Nhiều đại biểu cho bức xúc về việc lãng phí sách giáo khoa vì sử dụng một lần, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi vào sáng 12/9.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết hiện cử tri rất bức xúc liên quan đến việc sách giáo khoa chỉ sử dụng một lần, quá lãng phí. Riêng năm học 2018-2019, Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra 100 triệu bản sách giáo khoa và sang năm hoàn toàn không còn sử dụng được, chỉ có thể bán giấy vụn.
“Trung bình mỗi năm phụ huynh chi 1.000 tỷ đồng để mua sách giáo khoa. Việc sử dụng một lần chỉ do viết bài tập vào sách mà không phải lý do gì khác. Cử tri và đại biểu Quốc hội nói rất nhiều lần nhưng chưa có chuyển biến, đề nghị Chính phủ và Bộ GD&ĐT lần này quan tâm”, nữ Trưởng ban Dân nguyện lưu ý.
Nữ đại biểu cũng nhận định doanh thu, số lượng sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành chiếm tỷ lệ lớn cho thấy "có gì đó mang tính độc quyền".
Đồng quan điểm, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng trong việc xuất bản, sử dụng sách giáo khoa đang có sự bất hợp lý và lãng phí rất lớn.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng cử tri bức xúc về việc sách giáo khoa sử dụng một lần gây lãng phí. Ảnh: Quochoi.vn |
Theo ông, điều 39 của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong giảng dạy, học tập. "Việc này có ảnh hưởng đến tính thống nhất của chương trình giáo dục trên toàn quốc hay không? Các trường và địa phương chọn các bộ sách khác nhau thì học sinh chuyển trường phải mua sách mới?”, ông Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi.
Cho ý kiến, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhận định không nên để các trường tự chọn sách giáo khoa vì sẽ không thống nhất, mỗi trường một kiểu lựa chọn khác nhau sẽ xảy ra bất cập trong giảng dạy chung.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bổ sung thêm đổi mới phải thống nhất, đồng bộ, không nên mỗi nơi một kiểu, làm khổ học sinh. Sách giáo khoa phải có tính phổ quát, nên có chú thích để vùng miền nào cũng hiểu được.
Giải trình về việc đổi mới giáo dục Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định gần đây rộ lên câu chuyện liên quan đến tài liệu học tập dạy cho trẻ mới đi học. Năm ngoái, câu chuyện của ông GS.Bùi Hiền, nhưng Chính phủ hoàn toàn chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt.
"Sách Công nghệ giáo dục chỉ là một phương pháp đổi mới trong cách học tiếng Việt chứ không phải cải cách ngôn ngữ và đã làm nhiều năm nay. Chúng ta không thể không tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, mà đổi mới thì phải có thực nghiệm, thí nghiệm", Phó thủ tướng nhấn mạnh.