Bộ TN&MT cho rằng việc một số địa phương sử dụng giá đất trong bảng giá đất hiện hành theo Luật Đất đai 2013 đã dẫn tới sự chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá. Ảnh: Việt Linh. |
Ngày 23/8, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Minh Ngân ký công văn yêu cầu các tỉnh, TP trực thuộc trung ương điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất.
Theo Bộ TN&MT, hiện nay có tình trạng một số địa phương sử dụng giá đất trong bảng giá đất hiện hành theo Luật Đất đai năm 2013 để làm giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết tại Luật Đất đai năm 2024.
Điều này dẫn tới sự chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, bất động sản.
Bộ TN&MT cho rằng tình trạng nêu trên xảy ra có một phần nguyên nhân do bảng giá đất hiện hành được ban hành theo Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành bị khống chế bởi khung giá đất của Chính phủ đã được bỏ tại Luật Đất đai năm 2024.
Bên cạnh đó, trong thời gian thực hiện bảng giá đất, một số địa phương chưa kịp thời theo dõi biến động giá đất trên thị trường để điều chỉnh cho phù hợp, dẫn đến giá đất trong bảng giá tại một số khu vực còn thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương khi áp dụng giá đất trong bảng giá đất phục vụ cho công tác quản lý đất đai phải chỉ đạo rà soát.
Trường hợp bảng giá đất tại khu vực, vị trí chưa phù hợp thực tế thì căn cứ quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương để quyết định điều chỉnh. Việc điều chỉnh bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 và sẽ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2025.
Thực tế, Luật Đất đai 2024 quy định bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành được áp dụng hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh được phép điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế giá đất tại địa phương.
Từ 1/1/2026, UBND cấp tỉnh xây dựng trình HĐND cùng cấp duyệt bảng giá đất lần đầu để công bố. Hàng năm, UBND cấp tỉnh trình sửa đổi, bổ sung bảng giá đất vào ngày 1/1 của năm tiếp theo.
Cũng tại văn bản này, lãnh đạo Bộ TN&MT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch.
Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Trong 1 tháng trở lại đây, hoạt động đấu giá đất tại các huyện vùng ven Hà Nội "nóng" lên, các phiên đấu giá đất tại huyện Thanh Oai, Hoài Đức đã thu hút lượng người tham gia lớn với hàng nghìn hồ sơ đăng ký.
Đáng nói, giá trúng đấu giá tại các địa phương này lên tới cả trăm triệu/m2, gấp nhiều lần so với giá khởi điểm và vượt xa mức giá giao dịch thực tế của các lô đất cùng khu vực.
Gần nhất, 19 thửa đất thuộc địa phận thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km, nhưng được đấu giá thành công với giá trúng cao nhất lên tới 133,3 triệu đồng/m2, gấp 18 lần khởi điểm.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.