Tỷ suất lợi nhuận của các các ông lớn hàng tiêu dùng khác như Sabeco hay Kinh Đô thấp hơn nhiều so với Vinamilk và Masan.
Vinamilk (VNM), Kinh Đô (KDC), Sabeco, MSN hay ngôi sao mới nổi QNS (công ty mẹ của Vinasoy) đều là những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng hiện nay, mỗi doanh nghiệp đều thống trị một phân khúc sản phẩm riêng của mình.
Trong đó, Vinamilk và Masan Consumer là những doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận vượt trội so với các doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm nay, Vinamilk đạt hơn 5 nghìn tỷ lợi nhuận sau thuế trong khi Masan Consumer cũng lại gần 1,8 nghìn tỷ.
Kết quả phân tích mới đây của chúng tôi cho thấy, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của 2 doanh nghiệp trên đều ở mức trên 20%, tức cứ 100 đồng doanh thu thì lãi tới 20 đồng. Trong khi đó, Sabeco, Kinh Đô hay QNS chỉ lãi hơn 10 đồng. Đối với QNS và Sabeco, chi phí sản xuất (giá vốn hàng bán) chiếm tỷ trọng lớn trên tổng doanh thu, ở mức trên 70% còn Masan và Kinh Đô chỉ chiếm hơn 50%.
Do đặc thù của ngành hàng tiêu dùng, các doanh nghiệp thường phải chi một khoản tiền lớn cho hoạt động bán hàng. Nhìn chung, chi phí bán hàng chiếm khoảng 10% doanh thu của nhóm doanh nghiệp này. Trường hợp cá biệt là Kinh Đô khi chi phí bán hàng chiếm gần 1/4 doanh thu.
Số liệu được thực hiện dựa trên kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2013 do các doanh nghiệp công bố (riêng Sabeco là số liệu 6 tháng đầu năm). Tổng doanh thu được tính bằng doanh thu thuần cộng với doanh thu từ hoạt động tài chính, lợi nhuận ngoài hoạt động kinh doanh và lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết. Chi phí khác bao gồm chi phí quản lý và chi phí tài chính.