Chiều 24/5, Bộ GTVT và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã ký hợp đồng bảo trì hạ tầng đường sắt năm 2021 với tổng giá trị hơn 2.821 tỷ đồng. Hiệu lực hợp đồng được tính từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/12.
Nội dung hợp đồng nêu rõ VNR (bên nhận đặt hàng) có trách nhiệm cung cấp dịch vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đảm bảo chất lượng theo quy định; đảm bảo hoạt động đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác.
Bộ GTVT và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ký hợp đồng đặt hàng bảo trì hạ tầng đường sắt. Ảnh: Mt.gov.vn. |
Bộ GTVT (bên đặt hàng) sẽ tạm ứng cho VNR 50% giá trị phần công việc trong vòng 5 ngày từ khi ký hợp đồng. Công tác thanh toán, nghiệm thu bàn giao giữa 2 bên sẽ được thực hiện đúng quy định của hợp đồng.
Chia sẻ với Zing, đại diện Bộ GTVT cho biết đây là lần đầu tiên phần việc bảo trì hạ tầng đường sắt được thực hiện thông qua một hợp đồng kinh tế giữa Bộ GTVT và VNR.
Trước đây, VNR là đơn vị trực thuộc Bộ GTVT nên được bộ giao vốn trực tiếp để thực hiện bảo trì hạ tầng đường sắt mà không cần thông qua hợp đồng đặt hàng.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2018, VNR chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, không còn thuộc Bộ GTVT nên Bộ không đồng ý giao vốn trực tiếp mà phải thông qua một hợp đồng kinh tế. Bộ GTVT cho biết Bộ Tài chính đã khẳng định việc giao vốn cho VNR là không phù hợp với quy định Luật Ngân sách nhà nước.
Sau khi về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, VNR vẫn được Bộ GTVT giao vốn trong năm 2019 do kế hoạch đã được phê duyệt từ trước. Nhưng đến năm 2020, Bộ GTVT kiên quyết không giao vốn bảo trì cho VNR.
"Chính phủ đã phải ra Nghị quyết đề nghị tiếp tục giao vốn cho VNR trong năm 2020. Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu bắt đầu từ năm 2021 phải thực hiện đặt hàng", đại diện Bộ GTVT chia sẻ.
Cũng theo Bộ GTVT, từ đầu năm nay Bộ đã yêu cầu đặt hàng nhưng VNR không chịu mà muốn được giao vốn trực tiếp như mọi năm. Đến khi Thủ tướng có chỉ đạo, doanh nghiệp này mới chấp nhận ký hợp đồng nhận đặt hàng.
Bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt là dịch vụ công ích, không phát sinh lợi nhuận như lĩnh vực vận tải đường sắt nên được Nhà nước trực tiếp đặt hàng bằng nguồn vốn Ngân sách.
Hiện, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang quản lý 20 công ty con chuyên làm công tác bảo trì hạ tầng. Thời gian qua, do chậm được giao vốn ngân sách, 20 công ty này thiếu tiền mua vật tư và phải nợ lương công nhân.