Nội dung trên được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết khi giải trình về một số nội dung liên quan báo cáo kinh tế - xã hội, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/5.
Ông Dũng nhìn nhận thời gian qua, khó khăn tác động cả từ bên ngoài và bên trong. Khó khăn bên trong là tâm lý thị trường, niềm tin xã hội và né tránh sợ trách nhiệm cán bộ thực thi các cấp.
Theo ông Dũng, năm 2022, TP.HCM gửi và hỏi Bộ Kế hoạch & Đầu tư về 584 văn bản. Bộ KH&ĐT đã trả lời thông qua 604 văn bản, nhưng quan trọng "những vấn đề thành phố hỏi bộ đều thuộc thẩm quyền của thành phố".
"Hai năm vừa qua, TP.HCM cấp chủ trương đầu tư 8 dự án, trong khi trước đây trung bình mỗi năm thành phố chấp thuận đầu tư 70 dự án bất động sản. Điều này cho thấy vấn đề lớn nhất hiện nay là các cấp đùn đẩy, né tránh, sợ không làm", ông Dũng nói.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình một số nội dung về báo cáo kinh tế - xã hội. Ảnh: Phạm Thắng. |
Theo Bộ trưởng KH&ĐT, vấn đề thứ hai là khó khăn của doanh nghiệp và trước tiên là dòng tiền. Trong đó, điều hành tiền tệ hiện có vấn đề "lúc thả nhanh, lúc phanh gấp" khiến doanh nghiệp rất khó khăn.
"Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản. Những gì có thể bán được đã bán, chỉ bằng 50% giá thực và người mua là doanh nghiệp nước ngoài. Đây là câu chuyện thâu tóm, chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần", theo ông Dũng.
Bên cạnh đó, ông đề cập vấn đề thủ tục đầu tư không làm hoặc kéo dài, tới 1-2 năm mới giải quyết vấn đề. Việc này cho thấy tinh thần giải quyết công việc không có.
Ngoài ra, Bộ trưởng KH&ĐT cho rằng môi trường đầu tư kém và vấn đề cải cách môi trường đầu tư bị mờ nhạt. Bộ đang đề nghị phải tách ra, vì hiện cho thấy thực tế đã phát sinh hàng nghìn thủ tục của các bộ, ngành, địa phương.
Ngoài ra, Bộ KH&ĐT đang giao Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) rà soát, xem văn bản nào của bộ ngành đang cản trở, làm ách tắc hoạt động nền kinh tế hiện nay.
Dù vậy, ông cũng cho rằng nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện được Chính phủ đưa ra bước đầu đã có chuyển biến tích cực và có những dấu hiệu tốt từ đầu tháng 4. Sắp tới, các cơ quan bộ ngành sẽ có sự tham mưu phù hợp để cải thiện tăng trưởng các quý sau.
Lo ngại mục tiêu tăng trưởng 6,5% thì các quý sau phải tăng trưởng quanh 8%, ông Dũng cho biết Chính phủ vẫn giữ mục tiêu này để phấn đấu.
"Hy vọng tình hình thế giới có chuyển biến, thì vẫn có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay, nhưng chỉ tiêu này rất thách thức", Bộ trưởng KH&ĐT nói.
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.