Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: GDP quý III và IV phải đạt 7,5-7,9% để bù quý I

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ kiên định kịch bản tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay. Để được vậy, trong các quý III và IV, GDP phải tăng rất cao để bù quý I thấp.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%, tăng trưởng kinh tế quý II là 6,7%, quý III và quý IV tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9%. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Báo cáo tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định trong bối cảnh khó khăn gia tăng, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tăng trưởng GDP quý I thấp hơn kịch bản đề ra. Bộ này đưa ra 2 kịch bản cập nhật về tăng trưởng kinh tế cho năm nay.

Theo kịch bản 1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6% (thấp hơn 0,5 điểm % so với mục tiêu Quốc hội quyết nghị). Cụ thể, tăng trưởng các quý II, III và IV lần lượt là 6,7%, 6,5% và 7,1%.

Trường hợp tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt 6% sẽ gây áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 (6,5-7%), đòi hỏi năm 2024-2025 phải đạt tăng trưởng bình quân gần 8%/năm để đạt mục tiêu 5 năm là 6,5%.

Ở kịch bản 2, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%, tăng trưởng kinh tế quý II là 6,7%, quý III và quý IV tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9% (cao hơn lần lượt 1 điểm % và 0,8 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP).

"Đây là kịch bản rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cơ quan này vẫn kiến nghị Chính phủ lựa chọn kịch bản 2 là phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, tạo đà cho các năm tiếp theo để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 trong khoảng 6,5-7%.

Theo ông Dũng, hiện nay, hầu hết chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp.

Do đó, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí…, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

"Trong bối cảnh khó khăn gia tăng, nhất là tình hình kinh tế thế giới không thuận, lạm phát thế giới vẫn ở mức cao, tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhất là ở các nền kinh tế lớn giảm mạnh, kết quả đạt được quý I cơ bản là tích cực, tăng trưởng GDP là mức khá so với bình quân chung của thế giới và khu vực", ông đánh giá về kinh tế quý I.

Theo ông, trong thời gian tới cần khẩn trương, quyết liệt hơn trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách, tháo gỡ các nút thắt, vướng mắc, tranh thủ cơ hội để phát triển các nhân tố nền tảng, bền vững như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về doanh nhân, câu chuyện kinh doanh, khởi nghiệp, vượt qua khó khăn, kinh nghiệm quản trị... tại Tủ sách doanh nhân. Những cuốn sách được chia sẻ bởi các doanh nhân nổi tiếng thế giới như Bill Gate, Warren Buffett, Elon Musk...

BT Nguyễn Chí Dũng: Cần phá tư duy cục bộ cho vùng đồng bằng sông Hồng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng vẫn còn tư duy cục bộ. Do đó, các tỉnh cần tăng cường liên kết, hỗ trợ cùng phát triển.

6 rủi ro chính với kinh tế toàn cầu năm nay

Những dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 vẫn thấp, phản ánh việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, đặc biệt ở những nền kinh tế lớn.

Thảo My

Bạn có thể quan tâm