Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tăng giá điện 3%, EVN có thoát khó?

Chuyên gia cho rằng 3% là mức tăng khiêm tốn của giá bán lẻ điện sau 4 năm không đổi, khó khăn về tài chính vẫn còn hiện hữu với EVN.

Ngày 4/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định tăng giá điện bán lẻ bình quân thêm 3% lên mức 1.920,37 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) sau 4 năm giữ ở mức 1.864,44 đồng/kWh.

Theo đó, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới dao động 1.728-3.015 đồng/kWh. EVN tính toán, các hộ dùng điện sinh hoạt dưới 50 kWh/tháng sẽ phải trả thêm 2.500 đồng; hộ dùng 100-300 kWh/tháng, số tiền điện phải trả thêm 5.100-18.700 đồng và trên 400 kWh là 27.200 đồng.

Doanh nghiệp thép, xi măng chịu ảnh hưởng lớn

Cũng theo quyết định Bộ Công Thương ban hành chiều 4/5, giá bán điện cho ngành sản xuất được chia theo cấp điện áp và khung giờ thấp - cao điểm và bình thường. Theo đó, giá bán điện cao nhất vào khung giờ cao điểm là 3.171 đồng/kWh, giờ bình thường là 1.738 đồng/kWh và thấp điểm là 1.133 đồng/kWh.

Với khối hành chính sự nghiệp, giá bán lẻ điện mới là 1.690-1.940 đồng/kWh, tùy khung giờ, cấp điện áp. Giá bán lẻ điện kinh doanh là 1.402-4.724 đồng/kWh, mức giá cũ dao động 1.361-4.587 đồng/kWh.

Sau khi thay đổi giá, mỗi tháng khách hàng kinh doanh sẽ trả thêm là 141.000 đồng/tháng tiền điện; gần 2 triệu hộ sản xuất cũng sẽ trả thêm là 307.000 đồng/tháng; khách hàng hành chính sự nghiệp trả thêm khoảng 40.000 đồng/tháng.

LỊCH SỬ ĐIỀU CHỈNH GIÁ BÁN LẺ ĐIỆN BÌNH QUÂN TRONG 15 NĂM QUA

Nhãn 1/1/2007 1/7/2008 1/3/2009 1/3/2010 1/3/2011 20/12/2011 1/7/2012 22/12/2012 1/8/2013 16/3/2015 1/12/2017 20/3/2019 4/5/2023
Giá bán lẻ điện bình quân đồng/kWh 842 890 948.5 1058 1242 1304 1369 1437 1509 1622.01 1720.65 1864.44 1920.3732
Mức tăng % 0 5.7 6.6 11.5 17.4 6.9 5 5 5 7.5 6 8.34 3

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Mirae Asset, một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện có thể ảnh hưởng tiêu cực từ việc tăng giá bán lẻ điện như: Xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy.

"Hiện, chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép, mức này cũng tương đương với doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất. Riêng lĩnh vực xi măng chiếm khoảng 14-15% trên giá vốn hàng bán, trừ những doanh nghiệp lớn có lò quay", công ty chứng khoán phân tích.

Nếu chi phí điện tăng thêm, doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng thì Mirae Asset ước tính chi phí điện tăng 3% làm cho giá vốn bán hàng tăng thêm, thì tổng lợi nhuận trước thuế của ngành thép có thể giảm 15%, xi măng giảm 13%...

Tuy nhiên, theo công ty chứng khoán, nếu doanh nghiệp có thể chuyển chi phí điện tăng, bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng thì có thể làm giảm ảnh hưởng việc gia tăng chi phí đầu vào.

Áp lực cân bằng tài chính vẫn rất lớn

Với việc tăng giá điện 3%, doanh thu của EVN trong 8 tháng còn lại dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số tăng thêm này lại khá khiêm tốn so với bức tranh tài chính của EVN trong năm 2022 và quý I năm nay với khoản lỗ "khổng lồ", ước tính tổng cộng khoảng 44.600 tỷ đồng.

Phó tổng giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam cũng thừa nhận con số này chỉ giúp giảm thiểu khó khăn tài chính cho EVN nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn trước mặt trong việc đảm bảo cân đối đủ điện. Tập đoàn đã có trình phương án tăng giá điện cao hơn mức 3% nhưng cơ quan quản lý đã có ý kiến chỉ tăng tối đa 3%.

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng lần tăng giá điện ở mức 3% này, Bộ Công Thương đã rất chia sẻ tình hình kinh tế khó khăn hiện tại của người dân và doanh nghiệp. Do đó, so với khung giá điện mà Chính phủ đã cho phép thì mức tăng lần này chỉ giới hạn ở mức rất khiêm tốn.

"Tuy nhiên vẫn cần minh bạch các báo cáo tài chính và kinh doanh của cả hệ sinh thái ngành điện", ông nhìn nhận.

Theo vị chuyên gia này, cơ quan chức năng cần minh bạch hơn về số liệu, chi tiết cụ thể, rõ ràng trong khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng của EVN trong năm vừa qua.

gia dien tang anh 1

Chuyên gia cho rằng vẫn cần minh bạch hơn về khoản lỗ của EVN. Ảnh: EVN.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng mức tăng 3% là mức tăng rất thấp và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện vẫn còn rất nhiều khó khăn.

"Chi phí mua điện đầu vào từ các nhà máy nhiệt điện than vừa qua đã tăng 25%, còn mua điện từ nhà máy tuabin khí tăng 11,3% thì bình quân giá điện đã tăng khoảng 15%, trong khi điều chỉnh chỉ ở mức 3% là rất thấp", ông đánh giá.

Hồi cuối tháng 3, Bộ Công Thương cũng đã công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN. Cụ thể, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 419.032 tỷ đồng; năm 2022 là 493.265 tỷ đồng (bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành).

Theo đó, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,9 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020; giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Như vậy, giá thành sản xuất điện đã chính thức vượt 2.000 đồng/kWh, cao hơn mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành (1.864,44 đồng/kWh) là 167,82 đồng.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc cao nhất vượt 3.000 đồng/kWh

Theo cách tính giá bậc mới, khách hàng sử dụng 401 kWh trở lên sẽ phải trả 3.015 đồng/kWh thay vì 2.927 đồng/kWh như trước.

Bộ Công Thương: EVN lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022

Theo Bộ Công Thương, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 26.235 tỷ đồng. Chi phí sản xuất kinh doanh điện là 493.265 tỷ đồng.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm