Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 3 triệu người thất nghiệp đã về lại quê hương

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đến ngày 26/5, đã có 506.000 người mất việc, giãn việc, thiếu việc, trong đó, khoảng 270.000 người mất việc do cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất.

Sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn trước Quốc hội. Nhiều đại biểu chất vấn về tình trạng thất nghiệp của lao động khi hàng loạt doanh nghiệp gặp khó khăn.

"Thị trường đang phục hồi chậm dẫn đến tình trạng người lao động gặp nhiều khó khăn, chi phí lao động lớn song hiệu quả lao động còn thấp và lãng phí... Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này?", đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) chất vấn trong đầu giờ sáng nay.

270.000 người mất việc từ đầu năm

Trả lời, Bộ trưởng Dung cho biết bình quân tỷ lệ thất nghiệp quý I là 2,25%, so với cách đây hơn một năm ngày 11/11/2021, khi Diễn đàn kinh tế thế giới xếp Việt Nam vào top 5 về tỷ lệ thất nghiệp.

"Đến nay, tỷ lệ thất nghiệp có gia tăng nhưng không phải riêng Việt Nam. Tỷ lệ thất nghiệp quý I của Việt Nam so với các quốc gia khác vẫn ở ngưỡng thấp", ông Dung đánh giá.

Theo thống kê, đến ngày 26/5, số người mất việc, giãn việc, thiếu việc do cắt giảm đơn hàng, yếu tố khác là khoảng 506.000 người, trong đó, có khoảng 270.000 người mất việc. Ông đánh giá do cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất, thay đổi lực lượng lao động và giải quyết chính sách với Bộ Luật Lao động.

lao dong mat viec anh 1

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Quochoi.


Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) về những giải pháp hỗ trợ lao động nữ mất việc làm ở tuổi ngoài 40, lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá hiện nay phần lớn lao động trong ngành nghề dệt may, da giày đều là lao động nữ.

Do đó, theo Bộ trưởng, tình trạng mất việc, giãn việc rơi vào lao động nữ là phần nhiều và 3 triệu người lao động đã chuyển về địa phương thời gian qua chủ yếu là người mẹ mang theo con nhỏ.

"Để giải quyết vấn đề này, trước hết phải đào tạo ngay từ sớm, khi chưa mất việc. Đồng thời cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, tạo việc làm ổn định, chăm lo phúc lợi xã hội để đảm bảo tránh thiệt thòi cho lao động nữ, khi về địa phương cần có cơ chế chính sách, tạo việc làm thủ công cho lao động nữ...", ông nói.

Tình trạng mất việc, giãn việc rơi vào lao động nữ là phần nhiều và 3 triệu người chuyển về địa phương thời gian qua chủ yếu là người mẹ mang theo con

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Trả lời về công tác an sinh xã hội thời gian tới của đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long), Bộ trưởng cho biết bình quân trước đây chỉ hỗ trợ trực tiếp khoảng một triệu người do tác động thiên tai, dịch bệnh. Nhưng 2-3 năm qua, đã hỗ trợ được 68 triệu lượt người.

Theo vị lãnh đạo ngành lao động xã hội, thời gian tới, cơ quan quản lý cần dự báo được tình hình từ nay đến cuối năm và năm 2024, suy nghĩ các chiến lược an sinh xã hội, xin ý kiến cấp có thẩm quyền ở thời điểm thích hợp nhất, đúng lúc nhất.

Hàng chục nghìn doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội

Trả lời câu hỏi của đại biểu Tràng A Dương (Hà Giang) và Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) về hưởng bảo hiểm xã hội một lần và Quỹ hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thời gian qua, tình hình rút bảo hiểm xã hội một lần có gia tăng, đặc biệt tăng nhiều sau đại dịch Covid-19.

"Về gợi ý thành lập quỹ hỗ trợ người lao động, chỉ là một trong các giải pháp. Việc lập quỹ, nếu có, với quy mô tác động lớn như hiện nay phải nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động một cách thấu đáo", ông nói.

Về việc thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động, theo Bộ trưởng, đó là một trong các giải pháp, bên cạnh nhiều giải pháp khác trong tháo gỡ vướng mắc cho thị trường lao động.

"Về vấn đề chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, đến hết năm 2022, khối lượng chậm đóng, trốn đóng là 8.560 tỷ đồng, tăng 2,69% so với năm 2021. Có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng", ông nói.

Lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết thêm đã điều chỉnh, thực hiện các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng này, đến nay, các đối tượng tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng về chế độ, chính sách đã được giải quyết một cách căn bản.

Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng cho biết thời gian qua, các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, có đơn vị cố tình trốn đóng hiểm xã hội. Bên cạnh đó, cũng có một phần nguyên nhân từ việc cơ quan quản lý bảo hiểm chưa quản lý hết đối tượng, quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt.

lao dong mat viec anh 2

Có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng hiểm xã hội. Ảnh: Phạm Ngôn.

Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Trong đó, sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi, hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Đồng thời sẽ áp dụng một số chế tài mạnh hơn, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế.

Liên quan đến vấn đề cơ quan bảo hiểm xã hội thu sai với chủ hộ kinh doanh cá thể, ông Dung nói tình trạng này đã diễn ra từ năm 2003 đến năm 2016, đã được Bộ phát hiện và chấn chỉnh, cơ bản đã được giải quyết.

"Bộ đang đề xuất chuyển toàn bộ số hộ kinh doanh này sang bảo hiểm bắt buộc, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Với trường hợp không có nhu cầu có thể chuyển sang bảo hiểm tự nguyện. Trường hợp cả người lao động lẫn cơ quan đều không đồng ý thì cần thoái thu, tính lãi bằng tăng trưởng của quỹ bảo hiểm", Bộ trưởng nói.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Đề xuất dùng 1 triệu tỷ vốn đầu tư công ở ngân hàng để hỗ trợ lao động

Đại biểu cho rằng có thể dùng 1 triệu tỷ đồng ngân sách đang gửi ngân hàng để hỗ trợ ngay cho người lao động hay xây dựng khu nhà ở cho công nhân... để kích cầu cho nền kinh tế.

Làn sóng sa thải lao động có thể tiếp diễn vào thời gian tới

Doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn về đơn hàng, tiếp cận vốn..., Ban IV đề xuất nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực.

Kiến nghị cho lao động nam nghỉ hưu khi 60 tuổi, nữ 55 tuổi

Các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị cho người lao động về hưu sớm theo nguyện vọng khi đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 15 năm, mức hưởng lương hưu theo tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm