Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị Cục Hàng không nghiên cứu và có ý kiến về các kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) về việc hỗ trợ các hãng hàng không. Bộ cũng yêu cầu yêu cầu nhà chức trách hàng không Việt Nam khẩn trương hoàn thiện báo cáo tổng thể giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, báo cáo trước ngày 15/12.
Văn bản trước đó của VABA đã bày tỏ mong muốn Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét, chấp thuận cho các hãng hàng không vay gói tái cấp vốn 4.000-6.000 tỷ đồng, lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines (gói 4.000 tỷ vay tối đa 3 năm).
Cũng theo VABA, số vay cụ thể căn cứ vào nhu cầu của từng hãng, vào quy mô, thị phần, đóng góp cho ngân sách trong thời gian qua và khả năng đáp ứng của ngân sách.
Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Hàng không sớm hoàn thiện báo cáo tổng thể giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không trước ngày 15/12. Ảnh: Hoàng Hà. |
Hiệp hội cũng đề nghị cho các hãng hàng không được vay gói 25.000-30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (Nhà nước cấp bù lãi suất 4-5%). Gói này sẽ giúp các hãng chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, thực hiện các chương trình dự án, duy trì hoạt động, phát triển trong và sau dịch.
Ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VABA, cho rằng đây là ngành có tính lan tỏa, là động lực phát triển của nền kinh tế đất nước cần phục hồi. Hiện các hãng hàng không lâm vào tình trạng nguy hiểm, doanh thu giảm 80-90%, dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng sau hàng loạt ảnh hưởng từ đại dịch.
Ngoài ra, hiệp hội này đề nghị nhà chức trách cần điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay về mức tối thiểu trong biểu thuế, tức là về mức 1.000 đồng/lít cũng như cho phép giảm 50% phí dịch vụ tại nhà ga trong năm 2022 đối với khách bay nội địa để góp phần kích cầu du lịch.
Đại dịch đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không Việt. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh vào quý III, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần 4.735 tỷ đồng, giảm gần 38% so với cùng kỳ năm trước. Việc kinh doanh dưới giá vốn khiến hãng hàng không quốc gia lỗ gộp 3.011 tỷ đồng, nặng hơn mức lỗ 2.220 tỷ đồng cùng kỳ.
Về phía các hãng hàng không tư nhân, Vietjet Air ghi nhận doanh thu hợp nhất 2.653 tỷ đồng trong quý III, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Nhờ tiết giảm mạnh giá vốn, Vietjet Air đã ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế ở mức 71,7 tỷ đồng, tích cực hơn cùng kỳ 2020 khi hãng lỗ 971 tỷ đồng sau thuế. Tuy nhiên mức lợi nhuận quý này của Vietjet Air là rất khiêm tốn khi so sánh với giai đoạn trước khi dịch Covid-19 bùng phát.