Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bố tôi 80 tuổi bị ung thư, mỗi lần đến viện K luôn mang theo sách'

Nhiều bác sĩ chỉ tập trung vào học tập và công việc, gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội và không biết cách bày tỏ nỗi lòng, suy nghĩ của bản thân với bệnh nhân. Cuốn sách "Để yên cho bác sĩ 'hiền'" đã giúp họ nhìn thấy chính mình trong đó.

"Tôi bị trầm cảm nặng và mất phương hướng"

Hóa ra con đường trở thành một bác sĩ của Ngô Đức Hùng không hề suôn sẻ như các đồng nghiệp khác.

Ngô Đức Hùng học tại Đại học Y từ năm 1999 và tốt nghiệp vào năm 2010, mất đúng 11 năm. Sau khi ra trường, anh thấy hụt hẫng, rơi vào trạng thái stress nặng và mất phương hướng nên xin phép thầy về quê ở Bắc Ninh. Suốt một năm ở nhà, anh chỉ gấp giấy và đi chơi nhưng cũng kịp xuất bản một cuốn sách về Origami cùng với bạn bè.

Kể lại quá trình vượt qua những trở ngại về tâm lý tự thân, anh nói: "Sau khi nghỉ ngơi, tôi thông báo với gia đình sẽ xin việc ở Bắc Ninh. Tôi làm việc tại bệnh viện tỉnh gần nửa năm thầy giáo sốt ruột và giục lên. Tôi không hề có ý định quay lại Hà Nội. Nhưng rồi câu chuyện về một bệnh nhân đã giúp bản thân lấy lại sự cân bằng. Tôi tiếp nhận một cậu bé bị đuối nước và tổn thương phổi nặng. Do các bệnh viện tuyến dưới thiếu thiết bị để xét nghiệm nên tôi phải dựa vào kinh nghiệm ít ỏi của mình. Tôi mất ăn mất ngủ suốt một tháng để theo dõi tình trạng của bệnh nhân, may mắn là cậu bé có thể bỏ ống thở và nội khí quản".

Cậu bé ấy bị câm điếc bẩm sinh, khi bệnh nhân hồi phục, mẹ cậu mang đến một thúng bánh đúc cảm ơn cả khoa. Khoảnh khắc đó khiến bác sĩ Ngô Đức Hùng nhận ra rằng mọi nỗ lực của mình là xứng đáng và anh đang làm một việc có ý nghĩa. Anh quyết định lên Hà Nội và được đặc cách làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai, đồng thời giảng dạy bộ môn Hồi sức cấp cứu của Đại học Y Hà Nội - môi trường đầy thách thức.

Bac si Hung Ngo anh 1

Viết sách giúp tôi “mở cửa” với thế giới bên ngoài

Ngô Đức Hùng rất may mắn khi được sinh ra trong một gia đình yêu thích sách, giúp hình thành thói quen đọc từ nhỏ. Bố anh là bác sĩ Đông y làm việc tại một khu điều dưỡng, nơi có thư viện lớn với đủ loại sách, nghỉ hè cậu bé Hùng theo bố đến cơ quan và đọc tất cả mọi thứ mình tìm được.

Khi PV đặt câu hỏi: Trong cuốn sách đầu tay, anh đã chia sẻ nhiều trải nghiệm cá nhân một cách trần trụi và dí dỏm, điều gì thôi thúc anh viết như vậy? Ngô Đức Hùng trả lời không nhớ hết những gì mình đã viết trong Để yên cho bác sĩ “hiền”(NXB Thế giới). Cuốn sách này giống một quyển nhật ký ghi lại toàn bộ quá trình học tập và làm việc của anh, được viết sau những giờ làm căng thẳng.

Người bác sĩ trẻ viết để giải tỏa bức xúc của chính mình, từ khi làm bác sĩ nội trú và kéo dài khoảng 6 năm. Anh cũng không hề có ý tưởng xuất bản sách, một người bạn đã kiên trì tập hợp các bài viết thành bản thảo và gửi cho Công ty Nhã Nam dù tác giả 3 lần từ chối.

Bac si Hung Ngo anh 2

Cuốn sách giống một quyển nhật ký ghi lại toàn bộ quá trình học tập và làm việc của tác giả.

Thời điểm đó, tôi làm việc vất vả, thường phải thức đêm một mình với bệnh nhân. Thế nhưng, điều đáng buồn là khi có sự cố y khoa, không có ai đứng ra bảo vệ các bác sĩ. Tôi bức xúc tự hỏi: ''Tại sao dù nỗ lực làm tốt như vậy mà mọi người lại nghĩ xấu về chúng tôi?''. Mãi sau, tôi mới hiểu rằng xã hội thường đứng về phía người yếu thế, vì vậy họ luôn bảo vệ bệnh nhân", bác sĩ Ngô Đức Hùng bày tỏ.

Thực tế là giữa bệnh nhân và bác sĩ chưa có sự kết nối để thấu hiểu và cảm thông. Người bệnh nào cũng mong muốn nhận được sự quan tâm và chăm sóc từ bác sĩ khi gặp vấn đề về sức khỏe. Ngược lại, bác sĩ lại chỉ tập trung xác định bệnh và chữa trị, không để tâm đến cảm xúc của bệnh nhân. Sự khác biệt này dẫn đến mâu thuẫn, đặc biệt là trong môi trường cấp cứu.

Thật may mắn Để cho bác sĩ "hiền" đã góp phần “hóa giải” những hiểu lầm giữa bệnh nhân và bác sĩ. Độc giả đã tin tưởng vào tiếng nói của chính người trong cuộc. Mặt khác, nhiều bác sĩ chỉ chú tâm vào học tập và công việc, thường gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội và không biết cách bày tỏ nỗi lòng của mình. Cuốn nhật ký của Ngô Đức Hùng đã giúp họ nhìn thấy chính mình trong đó.

"Trước đây, tôi có ấn tượng xấu về truyền thông vì nhiều tờ báo thường đưa tin không tích cực về ngành y. Sau này, tôi nghiệm ra rằng chính bản thân các bác sĩ đang đóng cửa với cộng đồng, không chia sẻ cho mọi người biết mình nghĩ gì và công việc đang làm như thế nào. Vì thế, tôi quyết định cởi mở hơn, giúp xã hội hiểu hơn về ngành nghề đặc thù này. Viết sách giúp tôi mở cửa ra thế giới bên ngoài", Ngô Đức Hùng bộc bạch.

Với lịch trình công việc dày đặc, Ngô Đức Hùng thường viết trong các chuyến đi chơi, khám phá nhiều vùng đất mới. Bác sĩ quan niệm trường học chỉ là một phần trong cuộc sống. Để thực sự giỏi và phát triển bản thân, mỗi người cần học hỏi từ thế giới bên ngoài. Những chuyến đi không chỉ khiến đầu óc thư thái mà còn mở rộng khả năng tiếp thu, tích luỹ thêm vốn liếng để tác giả viết sách.

Chia sẻ với VietNamNet về những cuốn sách khác của mình, bác sĩ Ngô Đức Hùng cho biết: "Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể (NXB Thế giới) là phần tiếp theo Để yên cho bác sĩ “hiền”. Thời kỳ tham gia chống dịch Covid là khoảng thời gian khá căng thẳng và viết sách cũng là một liệu pháp tâm lý hữu hiệu.

3 phút sơ cứu (NXB Thế giới) lại là ấn phẩm thuần về chuyên môn. Trước đây, các sách về y khoa dành cho cộng đồng chủ yếu là tổng hợp hoặc biên dịch, không phù hợp với văn hóa và dân trí Việt Nam. Do đó, khi viết sách này, tôi đã điều chỉnh thông tin cho hợp với người Việt, lồng ghép các kinh nghiệm dân gian, phân tích đúng sai để người đọc có cái nhìn toàn diện".

Bac si Hung Ngo anh 7

Cuốn sách được bác sĩ hoàn thành khẩn trương trong 3 tháng, chụp ảnh minh họa chỉ mất 1 ngày. Anh nóng lòng muốn phát hành sau khi chứng kiến nhiều trường hợp cấp cứu sai cách dẫn đến những cái chết không đáng có khiến bản thân day dứt, ám ảnh.

"3 phút sơ cứu được hoàn thành trong thời gian tôi bị xuất huyết tiêu hóa và để giải tỏa căng thẳng, tôi đã đến Mông Cổ. Trong chuyến đi, tôi luôn mang theo một cuốn sổ và bút chì ghi lại ý tưởng, buổi tối ở Mông Cổ không có điện, tôi chỉ có một đèn pin nhỏ để làm việc.

Mặc dù bộ ảnh của 3 phút sơ cứu chưa làm tôi hài lòng nhưng tôi quyết định giữ lại để tưởng nhớ một cậu học trò - nhân vật trong bộ ảnh, người đã qua đời vì rối loạn nhịp tim trên đường do không được sơ cứu kịp thời", tác giả nhớ lại quá trình sáng tác với nhiều kỷ niệm xúc động.

Khi được hỏi về dự định trong tương lai, bác sĩ Ngô Đức Hùng cho hay, anh sẽ phát hành phiên bản của 3 phút sơ cứu dành cho trẻ em và một cuốn sách về nghệ thuật gấp giấy Origami.

Bac si Hung Ngo anh 8

Bác sĩ Ngô Đức Hùng tham gia vào một dự án chuyển thể kiến thức từ "3 phút sơ cứu" thành video và bộ flashcard sơ cứu tiện lợi, hoàn toàn miễn phí.

Nhận xét về văn hóa đọc trong thời đại này, bác sĩ Ngô Đức Hùng thẳng thắn: "Một người bạn đạo diễn từng nói giới trẻ hiện nay là thế hệ 'ngón tay cái' chỉ cắm mặt vào điện thoại, lướt qua hàng trăm video ngắn trên TikTok mỗi ngày mà không đọng lại điều gì. Tôi luôn nói với sinh viên rằng, muốn ghi nhớ một vấn đề phải nhìn vào dòng chữ mà bạn đọc, thay vì chỉ nhìn vào máy tính hay điện thoại".

Theo anh, đọc sách giúp con người tĩnh tâm và tập trung vào một thông điệp cụ thể, đây là cách hiệu quả để giảm stress. Đọc sách không chỉ giúp ghi nhớ lâu hơn mà còn gia tăng kỹ năng tổng hợp thông tin, khơi gợi trí tưởng tượng và khám phá những tầng ý nghĩa sâu xa, đồng thời kích thích bộ não hoạt động rất hiệu quả.

"Bố tôi đã 80 tuổi và đang điều trị ung thư. Dù vậy, mỗi lần đến bệnh viện K, ông luôn mang theo một cuốn sách. Hình ảnh ấy để lại ấn tượng sâu sắc trong mắt mọi người và trở thành đặc điểm nhận diện thú vị của ông", vị bác sĩ kết thúc cuộc trò chuyện bằng một tấm gương cổ vũ văn hoá đọc hết sức ý nghĩa.

Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Đức Hùng

Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Đức Hùng, sinh năm 1981, hiện là giảng viên bộ môn Hồi sức cấp cứu, Đại học Y Hà Nội, đồng thời công tác tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Anh tham gia biên soạn nhiều giáo trình và phác đồ Hồi sức cấp cứu cho Đại học Y Hà Nội và Bộ Y tế; hoàn thành nhiều chương trình đào tạo cấp cứu và kiểm soát chấn thương từ các tổ chức y tế và trường đại học y khoa danh tiếng trên thế giới. Anh cũng là người đầu tiên lập ra đơn thuốc chống sốc độ cao phổ biến cho cộng đồng phượt Việt Nam.

Để yên cho bác sĩ “hiền” là tự truyện của bác sĩ Ngô Đức Hùng được xuất bản lần đầu vào tháng 3/2018. Với nội dung truyền cảm hứng và góc nhìn mới về ngành y, cuốn sách đã tái bản khoảng 20 lần với 80.000 bản. Ngoài ra, Ngô Đức Hùng còn có một số cuốn sách khác như: 3 phút sơ cứu, Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể.

https://vietnamnet.vn/cuon-sach-gop-phan-hoa-giai-nhung-hieu-lam-giua-benh-nhan-va-bac-si-2318957.html

Linh Đan/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm