Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bộ, ngành làm luật có lợi cho quản lý, chỉ đạo của mình'

Thảo luận về thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh tính thống nhất của các dự án chưa đảm bảo, thiếu cái nhìn tổng thể.

Sáng 13/9, phiên họp thứ 27 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho ý kiến, thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho hay sau gần 5 năm thực hiện, Chính phủ đã trình ban hành được 54 luật, pháp lệnh, 4 dự án đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và 2019. Còn 17 dự án chưa đưa vào chương trình. So với thời hạn dự kiến, có 2 dự án quá hạn 4 năm, 2 dự án quá hạn 3 năm, 9 dự án quá hạn 2 năm...

Phụ lục về danh mục các dự án kèm theo kế hoạch triển khai ban hành Hiến pháp theo nghị quyết số 178 của Quốc hội chưa được ban hành cho thấy tiến độ cập nhật báo cáo của Chính phủ khá chậm.

Đơn vị thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc và lộ trình thực hiện đối với từng dự án đã quá thời hạn dự kiến ban hành. Đồng thời kiến nghị các dự án không còn phù hợp với thực tế hiện nay cần đưa ra khỏi danh mụ.

Dự án luật khi thẩm tra là 'vỡ trận'

Cho ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khá đồng tình với các báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra. Theo đó, hệ thống pháp luật cơ bản được ban hành kịp thời để triển khai. Chính phủ quan tâm hơn tới công tác xây dựng thể chế, có nhiều phiên họp chuyên đề lấy ý kiến, thực hiện tốt hơn.

Cac bo lam luat co loi cho minh quan ly anh 1
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng nhiều bộ, ngành làm luật có lợi cho quản lý của mình. Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, bà Lê Thị Nga nhận định còn một số văn bản quy phạm pháp luật khá quan trọng nhưng chưa được ban hành. Có bộ, ngành thiếu chủ động trong thi hành nghị quyết nên lúng túng, rồi tình trạng lùi, hoãn, rút ra khỏi chương trình.

Chất lượng một số dự án luật chưa đảm bảo cả về chuẩn bị, nội dung, thời gian khi trình... Đánh giá tác động của nhiều dự án luật còn hình thức, khi đưa sang Quốc hội thẩm tra là "vỡ trận". Về số lượng, còn một số văn bản khá quan trọng chưa được ban hành.

Đồng quan điểm, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh, đó là phải đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Hệ thống pháp luật được sửa đổi liên tục để đáp ứng tình hình, nhưng ông lo lắng sự phá vỡ của một số luật, dẫn tới tính thống nhất không đảm bảo. Phó chủ tịch Quốc hội lấy dẫn chứng như Luật Giáo dục (sửa đổi).

Ông phân tích đây là một luật tác động đến rất nhiều luật khác. Luật Giáo dục nói đến thuế, chính sách tiền tệ, miễn giảm... Cơ chế có liên quan lĩnh vực này nhưng tác động đến lĩnh vực khác.

"Đó là thực tế, tính phối hợp, nhạc trưởng chưa tốt. Mỗi bộ, ngành đề xuất dự án luật đều đưa ra vấn đề có lợi cho quản lý, điều hành chỉ đạo của mình nhưng thiếu cái nhìn tổng thể. Thậm chí, dự án luật đưa ra Quốc hội nhưng trong Chính phủ chưa thống nhất. Có cuộc mấy Bộ trưởng sang bên này nói khác nhau", Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Hơn 5.600 văn bản ban hành trái luật

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho hay qua công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã phát hiện gần 5.640 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

Cac bo lam luat co loi cho minh quan ly anh 2
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện đề nghị cần nêu rõ địa chỉ, xử lý trách nhiệm đơn vị ban hành văn bản trái pháp luật. Ảnh: Quochoi.vn

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng vấn đề này xuất hiện trong nhiều năm trước đây. Bà đặt câu hỏi những văn bản đó ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thế nào.

"Nguyên nhân thì nhiều, văn bản sai có thể sửa nhưng việc đánh giá hậu quả do việc thi hành văn bản đó, cũng như xem xét trách nhiệm cán bộ công chức tham mưu, soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản đó chưa quyết liệt", bà nói.

Trưởng ban Dân nguyện đề nghị để không tái diễn tình trạng này trong thời gian tới thì việc xử lý trách nhiệm cần nghiêm minh hơn.

"Cần nêu địa chỉ, xử lý trách nhiệm đơn vị vi phạm. Tới đây, trong báo cáo kiến nghị của cử tri, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp xem cơ quan, tổ chức, địa phương nào ban hành nhiều văn bản trái pháp luật, thống kê cụ thể để bổ sung vào báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội", bà Nguyễn Thanh Hải thôm tin thêm.

'Mỗi năm phụ huynh bỏ 1.000 tỷ mua sách giáo khoa rồi bán giấy vụn'

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay mỗi năm phụ huynh bỏ 1.000 tỷ mua sách giáo khoa nhưng chỉ dùng một lần, rất lãng phí.




Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm