Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Công Thương: Chỉ hơn 1% cây xăng không hoạt động

Đây là thông tin được Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra tại buổi làm việc với Petrolimex Saigon, sau những ngày biến động của thị trường xăng dầu phía Nam.

Ngày 21/10, Bộ Công Thương đã có thông tin liên quan buổi làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác của Bộ Công Thương với Công ty Xăng dầu khu vực II thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ngày 19/10 trước đó.

Cụ thể, tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết qua thống kê, những ngày cao điểm nhất cũng chỉ có khoảng hơn 200 cửa hàng bán lẻ không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Nếu so với tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước, con số này chỉ chiếm hơn 1%. Quan sát kỹ hơn thì hiện tượng này chỉ xảy ra ở một vài địa bàn là TP.HCM và một vài tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

"Điều này đã đặt ra câu hỏi tại sao hiện tượng này không xảy ra ở các nơi khác. Tại sao chỉ có hơn 1% cửa hàng xăng dầu tạm ngưng mà dư luận lại cho là khủng hoảng hệ thống phân phối xăng dầu trong cả nước", người đứng đầu Bộ Công Thương nêu vấn đề.

thieu xang anh 1

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với Petrolimex Saigon ngày 19/10. Ảnh: Bộ Công Thương.

Nghiêm túc đánh giá lại những yếu kém, lỗ hổng

Tại buổi làm việc, dù đánh giá cao vai trò quan trọng của Petrolimex trong việc đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vẫn chỉ ra một số bất cập hiện hữu.

Theo ông, để việc quản lý và điều hành hoạt động nhập khẩu, phân phối, lưu thông xăng dầu được thông suốt thì cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của nhiều bộ, ngành và các chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp, Bộ trưởng đề nghị Tập đoàn Petrolimex và các công ty thành viên nghiêm túc đánh giá lại việc thực hiện nhiệm vụ dự trữ xăng dầu, kể cả dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia, cũng như việc thực hiện nhiệm vụ cung ứng và kinh doanh xăng dầu.

Qua đó, doanh nghiệp thấy rõ những hạn chế, yếu kém, lỗ hổng của mỗi cấp, mỗi tổ chức và cá nhân để kịp thời khắc phục triệt để, bảo đảm đúng luật và phù hợp với tình hình.

thieu xang anh 2

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Petrolimex nghiêm túc đánh giá lại những yếu kém, lỗ hổng trong quản lý phân phối xăng dầu. Ảnh: Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần tiếp tục tập trung cao độ để tìm nguồn cung nhập khẩu, đồng thời tổ chức lại hệ thống phân phối, giảm khâu trung gian, tăng chế độ trách nhiệm cá nhân mỗi khâu và tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm.

Mặt khác, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các bên nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách trong quản lý kinh doanh xăng dầu theo hướng vừa phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, vừa bảo đảm phát huy vai trò quản lý và kiểm soát của Nhà nước.

"Trong mọi tình huống không để xảy ra đứt gãy nguồn cung, đứt gãy hệ thống phân phối hay thiếu hụt dự trữ chiến lược quốc gia", lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đẩy nhanh quá trình hoàn thiện Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia. Mục tiêu là từ tháng 1/2023 trở đi, toàn bộ doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối phải được quản lý, giám sát bằng hệ thống này.

Doanh nghiệp mua hàng không ưu đãi, chịu thuế cao để đảm bảo cung ứng

Cũng tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch HĐQT Petrolimex cho biết đã đề nghị 2 nhà máy lọc dầu trong nước cam kết chắc chắn về khả năng đảm bảo nguồn cung theo hợp đồng đã ký kết. Với xăng dầu nhập khẩu, tập đoàn đang tích cực tìm kiếm nguồn hàng tin cậy và ký kết hợp đồng mua hàng sớm hơn thông lệ.

Đặc biệt, ngay trong tháng 9 và những ngày đầu tháng 10, Petrolimex đã chấp nhận mua cả hàng không ưu đãi, chịu mức thuế cao để đảm bảo nguồn cung trong nước.

Đối với nhu cầu tháng 11, tập đoàn đã tạo nguồn sớm ngay từ những ngày đầu tháng 10, đến nay đã mua đủ nguồn hàng bảo đảm khoảng 80% nhu cầu của tháng 11. Đồng thời, tập đoàn vẫn đang tiếp tục tìm kiếm và mở rộng các nhà cung cấp để mua cho nhu cầu còn lại trong năm.

Dù vậy, ghi nhận của Zing ngày 21/10 cho thấy một số cửa hàng nhượng quyền thương mại của Petrolimex, PV Oil... ở TP.HCM đang tạm ngừng bán hàng, hoặc bán nhỏ giọt chỉ 30.000-50.000 đồng/xe máy và khoảng 400.000 đồng/ôtô. Một số chủ cây xăng, doanh nghiệp phân phối cho biết phải chạy vạy khắp nơi nhiều ngày qua để tìm kiếm nguồn hàng, kể cả khi là cửa hàng nhượng quyền của Petrolimex.

thieu xang anh 3

Một cửa hàng nhượng quyền của Petrolimex ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) sau buổi sáng 21/10 chỉ bán 30.000 đồng/xe máy thì đến buổi chiều đã tạm ngừng bán.

Liên quan đến vấn đề dự trữ xăng dầu, Petrolimex thừa nhận còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến định mức bảo quản thấp, không đủ trang trải chi phí..., do đó hàng dự trữ quốc gia còn để chung với hàng kinh doanh. Công ty đề nghị xem xét điều chỉnh đơn giá bảo quản cho phù hợp với chi phí của doanh nghiệp.

Cùng với đó, doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ công ty cải tạo, nâng cao sức chứa tại Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè để tăng sức chứa bảo quản hàng dự trữ quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng cho khu vực phía Nam.

Hiện tại, theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, có 1 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu ở khu vực phía Nam không thực hiện dự trữ xăng dầu theo quy định. Đồng thời, có 5 doanh nghiệp không đảm bảo dự trữ thương mại và có doanh nghiệp không đảm bảo hạn mức nhập khẩu được Bộ Công Thương phân giao.

Doanh nghiệp xăng dầu: Chiết khấu vẫn thấp, hàng khó mua

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết tình hình nguồn cung xăng dầu đã tốt hơn nhưng mức chiết khấu vẫn rất thấp, hàng cấp nhỏ giọt.

Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục tăng chi phí kinh doanh xăng dầu

Bộ Công Thương đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi để thực hiện các thủ tục mua xăng dầu kịp thời.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm