Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Công an: Đã cấp 12 triệu hồ sơ định danh điện tử

Đại tướng Tô Lâm cho biết mã định danh điện tử có thể thay thế thẻ bảo hiểm, căn cước công dân để đăng ký xe máy và nhiều giấy tờ tương ứng khác, tạo thuận lợi cho người dân.

Phát biểu tại nghị trường Quốc hội sáng 4/11, đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an nêu 3 vấn đề liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông. Đồng thời, ông cũng nêu những lợi ích của tài khoản định danh cá nhân và việc chuẩn bị cho thời điểm 31/12, khi hộ khẩu giấy không còn giá trị sử dụng.

Mã định danh có thể thay thế nhiều giấy tờ

Phát biểu về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Công an cho biết hiện nay Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức kết nối và chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 12 bộ ngành, 4 doanh nghiệp Nhà nước và UBND 15 tỉnh, thành.

Tuy nhiên, việc kết nối được nhận định còn khó khăn bởi hạ tầng công nghệ của nhiều địa phương, bộ ngành chưa đảm bảo, thiếu đồng bộ; chưa triển khai đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin theo quy định.

Nhiều cơ quan chưa số hóa dữ liệu, quy trình triển khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. “Các ngành, địa phương muốn kết nối phải có trung tâm dữ liệu và đảm bảo an toàn”, Bộ trưởng Tô Lâm nói và cho biết đây là hai điều kiện có yếu tố quyết định.

Thời gian tới, Bộ Công an sẽ rà soát kết nối này để phục vụ người dân. Bốn nguyên tắc để đảm bảo cơ sở dữ liệu đạt yêu cầu là đúng, đủ, sạch và sống. Thiếu một trong số yếu tố này thì không thực hiện được.

Về việc cấp hồ sơ định danh điện tử, tính đến 1/11/2022, Bộ Công an đã cấp hơn 12 triệu hồ sơ định danh điện tử cho công dân. Từ đây, người dân có thể dễ dàng trao đổi thông tin, không phải cung cấp, điền nhiều khi làm việc với cơ quan Nhà nước và chỉ kê khai một lần; đảm bảo 4 không: “Không tiếp xúc, không giấy tờ, không tiền mặt, không gặp gỡ”.

Hồ sơ này giúp đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công, có thể thay thế thẻ bảo hiểm, thay thế căn cước công dân để đăng ký xe máy và thay thế cho các giấy tờ tương ứng...

Đồng thời, để chuẩn bị cho thời điểm 31/12 khi hộ khẩu giấy không còn giá trị, Bộ trưởng Công an cho biết đã hoàn thành dự thảo nghị định sửa đổi 19 nghị định khác có liên quan đến sử dụng sổ hộ khẩu và dự kiến được thông qua trước 15/12.

ho so dinh danh anh 1

Công dân chờ nhiều nhất là 7 ngày để được cấp tài khoản định danh. Ảnh: N.H.

Thanh tra toàn bộ nhà mạng viễn thông

Tại phiên chất vấn, trả lời câu hỏi của Đại biểu Đinh Công Sỹ (đoàn Sơn La), Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết cơ quan này dự kiến thanh tra toàn bộ nhà mạng viễn thông trong năm nay về hoạt động thu thập, xử lý, đảm bảo an toàn dữ liệu; đầu năm sau sẽ triển khai thanh tra đến doanh nghiệp bưu chính và các mạng xã hội lớn.

Hiện, Bộ Công an sắp hoàn thành xây dựng nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ngoài ra, Bộ TTTT đã tiến hành tăng mức phạt gấp 2 lần mang tính răn đe doanh nghiệp, cá nhân vi phạm việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Tuy nhiên, các quốc gia khác không có con số tuyệt đối mà dựa trên doanh thu. “Có nghĩa mức phạt lên tới 1 tỷ USD. Các doanh nghiệp này kinh doanh, giàu có chủ yếu nhờ dữ liệu cá nhân”, Bộ trưởng đề nghị cần xem xét lại mức phạt vi phạm đồng thời cho biết cơ quan này đang dự kiến đề xuất lấy năm 2023 làm năm dữ liệu số Việt Nam để nâng cao nhận thức.

ho so dinh danh anh 2

Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi.

Chia lửa với Bộ trưởng TTTT, đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, nêu đánh giá tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu, thông tin cá nhân đang diễn biến phức tạp. Để giải pháp ngăn chặn, ông nêu đề nghị hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến về dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bên cạnh đó, bộ, ngành, địa phương cần chủ động đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh hệ thống, dữ liệu cá nhân; bố trí đội ngũ nhân sự chất lượng cao, có khả năng, năng lực hoàn thành được việc này.

Về an ninh mạng, Bộ trưởng Công an nêu 5 nhóm vấn đề trong lĩnh vực quản lý Nhà nước. Trong đó, hành lang pháp lý, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này chưa được hoàn thiện. Quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa đi vào thực chất, nặng về hình thức, còn tình trạng khoán trắng việc bảo vệ an ninh mạng cho cơ quan chuyên trách.

Bên cạnh đó, phần lớn nền tảng, dịch vụ OTT, mạng xã hội, dịch vụ công nghệ… của doanh nghiệp nước ngoài hiện không có pháp nhân, văn phòng đại diện ở Việt Nam để triển khai các giải pháp quản lý.

Đồng thời, còn nhiều sơ hở trong quản lý các loại hình dịch vụ, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ về phạm tội như tiền ảo, kinh doanh ngoại hối, hoạt động cung ứng sử dụng sim…

“Vấn đề quản lý sử dụng SIM rất quan trọng, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị các doanh nghiệp khi loại bỏ SIM rác sẽ góp phần lành mạnh cho xã hội, lành mạnh thông tin và giao dịch”, theo lời đại tướng Tô Lâm.

Về giải pháp, Bộ trưởng Công an cho biết sẽ tăng hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế phối hợp, tăng cường thanh tra, quản lý Nhà nước về an ninh mạng. Bên cạnh đó là việc nâng cao trình độ năng lực, trang bị hiện đại cho lực lượng đảm bảo an ninh mạng để theo kịp sự phát triển.

Sẽ thanh tra quảng cáo trên Facebook, TikTok

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thời gian tới, Bộ TTTT sẽ thanh tra các nền tảng xuyên biên giới về vấn đề quảng cáo bởi hiện nay quy định pháp luật đã hoàn thiện.

Hồng Quang

Bạn có thể quan tâm