Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Thông tin và Truyền thông nói gì về tăng cước 3G?

Việc tăng hay giảm giá cước 3G trong thời gian tới phụ thuộc vào số lượng người dùng 3G có tăng đến mức đẩy giá thành bình quân trên mỗi thuê bao về dưới mức 111 đồng/Mb hay không.

Trả lời trong cuộc họp báo về một số vấn đề quản lý viễn thông chiều nay, ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói, giá cước 3G trong thời gian tới có thể tăng hoặc giảm, tùy theo giá thành trên mỗi thuê bao của nhà mạng thay đổi ra sao. Theo lý giải của Thứ trưởng Thắng, thời gian đầu khi cung cấp 3G tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp viễn thông phải chấp nhận đầu tư rất lớn, nhưng do lượng người dùng còn thấp nên giá thành trung bình trên mỗi thuê bao là rất cao. Khi đó, để tạo thói quen tiêu dùng, nhà mạng phải giảm giá cước về sâu dưới giá thành.

Hiện nay, theo số liệu mới nhất, cả nước đã có gần 19 triệu thuê bao 3G, so với ban đầu giá thành tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, vượt xa giá cước. Ông Thắng dẫn báo cáo giá thành của các doanh nghiệp đã được bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận thì giá thành trung bình kế hoạch của năm 2013 đối với dịch vụ dữ liệu 3G là 167,66 đồng/Mb (chưa bao gồm thuế VAT) và 184,4 đòng/Mb (đã có thuế). Trong khi đó, mức cước trung bình trên thị trường trước khi tăng giá 3G chỉ là 100 đồng/Mb (đã bao gồm thuế) khiến doanh nghiệp không có lãi, khó khăn cho đầu tư phát triển và tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng.

"Việc tăng giá cước 3G mới đây chỉ khiến giá cước trung bình trên mỗi Mb dung lượng tăng thêm 10 đồng, khiến giá cước sau khi điều chỉnh mới chỉ bằng gần 60% giá thành", vị này chia sẻ.

Ông Thắng cũng cho rằng cần phải hiểu việc tăng hay giảm giá một dịch vụ viễn thông nói chung và 3G nói riêng là điều bình thường, và tuân theo quy luật giá. "Hàng năm, doanh nghiệp viễn thông phải báo cáo giá thành với bộ theo thông tư hướng dẫn cách tính giá thành mà bộ đã ban hành, để xem xét điều chỉnh giá cước chứ không thể năm nay tăng giá thì giá cứ mãi mãi như thế được vì thị trường có thể mở rộng hơn, doanh nghiệp cũng đã khấu hao hết. Nếu thấy giá cước tăng bất hợp lý thì sẽ điều chỉnh giảm, còn nếu chưa bằng giá thành thì sẽ lại tiếp tục tăng, chứ không phải chỉ có tăng mà không có giảm".


Trần Bình

Bạn có thể quan tâm