Thông tin trên được đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 29/12.
Báo cáo với Chính phủ, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nêu 5 kiến nghị và định hướng lớn trong năm 2021.
Quyết giảm tỷ lệ tội phạm
Thứ nhất, đại tướng Tô Lâm đề nghị tiếp tục quan tâm xây dựng thể chế trong năm 2021 và xác định đây là một trong 3 đột phá chiến lược mà Trung ương đã chỉ đạo. “Đây là nhiệm vụ rất có ý nghĩa để toàn dân, các ngành và các cấp thực hiện kỷ cương, kỷ luật”, ông Lâm nói.
Tư lệnh ngành công an đánh giá năm qua, lực lượng công an đã làm rất tốt công tác này và xác định đây sẽ là trọng tâm trong năm tiếp theo. Bộ trưởng Công an kiến nghị Quốc hội, Chính phủ đưa nội dung này vào công tác xây dựng thể chế, nội dung cụ thể Bộ Công an đã có đề xuất.
Thứ hai, về công tác an ninh kinh tế, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh nước ta quan tâm đến phát triển kinh tế nhưng phải trên nền tảng bảo đảm an ninh. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, vấn đề an ninh kinh tế càng trở nên quan trọng.
Bộ trưởng Công an kiến nghị 5 vấn đề lớn để định hướng phát triển ngành trong năm 2021. Ảnh: VGP. |
Đại tướng Tô Lâm cho hay vấn đề này Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 12 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với an ninh kinh tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Chính phủ cũng đã có kế hoạch triển khai để công tác an ninh kinh tế và việc phát triển kinh tế theo đúng định hướng, không chệch hướng.
“Chệch hướng trong phát triển kinh tế là một trong 4 nguy cơ Đảng ta đã chỉ ra nhiều năm nay”, ông Lâm nói và lưu ý đây là nội dung rất quan trọng.
Người đứng đầu ngành công an đánh giá năm qua, Chính phủ chỉ đạo rất nhiều công việc, từ cổ phần hóa, tập trung phát huy nguồn lực trong dân, tập trung phát triển kinh tế Nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, chống gian lận thương mại, phòng chống tham nhũng…
Song bên cạnh đó, còn nhiều nội dung trong phát triển kinh tế cần tăng cường an ninh.
Đó là những vấn đề còn khó khăn trong quản lý kinh tế như hoạt động chuyển giá, quản lý tiền tệ, chứng khoán, quản lý dòng tiền, quản lý về phát triển doanh nghiệp, chống gian lận thương mại, quản lý đất đai, cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp…
Vì vậy, việc cần thiết là tập trung làm lành mạnh, bình đẳng, tự do, đúng pháp luật, tạo sự ổn định, phát triển đúng hướng.
Thứ ba, Bộ trưởng Công an kiến nghị tập trung công tác phòng chống tội phạm, giảm tội phạm hình sự. Ông cho biết năm nay, tỷ lệ tội phạm giảm 6,8% so năm trước. Tướng Tô Lâm nêu mục tiêu phấn đấu mỗi năm giảm 5-8%.
“Năm 2021, chúng tôi đăng ký với Chính phủ giảm ít nhất 5% số vụ việc phạm pháp hình sự”, đại tướng Tô Lâm nói.
Hàng trăm người nhập cảnh trái phép mỗi ngày
Vấn đề thứ tư được Bộ trưởng Công an kiến nghị là quan tâm chăm lo hơn nữa về đời sống cho nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, những vùng chiến lược như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
“Phát triển không đồng đều sẽ tạo áp lực rất lớn cho xã hội nên cần tạo bình đẳng", ông Lâm nói.
Công an xã Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) tham gia tuần tra khu vực biên giới. Ảnh: Đình Đình. |
Cuối cùng, Bộ trưởng Công an đề cập đến dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cần tập trung quản lý.
Nhắc đến bối cảnh chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng XIII và Tết Tân Sửu, ông Lâm cho biết nhu cầu người Việt Nam ở hải ngoại về nước rất lớn.
“Chúng tôi đang xử lý việc này rất vất vả. Nếu không tỉnh táo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống dịch, bảo đảm an ninh, an toàn phát triển kinh tế xã hội”, ông Lâm chia sẻ.
Tư lệnh ngành công an dẫn con số thống kê 70.000 người được đưa về nước và vẫn còn hàng trăm nghìn người ở nước ngoài muốn về. Số lượng này tăng lên rất lớn dịp cuối năm.
“Đời sống của bà con trong vùng dịch ở nước ngoài rất khó khăn nên họ có nguyện vọng được về quê dịp Tết. Số lao động người Việt ở Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc rất lớn, hàng trăm nghìn người. Còn lượng người về Việt Nam từ Trung Quốc và Campuchia bằng đường bộ cũng rất lớn”, Bộ trưởng Công an nói.
Ông cũng phản ánh tình trạng xuất nhập cảnh bất hợp pháp diễn biến phức tạp khi trung bình mỗi ngày có hàng trăm người vượt biên. Tính từ đầu năm, đã có khoảng 14.000 người nhập cảnh bất hợp pháp, gây khó khăn rất lớn cho các lực lượng trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.