Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Nông nghiệp 'mong doanh nghiệp không tăng giá thức ăn chăn nuôi'

Giá thức ăn chăn nuôi tăng lên mức kỷ lục trước xung đột Nga - Ukraine khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến mong doanh nghiệp không vội tăng giá bán.

Tại hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi heo và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi sáng 18/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến đề nghị các doanh nghiệp sản xuất không vội tăng giá thức ăn chăn nuôi.

"Trước mỗi khó khăn, thách thức thì hệ sinh thái Nhà nước, doanh nghiệp, trang trại, hộ nông dân cần gắn bó, chia sẻ với nhau để tạo sức mạnh chung. Rất mong các doanh nghiệp không vội tăng giá để chia sẻ cùng người chăn nuôi", Thứ trưởng Tiến nói.

Trước việc phải nhập khẩu rất lớn lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, Thứ trưởng Tiến cho hay đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn đang được xây dựng sẽ hướng đến giải quyết vấn đề thức ăn chăn nuôi theo từng vùng, miền gắn với các cơ sở chăn nuôi.

Như vậy, ông cho rằng chuỗi sản xuất từ giống, thức ăn chăn nuôi, vùng nuôi và logistics với nhà máy chế biến thực phẩm cần được cơ cấu lại.

Theo Thứ trưởng, giá thức ăn chiếm tới 65-70% giá thành trong chăn nuôi. Do đó, trong bối cảnh giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao thì việc ứng dụng công nghệ xây dựng khẩu phần ăn chăn nuôi từ nguyên liệu trong nước sẽ là giải pháp giúp hạ giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

gia thuc an chan nuoi anh 1

Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước vẫn chủ yếu từ nguồn nhập khẩu. Ảnh: Ngô Minh.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, do dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn của cả nước giảm mạnh các năm 2019-2020; năm 2021 đàn lợn của cả nước đã dần phục hồi. Hiện tổng đàn lợn cả nước đạt khoảng 28 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2021 đạt 3,9 triệu tấn.

Giá thịt heo xuất chuồng đang có xu hướng giảm nhẹ từ cuối tháng 2 đến nay, hiện ở mức 50.000-53.000 đồng/kg. Giá heo giống vẫn duy trì ở mức 1,1-1,3 triệu đồng/con. Tuy nhiên ngành chăn nuôi heo đang đứng trước khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao từ cuối năm 2021 tới nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng khoảng 20% so với cùng kỳ.

Việc tăng giá kỷ lục giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của thị trường quốc tế do tăng giá năng lượng mà chủ yếu là do hậu quả của xung đột giữa Nga - Ukraine đã gây khó khăn và thách thức lớn cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng. Chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65-70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi.

Với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng 18-22%. Việc tăng chi phí thức ăn chăn nuôi đã làm cho lợi nhuận người chăn nuôi lợn giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tháng 3 đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm ngũ cốc. Mức tăng cao nhất là giá lúa mì đã lên tới 9.850 đồng/kg, tăng tới 49,5%; khô dầu đậu tương là 16.500 đồng/kg, tăng 33,4%; ngô hạt giá là 10.200 đồng/kg, tăng 29,3%; bã ngô giá 10.300 đồng/kg tăng 23,1%.

Dabaco sắp tăng vốn gấp đôi

Đại gia chăn nuôi lợn lớn ở miền Bắc dự kiến thưởng cổ phiếu 100% cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn lên 2.300 tỷ đồng.

Giá lợn hơi xuất hiện mức 35.000 đồng/kg

Lượng lợn cung ứng ra thị trường vẫn cao hơn nhiều so với nhu cầu người dân khiến giá lợn hơi xuống thấp. Thậm chí loại lợn mỡ xấu chỉ còn khoảng 35.000 đồng/kg.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm