tác kiểm tra nhưng đằng sau đó là để hỗ trợ, cùng phối hợp tìm giải pháp tháo gỡ chứ không phải “bới lông tìm vết”.
- Đi kiểm tra thì không tránh khỏi va chạm, ông có e ngại về kết quả đánh giá tín nhiệm của mình sắp tới?
- Làm mà chỉ nghĩ nay mai bỏ phiếu thì không thể làm được đâu. Cứ vô tư làm, vì cái tâm, ai chưa hiểu thì dần sẽ hiểu, không nên đánh võng. Dân mình tinh lắm, dù có hình thức thế nào thì họ cũng biết hết.
Tôi quan điểm, làm việc phải có sự va chạm, phản biện. Còn nếu cứ xuôi chiều mát mái thì không giải quyết được gì. Cái gốc của vấn đề là hiệu quả và đặt mục tiêu trách nhiệm, vì dân lên hàng đầu.