Sáng 17/11, dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do Bộ Công an chủ trì soạn thảo được đem ra thảo luận tại hội trường Quốc hội.
Giải trình làm rõ băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan của Quốc hội tiếp thu nghiên cứu, chỉnh lý dự án luật.
Công an không bao giờ thoái thác trách nhiệm
Đại tướng Tô Lâm giải thích đây là lực lượng có sẵn. Nhiều đại biểu lo ngại khi có lực lượng này công an chính quy về xã sẽ đùn đẩy trách nhiệm, song Bộ trưởng Công an khẳng định “công an chưa bao giờ, chưa từng từ chối, đổ trách nhiệm hay thoái thác trách nhiệm cho lực lượng khác trong bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội”.
“Chúng tôi không có ý xây dựng ra lực lượng này để thoái thác nhiệm vụ, phân cấp cho lực lượng này làm để lực lượng công an trốn tránh, từ chối trách nhiệm của mình”, đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Bộ Công an không xây dựng lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở để thoái thác nhiệm vụ. Ảnh: Quốc hội. |
Bộ trưởng Công an giải thích các hoạt động của lực lượng này động chạm đến quyền tự do dân chủ, quyền con người, quyền công dân nên phải quy định bằng luật.
“Luật ra đời không hạn chế sự tham gia của các tổ chức, cá nhân khác tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đại tướng Tô Lâm, đồng thời khẳng định con số giảm được 500.000 người là có cơ sở, không phải “tự nghĩ ra được”.
Theo thiếu tướng Đào Thanh Hải (Phó giám đốc Công an Hà Nội), với chủ trương xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại và xuất phát từ thực tế cần phải bố trí lại lực lượng CAND để đảm bảo thế trận an ninh nhân dân, Bộ Công an đã bố trí lực lượng công an chính quy xuống các xã trên địa bàn toàn quốc.
Trên địa bàn Hà Nội, Công an thành phố đã bố trí hơn 2.500 cán bộ chiến sĩ từ thành phố và quận xuống 383 xã, không tăng thêm biên chế.
“Lực lượng này đã phát huy hiệu quả, phạm pháp hình sự năm 2020 của Hà Nội giảm 26% - là con số chưa từng có. Trong đó, chủ yếu giảm ở các huyện ngoại thành sau khi đưa công an chính quy xuống xã”, ông Hải nêu thực tế.
Thiếu tướng Đào Thanh Hải (Phó giám đốc Công an Hà Nội). Ảnh: Quốc hội. |
Dù vậy, ông cho biết khi công an chính quy xuống xã, có đến 25% lực lượng công an bán chính quy xin nghỉ do phụ cấp thấp và điều kiện hoạt động chưa rõ ràng.
Do đó, nếu không có Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở sẽ rất khó khăn cho việc tiếp tục động viên, để họ tiếp tục phối hợp với lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở.
Theo lãnh đạo Công an Hà Nội, sau khi có luật, lực lượng này sẽ làm nhiều nhiệm vụ, từ phối hợp tuần tra, kiểm soát an toàn giao thông, đến nắm số hộ dân, quản lý đối tượng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Cho biết thực tế nhiều địa phương đã hình thành các mô hình, tổ chức tự quản tham giao bảo vệ an ninh trật tự, đại biểu Bùi Thị Thủy (Thanh Hoá) nhận định về cơ bản đây vẫn là hoạt động tự phát của người dân trong phong trào toàn dân đấu tranh phòng chống tội phạm.
Vì thế, cần phải có cơ sở pháp lý rõ ràng để quản lý chặt chẽ các mô hình này, tránh tiêu cực có thể xảy ra.
Nữ đại biểu đề nghị quy định rõ phạm vi, mức độ, phương thức thực hiện và tham gia phối hợp nhiệm vụ, cũng như nguyên tắc điều động lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
“Phải tránh trường hợp lực lượng này làm thay nhiệm vụ của lực lượng công an chính quy, có thể dẫn đến xâm phạm quyền con người, quyền công dân hoặc có khả năng gây nguy hiểm cho chính lực lượng trong quá trình làm nhiệm vụ”, bà Thủy nói.
Lo phình bộ máy, tăng chi ngân sách
Theo con số ban soạn thảo tính toán, nếu luật được thông qua, lực lượng tham gia bảo vệ trị an ở cơ sở sẽ có 1,5 triệu người hưởng ngân sách thường xuyên, giảm 500.000 người. Song, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Mai Bộ nói “con số này chưa thực sự thuyết phục”.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Mai Bộ đánh giá con số ban soạn thảo đưa ra về việc giảm được 500.000 người là “chưa thực sự thuyết phục”. |
Ông phân tích, theo Pháp lệnh Công an xã, hiện nay có 126.000 công an xã bán chuyên trách. Theo Nghị định 38 năm 2006 thì bảo vệ dân phố chỉ có phường, thị trấn với số lượng là 70.000 người. Theo Luật phòng cháy, chữa cháy, do không chịu được chi phí về ngân sách nên hiện nay chỉ có 23% cơ sở thành lập lực lượng này với con số thực tế là 500.000 người.
“Như vậy, thực tế 3 lực lượng này hiện nay là 696.000 người. Trong khi đó, chỉ có 2 lực lượng hưởng phụ cấp thường xuyên, còn dân phòng chỉ được hưởng khi thực sự làm việc và bồi dưỡng về nghiệp vụ. Nếu thành lập lực lượng này thì sẽ tăng thêm 804.000 người hưởng ngân sách hàng tháng chứ không phải giảm 500.000 người”, ông Bộ phân tích.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng việc tài liệu luật đánh giá sẽ giảm 500.000 người là không thực tế vì “sẽ tăng chứ không thể giảm”.
“Ngân sách bố trí cho lực lượng này theo dự thảo luật là 1,5-1,8 tỷ đồng/tháng/địa phương. Với những nơi mạnh như TP.HCM, Hà Nội chịu được, chứ các địa phương ngân sách khó khăn e rằng khó đáp ứng nổi”, ông Hòa nêu quan điểm.
Với quy định ngân sách địa phương phải chi trả phụ cấp, bảo hiểm và đầu tư cơ sở cho lực lượng này, ông Hòa lo ngại sẽ không còn nguồn lực cho đầu tư phát triển, lo an sinh xã hội.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng băn khoăn khi dự thảo luật quy định nhiệm vụ của lực lượng này hầu hết giống với công an xã. Ảnh: Quốc hội. |
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Phó trưởng ban Công tác đại biểu) băn khoăn khi dự thảo luật quy định nhiệm vụ của lực lượng này hầu hết giống với công an xã.
Hơn nữa, các quy định toát lên tính chính quy về tổ chức, hoạt động, chế độ chính sách nên Nhà nước sẽ phải chi ngân sách lớn cho lực lượng này.
“Trong khi chúng ta đang oằn mình để thắt lưng buộc bụng, phục hồi kinh tế, hầu hết khó khăn về ngân sách, nay lại thêm nỗi lo này thì khó có thể lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, ông nêu quan điểm.
Chiều 17/11, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Các đại biểu Quốc hội sẽ nghiên cứu, cho ý kiến trước 15h cùng ngày để Ban Thư ký tổng hợp báo cáo Quốc hội.