Bộ Tài chính đề nghị quy định chiết khấu cho đại lý bán lẻ xăng dầu. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương góp ý xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Trong đó, đáng chú ý, cơ quan này đề nghị Bộ Công Thương rà soát, đánh giá, giảm bớt số lượng khâu trung gian phân phối xăng dầu; nghiên cứu quy định mức thù lao tối thiểu (chiết khấu - PV) đại lý bán lẻ xăng dầu đảm bảo hoạt động cho các đơn vị bán lẻ ổn định nguồn cung trong kinh doanh xăng dầu. Tránh tình trạng có hàng mà không bán cho người dân vì cửa hàng lỗ.
"Đồng thời, nghiên cứu mỗi đại lý xăng dầu được mua hàng của các công ty phân phối khác về xăng dầu", Bộ đề xuất.
Thống nhất một đầu mối quản lý
Bên cạnh đó, cơ quan này đề nghị sửa đổi Nghị định 95 để giao thống nhất một đầu mối về Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành thực hiện nhiệm vụ về xác định giá và định mức chi phí, bao gồm tính toán các khoản định mức trong giá cơ sở; điều hành và giám sát việc thực hiện trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bộ Tài chính chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo đúng quy định.
Bộ Tài chính cho rằng giao thống nhất cho Bộ Công Thương quản lý kinh doanh xăng dầu là để vừa thống nhất về quản lý Nhà nước, vừa tăng tính chủ động, hiệu quả.
Hiện nay, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, đồng thời là cơ quan chủ trì điều hành giá. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ thuộc công tác điều hành giá xăng dầu lại được phân công cho Bộ Tài chính như giám sát trích lập, sử dụng quỹ bình ổn, rà soát tính toán chi phí định mức.
"Việc giao thống nhất nhiệm vụ về giá chuyển về Bộ Công Thương sẽ giúp cơ quan chủ trì điều hành giá nắm bắt bản chất của các yếu tố hình thành giá cơ sở để điều hành giá phù hợp thực tế cũng như giám sát chi phí thực hiện của các thương nhân", Bộ Tài chính phân tích.
Cơ quan này cho rằng việc phân tán như hiện nay làm phát sinh thêm quy trình và gây khó cho cơ quan điều hành giá vì giá cơ sở là tổng hòa của các yếu tố hình thành giá, không chỉ đơn giản là việc quyết định tăng/giảm giá tại thời điểm điều hành.
Hiện nay, Bộ Công Thương điều hành cung cầu còn Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu. Ảnh: Việt Linh. |
"Bộ Công Thương nhận định chủ quan, chưa chính xác"
Đặc biệt, tại văn bản góp ý, Bộ Tài chính cho biết Bộ Công Thương nhận định một trong những nguyên nhân khiến thị trường, nguồn cung xăng dầu bất ổn là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ...
"Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương bỏ nhận định chủ quan và chưa chính xác nêu trên trong dự thảo tờ trình Thủ tướng", văn bản nêu rõ.
Theo Bộ Tài chính, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới (hiện chiếm tỷ trọng từ 60% đến 80% tùy từng chủng loại trong công thức tính giá cơ sở).
Chi phí kinh doanh xăng dầu không phải nguyên nhân khiến thị trường, nguồn cung xăng dầu bất ổn.
Bộ Tài chính
Vì vậy, với những biến động đột biến của giá thế giới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là tại kỳ điều hành giá lại giảm sâu so với giá nhập mua. Mặt khác, những biến động về cung cầu, cạnh tranh thị trường, chiến lược tổ chức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp.
Đối với việc điều chỉnh các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở, Bộ Tài chính khẳng định đã được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 95 Thông tư số 104.
Cụ thể, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã được rà soát điều chỉnh 3 lần theo kết quả tổng hợp rà soát báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. "Như vậy, vấn đề này không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp", Bộ Tài chính khẳng định.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...