Ngày 30/12, Bộ Công an tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng theo chức năng của lực lượng Công an nhân dân từ năm 2013 đến nay.
Dự và phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp quan trọng, tích cực của lực lượng Công an nhân dân khi giữ vai trò chủ công trong đấu tranh, điều tra các vụ án tham nhũng.
Điều tra, truy tố, xét xử cần nhân văn, có lý, có tình
Quán triệt xuyên suốt phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", Thủ tướng nhắc lại vừa qua chúng ta đã kiên quyết xử lý hình sự một số cán bộ cấp cao, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang có vi phạm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở các cán bộ của ngành phải thực sự trong sạch, liêm khiết để làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Bộ Công an. |
Việc này có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng, góp phần nâng cao uy tín, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, Đảng viên và nhân dân.
Thủ tướng đánh giá năm 2020, ngành công an đã chủ động nhận diện, chọn điểm đột phá, đánh đúng, đánh trúng tội phạm. Truy tố một số vụ, một số lĩnh vực nhạy cảm như phòng chống dịch Covid-19, xã hội hóa dịch vụ y tế, điển hình là vụ CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai…
Để bảo đảm phòng, chống tham nhũng hiệu quả, căn cơ, lâu dài, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm phòng ngừa tham nhũng; tập trung tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách để khắc phục sơ hở, bất cập.
"Cần thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, bảo đảm không thể tham nhũng, nhất là quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập, thu hồi tài sản tham nhũng; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của từng người có chức vụ, quyền hạn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng nhắc nhở các cán bộ của ngành phải thực sự trong sạch, liêm khiết để làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.
Đồng thời, ông yêu cầu xử lý nghiêm minh các đối tượng phạm tội, đảm bảo khách quan, thận trọng, thấu đáo trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung, không bỏ lọt tội phạm nhưng không được làm oan người vô tội.
Thủ tướng lưu ý, trong điều tra, truy tố, xét xử, cần xem xét cụ thể bối cảnh, môi trường và thiệt hại để xử lý đúng pháp luật, nhân văn, có lý, có tình.
"Làm sao người dân, doanh nghiệp tin tưởng vào công lý. Kinh tế phát triển, người dân, doanh nghiệp yên tâm làm ăn đúng pháp luật, giải quyết nhiều việc làm, xã hội bình yên là niềm vui của tất cả chúng ta", Thủ tướng nói.
Lực lượng công an không thể bị mua chuộc
Theo người đứng đầu Chính phủ, cần tạo điều kiện cho các chủ thể sai phạm khai nhận và khắc phục hậu quả thiệt hại tốt, có chính sách hình sự phù hợp. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, chú trọng công tác điều tra, mở rộng vụ án. Kết luận, đề xuất xử lý triệt để, nghiêm minh, đề nghị truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu những vụ việc có sự tiếp tay, bao che của cán bộ tham nhũng cần xử lý nghiêm để răn đe.
Bộ trưởng Công an cho rằng xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực để không phải xử lý nhiều cán bộ, đảng viên là mục tiêu rất nhân văn của công tác điều tra. Ảnh: Bộ Công an. |
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị công an các đơn vị, địa phương phải đồng thời làm tốt hai nhiệm vụ.
Một là đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngoài xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an. Hai là phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng ngay trong nội bộ.
Theo đại tướng Tô Lâm, đây là hai nhiệm vụ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, trước hết lực lượng công an phải thực sự trong sạch, có bản lĩnh, ý chí chiến đấu, không thể bị mua chuộc.
"Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, để không phải xử lý nhiều cán bộ, đảng viên. Đây là mục tiêu rất nhân văn của công tác điều tra", Bộ trưởng Công an nhấn mạnh.