Bộ trưởng Quân (ngoài cùng bên trái) trong khoang tàu lặn Hòa Bình. Ảnh: Tiền phong. |
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, thời gian qua ông rất quan tâm tới các sáng chế của người nông dân và bày tỏ mong mỏi những người có năng lực sáng tạo hãy phối hợp với các cơ quan quản lý để nhận được sự hỗ trợ và cho phép của cơ quan quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, ông Quân cũng lưu ý, trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, mọi sản phẩm sáng chế khi ra thị trường phải được xã hội chấp nhận và phải có thị trường tiêu thụ, sử dụng.
Tàu lặn Hòa Bình được thiết kế theo quy phạm tàu ngầm của Cộng hòa Liên bang Đức, chiều dài 6,63 m, chiều cao 2,74 m, tốc độ di chuyển 4,5 hải lý/giờ, thời gian lặn 24h, độ sâu lặn 50 m, số lượng thuyền viên 4 người.
Nói về các tàu ngầm tự chế được dư luận quan tâm, Bộ trưởng Quân cho biết, hiện có 3 tàu là tàu Yết Kiêu của ông Phan Bội Trân, tàu Trường Sa của ông Nguyễn Quốc Hòa và tàu lặn Hòa Bình của một số nhà khoa học và doanh nhân thuộc tập đoàn Vinashin sản xuất.
“Trong quá trình tàu lặn Hòa Bình chạy thử nghiệm tại Nha Trang, tôi cũng ngồi thử và thấy tàu đạt tất cả các thông số thiết kế”, Bộ trưởng Quân Chia sẻ.
Theo ông, tàu Hòa Bình có thể chở 4 người, lặn tối đa ở độ sâu 50 m, có giá thành 28 tỷ đồng tương đương với 1,5 triệu USD, trong khi đó nếu ngoại nhập là 5 triệu USD. Con tàu vì vậy hoàn toàn có thể thương mại hóa để phục vụ cứu hộ, cứu nạn, tham quan du lịch hay kiểm tra chân đế giàn khoan.
Tàu Hòa Bình thử nghiệm ở Cam Ranh tháng 9 vừa qua. Ảnh: Tiền phong. |
Bộ trưởng Khoa học Công nghệ cũng đánh giá, cách làm của các kỹ sư thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Vinashin rất bài bản khi có cả sự tham gia kiểm định của Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, và đăng kiểm của Đức.
Hoan nghênh tinh thần dũng cảm của Bộ trưởng Quân khi đã dám ngồi vào tàu lặn trong quá trình chạy thử nghiệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu vị lãnh đạo Bộ này hãy dũng cảm trong việc tạo ra thêm những chính sách, cơ chế thông thoáng. Có như vậy, các nhà phát minh nông dân mới có thêm cơ hội, điều kiện đóng góp những sản phẩm tốt hơn.
Trước đó, vào cuối tháng 9, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Vinashin đã kiểm tra thử nghiệm tàu lặn cỡ nhỏ Hòa Bình tại Nhà máy đóng tàu Cam Ranh (Khánh Hòa). Đích thân Bộ trưởng Nguyễn Quân đã trực tiếp tham gia buổi thử nghiệm.
Năng suất lao động nông nghiệp chỉ bằng 1/1.000 lao động công nghệ cao
Chia lửa với Bộ trưởng Lao động Thương binh, xã hội về vấn đề năng suất lao động Việt Nam thấp, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, năng suất lao động của ngời Việt thấp hơn 2 lần so với bình quân khu vực ASEAN, thấp hơn Singapore 14 lần và Thái Lan gần 2 lần.
Nêu ví dụ về Khu Công nghệ cao tại Tân Úc tại Đài Loan, mỗi lao động một năm làm ra hơn 400.000 USD, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng phải đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao thì năng suất lao động mới tăng. Nếu tiếp tục duy trì tỷ trọng nông nghiệp như hiện nay sẽ không thể tăng năng suất lao động. Vì hiện nay trung bình một nông dân, mỗi năm chỉ làm ra 400 USD bằng 1/1.000 năng suất của người lao động tại khu công nghệ cao.