Sáng 28/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Hội nghị không chỉ đánh giá về năm 2020 mà còn cả giai đoạn 4 năm trước đó.
Trong các chương trình nghị sự, Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn đặt quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm.
Năm thành công nhất của nhiệm kỳ
“5 năm trước khi Chính phủ bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong và ngoài nước. Hôm nay, nhìn lại chặng đường đã đi, chúng ta vui mừng vì đất nước phát triển hơn bao giờ hết, kinh tế tăng trưởng cao, người dân được thụ hưởng các thành quả, biên cương bờ cõi được giữ vững, niềm tin được nâng lên”, Thủ tướng vui mừng chia sẻ.
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, trong năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19, trong khi nhiều nước rơi vào suy thoái, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương, kiểm soát tốt dịch bệnh và đạt nhiều kết quả ấn tượng trên các lĩnh vực.
“Đến nay, có thể khẳng định chúng ta đã đạt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng nhiều lãnh đạo cấp cao dự Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Ảnh: VGP. |
Cùng với đó, công tác phòng, chống tham nhũng cũng được đẩy mạnh, thiết lập lại kỷ cương phép nước, đẩ lùi tiêu cực, làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định “2020 được xem là năm thành công nhất trong nhiệm kỳ về ý chí và tinh thần vượt khó, vươn lên”.
Đặc biệt, chúng ta còn chứng kiến con số tăng trưởng ấn tượng của nhiều địa phương mới nổi, đây là nhân tố truyền cảm hứng để nhiều địa phương khác vượt lên chính mình
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Nhắc đến nhận định của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín quốc tế như ngày nay”, Thủ tướng cho biết niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với tương lai đất nước không ngừng được củng cố và nâng cao.
Ông cho biết 5 năm qua, toàn đảng, toàn dân, toàn quân đã cùng tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Riêng năm 2020, kinh tế nước ta vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương gần 3%. Theo đánh giá của IMF, kinh tế nước ta đã vượt mốc 340 tỷ USD.
Việt Nam được xếp hạng top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, và là 1 trong 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.
“Đặc biệt, chúng ta còn chứng kiến con số tăng trưởng ấn tượng của nhiều địa phương mới nổi, đây là nhân tố truyền cảm hứng để nhiều địa phương khác vượt lên chính mình”, Thủ tướng nói.
Ông nhấn mạnh Việt Nam không chỉ thành công về kinh tế mà còn đạt nhiều tiến bộ nhanh chóng về xã hội với việc tạo ra hơn 8 triệu việc làm, thu nhập và mức sống người dân ngày càng được nâng cao.
Trong thu - chi ngân sách, Thủ tướng đánh giá thu đạt yêu cầu, chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Minh chứng cho nhận định này, ông cho biết trước tình hình dịch Covid-19, Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội, được cho phép có thể hụt thu 200.000 tỷ, nhưng tổng giảm thu trong năm chỉ có 50.000 tỷ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng thông báo về những kết quả đạt được trong năm 2020 và nhận định đây là năm thành công nhất của nhiệm kỳ. Ảnh: VGP. |
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, nông nghiệp sạch đang trở thành xu hướng, phát triển công nghiệp theo chiều sâu; cán cân thương mại, hàng hóa liên tục thặng dư trong suốt những năm qua nhờ lợi thế, cạnh tranh trong cơ cấu; điều hành chính sách tiền tệ đạt nhiều kết quả quan trọng, bám sát tín hiệu của thị trường.
Bên cạnh kinh tế Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân đạt nhiều thành tựu quan trọng và trở thành mũi nhọn phát triển. Giá trị thương hiệu Việt Nam tăng vững chắc, hiện là 319 tỷ USD.
Đặt mục tiêu cao hơn về phát triển kinh tế
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá tăng trưởng GDP có nhiều ý nghĩa, nhưng không thể đo đếm được hết tình người trong bão lũ miền Trung, không phản ánh đầy đủ được bản chất tốt đẹp của chế độ.
Song dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Chính phủ đều nhận diện những hạn chế, khó khăn, như tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, đời sống của một bộ phận người dân chưa được bảo đảm, mặt bằng thu nhập còn thấp, khu vực doanh nghiệp nhìn chung còn khó khăn, sức cạnh tranh thấp, những nút thắt về hạ tầng, nguồn nhân lực… Thủ tướng cũng nhắc tới những vấn đề sát sườn với người dân như tai nạn giao thông, cờ bạc, ma túy, ô nhiễm môi trường…
Đại biểu dự hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 28/12. Ảnh: VGP. |
Thủ tướng cho rằng từ sau thế kỷ XXI, thế giới có thể không nhớ tới những quốc gia dẫn đầu về thu nhập nhưng sẽ luôn nhớ đến những quốc gia, tổ chức, cá nhân tiên phong trong một số thành tựu, đóng góp cho cuộc sống tốt hơn của người dân.
“Việt Nam chưa thể trong nhóm đứng đầu thế giới về thu nhập, nhưng hoàn toàn có thể đi đầu trong một số lĩnh vực. Chúng ta cần sớm nhìn ra cơ hội khi người khác nhìn thấy rủi ro”, Thủ tướng nói.
Việt Nam chưa thể trong nhóm đứng đầu thế giới về thu nhập, nhưng hoàn toàn có thể đi đầu trong một số lĩnh vực. Chúng ta cần sớm nhìn ra cơ hội khi người khác nhìn thấy rủi ro
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Theo ông, Đảng ta đã sớm nhìn ra cơ hội này và đang chủ động đề ra chủ trương, chính sách lớn. Cả hệ thống chính trị và người dân cần nỗ lực, quyết tâm biến cơ hội thành lợi thế, biến lợi thế thành nguồn lực, chuyển nguồn lực thành kết quả, giữ sự phát triển bền vững cho đất nước.
Dù còn nhiều thách thức, Thủ tướng cho biết Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5% và đặt mức tăng cao hơn nữa trong các chỉ tiêu về kinh tế.
“Đất nước ta đối diện nhiều cơ hội đan xen thách thức mới, chúng ta cần tiếp tục hun đúc, gìn giữ ngọn lửa khát vọng, tinh thần lạc quan, bền bỉ với niềm tin kiên định cho chặng đường phát triển trong 5 năm tiếp theo”, Thủ tướng nói và bày tỏ tin tưởng đất nước ta sẽ tiến nhanh hơn nữa.