TP.HCM được xếp loại nằm trong top 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP thấp nhất cả nước, xếp hạng 56 trong tổng số 63 tỉnh thành. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/5, Zing đặt câu hỏi về giải pháp vực dậy tăng trưởng của một số địa phương có quy mô sản xuất lớn, nhưng lại tăng trưởng thấp trong quý I như TP.HCM, Bắc Ninh, Thái Nguyên...
Trả lời, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng ngoài những giải pháp mang tính tổng thể của cả nước, các địa phương này cũng phải giải quyết những vấn đề của riêng mình.
Số dự án phê duyệt rất thấp
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, quý I/2023 là một trong những quý tăng trưởng rất thấp. Nguyên nhân xuất phát từ những động lực tăng trưởng suy giảm, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo. Theo đó, các trung tâm sản xuất lớn bị ảnh hưởng gồm 7 địa phương, trong đó có TP.HCM, Thái Nguyên, Bắc Ninh...
Ngoài động lực tăng trưởng là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo suy giảm còn có các lĩnh vực khác khó khăn như bán lẻ, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, thu hút FDI...
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung. Ảnh: Trung Hiếu. |
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh đến các vấn đề đặc thù của một số địa phương, điển hình như TP.HCM. Điển hình như Thành phố trung bình một năm có 70 dự án được phê duyệt, nhưng 2 năm gần đây số lượng dự án dự án phê duyệt mới rất thấp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu một số giải pháp để vực dậy động lực tăng trưởng chung cho cả nền kinh tế. Trong đó nhấn mạnh việc tìm kiếm thị trường, giữ vững sự phát triển khối doanh nghiệp, ổn định lao động, tránh mất việc làm... Đặc biệt là phối hợp với các bộ ngành, tham mưu Chính phủ ban hành một số chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn một số lĩnh vực lớn như tín dụng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường mới...
TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG GRDP CỦA TP.HCM TRONG QUÝ I SO VỚI CÙNG KỲ CÁC NĂM | |||||
Nhãn | Quý I/2020 | Quý I/2021 | Quý I/2022 | Quý I/2023 | |
% | 1.09 | 5.46 | 0.29 | 0.7 |
Riêng với TP.HCM, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thứ trưởng Trung cho rằng cần khắc phục những giải pháp của riêng mình. Đó là nâng cao năng lực và chất lượng chỉ đạo điều hành, xử lý công việc. Đồng thời đẩy mạnh kiểm tra giám sát, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh.
"Tôi cho rằng một trong những vấn đề quan trọng là làm sao để cán bộ, công chức dám nghĩ dám làm. Đây là giải pháp quan trọng để vực dậy tăng trưởng cho các địa phương", ông Trung nói.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng cần tận dụng những động lực tăng trưởng hiện có, đặc biệt là đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Ông cho biết thông thường đầu các năm, địa phương tập trung xử lý nốt khối lượng vốn từ năm trước đó để lại và thực hiện thực hiện thủ tục đầu tư mới. Điều này làm cho tăng trưởng quý đầu năm thấp. Nhưng tín hiệu vui khi quý I năm nay, số vốn giải ngân đang cao hơn khoảng 15.000 tỷ đồng so với năm ngoái.
Quan tâm thúc đẩy dịch vụ, du lịch
Ngoài ra, về thúc đẩy du lịch - dịch vụ, ông Trung cho biết trong quý II và III, một số địa phương như TP.HCM tận dụng để thúc đẩy tăng trưởng. Thông thường quý I là thời gian nghỉ lễ đầu năm, bắt đầu từ quý II, ngành du lịch sẽ tăng trưởng mạnh hơn.
Một vấn đề nữa được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là các địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn các dự án đang tồn đọng để tạo động lực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có dòng tiền, tiếp cận vốn tín dụng...
Các địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn các dự án đang tồn đọng để tạo động lực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có dòng tiền, tiếp cận vốn, tín dụng...
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung
"Hơn nữa cần duy trì các giải pháp hỗ trợ người dân như tinh thần Nghị quyết 58, giảm, giãn, hoãn, thuế, lệ phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp để vừa tạo việc làm, vừa tạo nguồn thu...", ông nói.
Chia sẻ thêm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết Thường trực Chính phủ, 17 bộ ngành đã trực tiếp làm việc với TP.HCM để giải quyết các vấn đề cấp bách, làm sao từ tháng 4 trở đi, TP lấy lại đà tăng trưởng.
"Tất cả các giải pháp đã bàn rất kỹ và sâu, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, giảm lãi suất... và tập trung vào mặt hàng như điện tử, gỗ, may mặc giảm sút trong quý vừa qua", ông Sơn nói.
Trước đó, dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy GRDP của TP.HCM trong quý I ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, đưa TP.HCM về danh sách 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước.
TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá đây là mức tăng trưởng rất thấp và gần như không đáng kể. "Đối với một nền kinh tế đầu tàu của cả nước, mức tăng trưởng này rất đáng lo ngại. Cùng kỳ năm 2022 đã tăng trưởng thấp do ảnh hưởng của đại dịch, mà năm nay tăng trưởng chưa đến 1% thì nghĩa là TP.HCM đang trong tình trạng trì trệ", TS Hiếu nhấn mạnh.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.