Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Tài chính chỉ đạo gỡ vướng trái phiếu doanh nghiệp

Bộ Tài chính yêu cầu UBCK làm việc với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn, doanh nghiệp có lượng trái phiếu sắp đáo hạn lớn, để có kế hoạch thanh toán tiền cho nhà đầu tư.

Bộ Tài chính yêu cầu NHNN chấn chỉnh các tổ chức tín dụng có hoạt động môi giới, tư vấn phát hành và định hướng người gửi tiền chuyển sang mua trái phiếu. Ảnh: Hoàng Hà.

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) và Vụ Tài chính ngân hàng (thuộc Bộ Tài chính) chỉ đạo về việc triển khai công điện của Thủ tướng liên quan thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã giao Vụ Tài chính ngân hàng, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, đảm bảo mục tiêu chống tiêu cực, lợi dụng chính sách, bảo đảm thị trường hoạt động công khai, minh bạch và phát triển bền vững.

Với yêu cầu này, Vụ Tài chính ngân hàng phải báo cáo lại Bộ trưởng Tài chính để trình Chính phủ trước ngày 20/12.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu cơ quan này chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán nghiên cứu, tham mưu các biện pháp hiệu quả để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Đồng thời, tham mưu, dự thảo công văn gửi Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu các tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ.

Đối với các ngân hàng có hoạt động môi giới, tư vấn phát hành, hỗ trợ, cam kết mua lại trái phiếu và định hướng người gửi tiền chuyển sang mua trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, cần có biện pháp chấn chỉnh và có trách nhiệm với nhà đầu tư, bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ.

Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Vụ Tài chính ngân hàng tiếp tục chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán thông tin về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cảnh báo những rủi ro nhà đầu tư có thể gặp phải. Tiếp tục nghiên cứu các chính sách, yêu cầu tổ chức phát hành định kỳ công bố, công khai minh bạch việc huy động và sử dụng tiền phát hành trái phiếu.

GIÁ TRỊ TPDN ĐÁO HẠN THỜI GIAN TỚI
Nguồn: SSC; HNX; VBMA; Tổng hợp.
Nhãn Tháng 12/2022 Tháng 1/2023 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
Phát hành riêng lẻ tỷ đồng 47595 17134 5697 13550 15580 20787 33491 26453 36152 42022 18049 12138 49929
Phát hành ra công chúng
0 0 0 5200 0 3000 3500 1300 1000 0 0 1600 4000

Với Ủy ban Chứng khoán, Bộ Tài chính yêu cầu cơ quan này tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn, doanh nghiệp có khối lượng trái phiếu sắp đáo hạn lớn, để có kế hoạch, giải pháp cụ thể thanh toán tiền cho nhà đầu tư. Trường hợp gặp khó khăn trong thanh toán cần chủ động đàm phán với nhà đầu tư để gia hạn, điều chỉnh lãi suất, hoán đổi tài sản, hạ giá sản phẩm…

Ủy ban Chứng khoán cũng phải chỉ đạo các công ty chứng khoán rà soát toàn diện hoạt động kinh doanh, môi giới, phân phối, bảo lãnh, tư vấn phát hành trái phiếu, có nguy cơ ảnh hưởng tới chỉ tiêu an toàn tài chính của công ty và tính ổn định của thị trường; sớm báo cáo kết quả cho Ủy ban, đặc biệt là các công ty có hình thức cam kết bảo lãnh, mua lại trái phiếu…

Bộ Tài chính yêu cầu cơ quan quản lý chứng khoán tham mưu chính sách để đẩy mạnh việc phát hành, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng.

Ủy ban Chứng khoán phải chỉ đạo VNX, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sớm hoàn thiện, vận hành hệ thống giao dịch tập trung trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đảm bảo minh bạch thị trường.

Các chỉ đạo mới nhất của Bộ Tài chính về trái phiếu doanh nghiệp kể trên được đưa ra sau khi Thủ tướng có công điện số 1163 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả.

Về phía Bộ Tài chính, cơ quan này mới đây cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022. Trong đó, một số nội dung chính của dự thảo được đề xuất mới là giãn thời gian thực hiện việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc xuống năm 2024.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất là cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư.

Doanh nghiệp có thể đàm phán để cơ cấu nợ trái phiếu nếu gặp khó khăn

Thủ tướng yêu cầu các tổ chức phát hành thực hiện nghĩa vụ theo đúng cam kết, trường hợp khó khăn cần cơ cấu khoản nợ trái phiếu theo tinh thần chia sẻ khó khăn.

Tiếp tục sửa đổi quy định về trái phiếu

Chính phủ mới đây tiếp tục yêu cầu sửa quy định về trái phiếu nhằm tăng trách nhiệm của tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm