Xuất hiện sớm trong cuộc phỏng vấn vào ngày cuối tuần, ông Mai Tiến Dũng - tân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) - cho hay, mấy ngày nay ông phải “chạy lên chạy về” liên tục giữa Hà Nội và Hà Nam để vừa nhận nhiệm vụ mới, vừa tiến hành bàn giao công việc của Bí thư tỉnh ủy cho người kế nhiệm.
Áp lực từ những người tiền nhiệm
- Trước hết, xin chúc mừng ông trên cương vị mới. Suy nghĩ đầu tiên của ông khi tiếp quản một vị trí mà nhiều người tiền nhiệm của ông được đánh giá cao?
- Việc các đồng chí tiền nhiệm làm tốt là áp lực rất lớn đối với tôi. Cái khó của tôi là quá trình công tác gắn liền với địa phương còn ở VPCP là tầm vĩ mô, liên quan đến các vấn đề quốc gia, quốc tế nên tôi thường nói về mình là "từ ngòi ra biển".
Ba người tiền nhiệm gần đây của ông Mai Tiến Dũng ở vị trí Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP hiện lần lượt là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên.
Tất nhiên, khó có thể tránh khỏi những vấp váp nhưng tôi chắc chắn sẽ làm hết sức. Hồi ở địa phương, tôi thường nói với anh em, người dân, doanh nghiệp có thể góp ý mình hạn chế về năng lực, chứ đừng để họ phê bình có năng lực mà thiếu trách nhiệm.
Có thể cái này mình chưa biết, chưa hiểu, hoặc hiểu nhưng cách làm chưa đạt hiệu quả cao nhất, như vậy người ta còn thông cảm được. Còn nếu giỏi mà đánh võng, cửa quyền, mặc cả là không được.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo rất rõ, Chính phủ mới phải đoàn kết nhất trí, hành động quyết liệt, lấy hiệu quả hiệu lực làm gốc, mục tiêu vì người dân, vì đất nước.
Tân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Nhật Bắc. |
- Nhắc đến tinh thần trách nhiệm, ông cảm nhận thế nào khi chuyển từ vai trò Bí thư Tỉnh ủy sang một tư lệnh ngành, chịu trách nhiệm cá nhân trước mọi quyết định của mình?
- Đây đúng là tâm tư, băn khoăn lo lắng nhất của tôi. Nhận nhiệm vụ mới này là một vinh dự lớn cho cả cá nhân và địa phương. Nhưng bất cứ ai trong hoàn cảnh này đều gặp thách thức, khó khăn.
Tuy nhiên, tôi có lòng tin hơn cả là tập thể lãnh đạo Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng và các cộng sự sẽ giúp tôi và VPCP vượt qua, biến chúng thành cơ hội.
- Việc chuyển giao sớm lần này được cho là một cơ hội để các Bộ trưởng sớm bắt tay vào công việc, đồng thời là bước thử thách trong ba tháng trước khi bước vào nhiệm kỳ mới, Quốc sẽ bầu lại các chức danh. Trong thời gian này, ông muốn thể hiện hình ảnh của mình như thế nào để thuyết phục Quốc hội và cử tri?
- Chủ trương kiện toàn sớm bộ máy Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ được cử tri, nhân dân và đảng viên cả nước hoan nghênh và quan tâm. Đây là áp lực, thử thách của tất cả các thành viên Chính phủ nhưng cũng là cơ hội tốt nhất để được bắt tay, tiếp cận, nắm bắt và thực hiện công việc của mình.
Tôi chắc chắn là đồng chí nào cũng đều có chương trình hành động có những suy nghĩ, tâm tư, lo lắng... Nhưng lo lắng mới là tốt. Nếu ai cũng bảo "cái này tôi làm ngon" thì không hẳn đã là tốt.
Cá nhân tôi chỉ đau đáu làm sao thực hiện tốt được chức năng nhiệm vụ của VPCP, gồm 3 việc: tham mưu, tổng hợp và cải cách thủ tục hành chính - làm sao đáp ứng được mong mỏi của người dân, doanh nghiệp và địa phương.
- Là cơ quan tham mưu tổng hợp, thực hiện làm nhiều việc giúp cho Chính phủ, có thể mọi người sẽ thấy VPCP cũng như người đứng đầu văn phòng làm mọi thứ "cứ đều đều". Vậy ông chọn vấn đề gì để đột phá?
- Sau khi được bầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 6 nhiệm vụ ưu tiên. Đó chính là chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng. VPCP có nhiệm vụ tham mưu, giúp Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên mà Thủ tướng đã đặt ra.
Trách nhiệm của tôi là làm tốt việc đó.
- Các lãnh đạo thường đưa ra thông điệp, slogan để bày tỏ quan điểm, mục tiêu trong công việc, cũng là để người dân nhận diện. Ông thì sao?
- Tôi nghĩ là không. VPCP là cơ quan giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng, hành động của VPCP là thực hiện những chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng.
Người giúp việc, cơ quan giúp việc thì cần trung thành, tận tụy, đoàn kết đồng thời phải có trí tuệ, kỷ cương. Mục tiêu chung là hướng tới môt văn phòng chuyên nghiệp (làm đúng pháp luật) và hiện đại (xử lý thông tin nhanh, gắn với Chính phủ điện tử).
Văn phòng Chính phủ không phải là "siêu bộ"
- Dư luận cho VPCP là một cơ quan "siêu bộ". Bộ trưởng sẽ thay đổi điều này như thế nào, bao lâu thì gạt bỏ được suy nghĩ đó?
- Nhiều người lấy đó làm câu cửa miệng chứ thực ra không phải. Ở địa phương cũng vậy, Văn phòng UBND tỉnh không phải là cơ quan siêu sở.
Ai nói như vậy là người ta chưa hiểu hết chức năng nhiệm của VPCP. Khi Thủ tướng giao cho các bộ chuyên ngành chuẩn bị các đề án, chương trình thì VPCP có nhiệm vụ thẩm định, kết nối và xử lý thông tin giữa các bộ, ngành chủ trì đến các bộ, ngành liên quan và các địa phương.
Các cơ quan, địa phương thấy chậm thì cho là rào cản, "siêu bộ" nhưng không phải. Ban hành bất cứ văn bản nào, đặc biệt là của Chính phủ, sẽ có ảnh hưởng lan tỏa rất lớn đến kinh tế, xã hội. Đó là những vấn đề vĩ mô chứ không chỉ mang tầm một doanh nghiệp, một địa phương nên phải cân nhắc, xử lý một cách tổng thể để đưa ra tham mưu chính xác, không được để xảy ra sơ sảy. Vì thế phải làm theo quy trình, không thể làm tắt được.
Mục tiêu của ông Mai Tiến Dũng là đưa Văn phòng Chính phủ tới sự chuyên nghiệp và hiện đại. Ảnh: Nhật Bắc. |
- Ông có nghĩ đến việc xây dựng một bộ quy chế để kiểm soát, nắm được đường đi của thông tin, văn bản xem bị tắc ở đâu, khâu nào?
- Đó là việc quan trọng mà thông qua ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp kiểm soát tốt hơn, minh bạch hơn. Chỉ đạo của Thủ tướng là xây dựng nền hành chính hiện đại, VPCP phải giúp thực hiện việc đó.
Ở Hà Nam, tất cả văn bản, giấy mời không dùng giấy mà gửi qua mạng hết. Tỉnh cũng thuê trọn gói đường truyền, hạ tầng thay vì đầu tư, vừa hiệu quả lại tiết kiệm.
Chính phủ đối mặt với nhiều thách thức
- Là một thành viên Chính phủ, ông cảm nhận những thách thức của Chính phủ trong thời gian tới là gì?
- Đó là bài toán về giá dầu giảm, cân đối ngân sách, nợ công... Chúng ta cũng vừa tham gia hội nhập TPP - vừa là cơ hội cũng là thách thức lớn. Ví dụ như chuyển động trong nông nghiệp, lúc này cần phải ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, còn nhiều vấn đề nhìn thấy trước mắt về biến đổi khí hậu, hạn hán, ngập mặn. Đó là những điều mà Chính phủ, Thủ tướng quyết tâm chỉ đạo để tháo gỡ.
- Trong quý vừa rồi có 20.000 doanh nghiệp đóng cửa. Có cán bộ cấp cao nói là không có vấn đề gì, bản thân ông thấy sao?
- Kinh tế thị trường có quy luật của nó, việc đó là không thể tránh khỏi. Nhưng với số lượng lớn doanh nghiệp đóng cửa thì không thể nói là bình thường được.
Tất nhiên ở đây có vấn đề về tiếp cận vốn tín dụng, lãi suất ngân hàng nhưng cũng có vấn đề quản trị và năng lực. Nếu doanh nghiệp không có quản trị, không có năng lực, không kiến tạo sự khác biệt trong sản phẩm thì sự tồn tại chỉ là nhất thời.
Nhà nước chỉ tạo hành lang và cơ chế chứ không làm thay doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp của chúng ta, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ ít quan tâm, nhiều khi chỉ lo xây dựng thương hiệu, ít quan tâm sản phẩm. Công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ cũng vậy, hầu như các doanh nghiệp của mình không làm được những linh kiện, thiết bị mà công ty nước ngoài yêu cầu.
- Trên thế giới, nhiều chính phủ và thủ tướng đã tận dụng rất tốt mạng xã hội để trao đổi trực tiếp với người dân. Ông có tham mưu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để tận dụng tốt hơn kênh này?
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người cởi mở, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức đã dành thời gian tiếp báo chí và trả lời phỏng vấn.
Còn việc lãnh đạo tham gia mạng xã hội cũng có hai mặt nên cần cân nhắc. Chúng tôi ghi nhận đề xuất này và sẽ suy nghĩ thêm.
Ông Mai Tiến Dũng (sinh năm1959) quê Hà Nam, có trình độ thạc sĩ Kinh tế. Quá trình công tác của ông gắn liền với tỉnh Hà Nam: Giám đốc Công ty XNK huyện Lý Nhân; Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Lý Nhân; Chánh văn phòng Tỉnh ủy; Bí thư Huyện ủy Lý Nhân; Bí thư Thành ủy Phủ Lý; Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Phủ Lý; Chủ tịch UBND Hà Nam; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Hà Nam.