Theo đại diện cục Quản lý cạnh tranh, từ ngày 16/10, 3 doanh nghiệp viễn thông lớn là Viettel, VinaPhone, MobiFone đã đồng loạt điều chỉnh tăng giá cước 3G. Dư luận đặt ra câu hỏi về việc liệu các doanh nghiệp này có thỏa thuận trước khi tăng giá hay không, ba doanh nghiệp này có lợi dụng vị trí thống lĩnh thị trường để tăng giá và vi phạm luật cạnh tranh hay không. Ngoài ra, nghi vấn việc các doanh nghiệp này trước đó bán dưới giá thành phải chăng là cách để hạn chế các doanh nghiệp mới tiếp cận thị trường cũng được đặt ra.
Trước đó, ngay từ ngày 4/10, Cục quản lý cạnh tranh Bộ Công thương đã yêu cầu các doanh nghiệp trên cung cấp toàn bộ thông tin về việc tăng giá này. Xét thấy đây là một vấn đề phức tạp có liên quan đến luật pháp và các yếu tố kỹ thuật nên Bộ Công thương sẽ phải thu thập đầy đủ các thông tin và phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông để sớm có kết luận về vụ việc trên.
Trả lời về việc giá gas trong nước tăng cao bất thường trong thời gian qua, ông Võ Văn Quyền, Vụ phó Vụ thị trường trong nước cho biết hiện mặt hàng này trong nước mới chỉ chủ động nguồn cung được khoảng 50%. Việc kinh doanh, quy định giá vẫn theo nguyên tắc doanh nghiệp tự kê khai giá và tiến tới thị trường hóa mặt hàng này, do đó, việc quản lý giá gas sẽ phải tuân theo các nguyên tắc thị trường, đảm bảo trong nước và ngoài nước tương đồng. Thực tế, giá gas năm 2012 trên thế giới năm nay đã giảm nhẹ so với năm trước, và cũng đưa giá gas trong nước từ 450.000 đồng/bình 12 kg (cuối năm 2012) xuống chỉ còn 360.000 đồng đến 400.000 đồng/bình 12kg.
Với tư cách là bộ chủ quản của tập đoàn điện lực Việt Nam EVN trả lời về những sai phạm trong kết luận thanh tra của tập đoàn này công bố vào ngày 30/9 vừa qua, đại diện Bộ Công thương - ông Đinh Thế Phúc, Cục phó Điều tiết điện lực - cho biết, đây mới chỉ là ý kiến ban đầu của thanh tra chính phủ. "Theo quy trình thì sau khi kết luận của thanh tra được trình lên và các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Lao động Thương binh xã hội có ý kiến thì Chính phủ mới đưa ra kết luận cuối cùng. Sau khi có kết luận chính thức, với tư cách là đơn vị chủ quản, Bộ Công thương sẽ có chỉ đạo xử lý các sai sót tại tập đoàn này".
Ngoài ra, ông Phúc cũng cho biết, các vấn đề khác do nguyên nhân khách quan, bất cập cơ chế, Bộ Công thương sẽ kết hợp với các bên liên quan để điều chỉnh, tạo thuận lợi cho hoạt động của tập đoàn này cũng như đảm bảo giá điện đến tay người tiêu dùng được minh bạch và chính xác nhất.